Đề xuất xử lý hình sự tài xế có nồng độ cồn: Đã có quy định nhưng khó xử lý

Quang Trung Thứ sáu, ngày 02/02/2024 18:11 PM (GMT+7)
Về xuất xử lý hình sự tài xế có nồng độ cồn, chuyên gia pháp luật cho rằng, hiện đã có quy định nhưng chưa có văn bản hướng dẫn nên thực tế khó khả thi.
Bình luận 0

Đề xuất xử lý hình sự tài xế có nồng độ cồn

Trong cuộc hội thảo "Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ" diễn ra vào cuối tháng 1, do Bộ Công an và Bộ Y tế đồng tổ chức, một số ý kiến đã đề xuất cần phải áp dụng biện pháp xử lý hình sự đối với các tài xế có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép, ngay cả khi họ chưa gây ra hậu quả nào.

Đề xuất xử lý hình sự tài xế có nồng độ cồn: Đã có quy định nhưng khó xử lý- Ảnh 1.

Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trần Hữu Minh đề xuất xử lý hình sự tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng (vượt mức 3) dù chưa gây hậu quả. Ảnh: Ngọc Hải

Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhận định rằng, các quy định hiện hành trong việc xử lý nồng độ cồn là khá đầy đủ và nghiêm ngặt. Tuy nhiên, sau khi phân tích, Ủy ban nhận thấy vẫn cần có sự sửa đổi, bổ sung để quy định được hoàn thiện hơn.

Theo ông Minh, mức phạt hành chính hiện nay cho lỗi nồng độ cồn đã khá cao và có khả năng răn đe tốt. Nhưng trên thực tế, dù là uống 5 hay 30 cốc, người vi phạm đều bị xử phạt như nhau theo khung mức 3 (nồng độ cồn trên 80 mg/100 ml máu, mức phạt từ 30-40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng đối với lái xe ôtô), điều này chưa phản ánh đúng mức độ vi phạm.

Từ những phân tích trên, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề xuất: Nếu vi phạm vượt quá mức 3, cần có các biện pháp phân loại để xử lý, có thể là hành chính hoặc thậm chí hình sự, đối với các trường hợp vi phạm nồng độ cồn với mức độ nghiêm trọng, kể cả khi chưa xuất hiện hậu quả từ hành vi đó.

Chưa có văn bản hướng dẫn nên khó thực hiện

Trao đổi về vấn đề này với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, người vi phạm nồng độ cồn nhưng chưa gây ra tai nạn giao thông sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, không phụ thuộc vào mức nồng độ cồn là bao nhiêu và mức xử phạt cao nhất đối với người điều khiển xe mô tô là 8 triệu đồng, đối với người điều khiển xe ô tô là 40 triệu đồng.

Thực tiễn cho thấy người say rượu, vi phạm nồng độ cồn ở mức cao rất dễ gây tai nạn giao thông và khi tai nạn giao thông xảy ra, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Chính vì vậy ở nhiều quốc gia trên thế giới đang có quy định xử phạt với số tiền rất lớn hoặc phạt tù với người say xỉn điều khiển phương tiện giao thông.

Đây là giải pháp phòng ngừa tai nạn giao thông, phòng ngừa tội phạm vi phạm trật tự an toàn giao thông. Khi thực hiện nghiêm việc xử lý vi phạm hành chính sẽ kéo giảm tội phạm, bởi đó là đánh vào nguyên nhân, điều kiện phạm tội, là giải pháp phòng ngừa tích cực trực tiếp và hiệu quả.

Theo ông Cường, ở Việt Nam cũng có quy định về người tham gia giao thông đường bộ mà có khả năng gây tai nạn giao thông nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, dù chưa có hậu quả tai nạn giao thông xảy ra, người vi phạm vẫn có thể bị xử lý hình sự.

Cụ thể, khoản 4, Điều 260 Bộ luật hình sự quy định: Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

Như vậy, khoản 4, Điều 260 Bộ luật hình sự có cấu thành hình thức, khác với quy định về các khoản khác của tội danh này. Theo đó, nếu cơ quan chức năng có căn cứ cho thấy người vi phạm giao thông đường bộ có khả năng thực tế dẫn đến tai nạn giao thông thuộc trường hợp rất nghiêm trọng (chết từ 3 người trở lên hoặc gây thương tích nghiêm trọng cho nhiều người mà tỷ lệ thương tích từ 201% trở lên hoặc gây thiệt hại tài sản từ 1,5 triệu đồng trở lên) sẽ xử lý hình sự.

Từ đó, có thể hiểu, nếu người say xỉn đến mức không kiểm soát được hành vi của mình mà điều khiển phương tiện giao thông chở theo nhiều người hoặc trên các tuyến đường đông người mà bị phát hiện, ngăn chặn, nếu không ngăn chặn, tai nạn nghiêm trọng có thể xảy ra, trong trường hợp này có thể xử lý hình sự người vi phạm nồng độ cồn ở mức độ cao mà không cần phải có hậu quả tai nạn giao thông xảy ra.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng, để chứng minh hậu quả thực tế có thể xảy ra đến mức chết 3 người trở lên... là rất khó, chính vì vậy từ khi Điều 260 có hiệu lực pháp luật, gần như chưa có trường hợp nào người say xỉn điều khiển phương tiện giao thông bị xử lý hình sự khi chưa gây tai nạn.

Vì vậy, trong buổi cảnh hành vi vi phạm nồng độ cồn đang diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông do người say rượu gây ra hậu quả rất thảm khốc ngày càng nhiều, cần phải có hướng dẫn hoặc án lệ về khoản 4, Điều 260 để áp dụng nhằm răn đe đối với các trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức cao.

Từ bình luận trên, ông Cường cho rằng, pháp luật Việt Nam đã có quy định về việc người vi phạm nồng độ cồn ở mức "say xỉn" gần như mất kiểm soát về hành vi, có khả năng thực tế gây ra hậu quả vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng, sẽ áp dụng chế tài hình sự, không phụ thuộc vào vụ tai nạn đã xảy ra hay chưa.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là nội dung này chưa có văn bản hướng dẫn nên trong thực tế chưa có trường hợp nào uống rượu say điều khiển phương tiện giao thông chưa gây tai nạn mà bị xử lý hình sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem