Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, đã xác định được hung thủ gây ra cái chết của ông T.V.T (42 tuổi), ngụ khu phố 6, phường Hưng Long, TP Phan Thiết.
Ông T. là người tử vong bất thường, gia đình đã tẩn liệm vào quan tài chuẩn bị đưa đi hỏa thiêu vào ngày 28/1 thì bị công an phát hiện yêu cầu dừng đám tang, mở quan tài khám nghiệm.
Kết quả giám định pháp y xác định ông T. tử vong do vết thương đâm thấu ngực. Sau nhiều giờ đấu tranh, T.V.L (19 tuổi, con trai của ông T) đã khai nhận mình chính là người gây ra cái chết của cha ruột.
Bước đầu L. khai, khoảng 23h ngày 25/1 nói chuyện với cha, L. xin đi hỏi vợ nhưng không được đồng ý. Hai bên xảy ra cãi vã, người cha xuống bếp lấy con dao. Trong khi "giằng co giật lại dao", L. đã "lỡ tay" đâm vào ngực cha khiến ông này tử vong tại chỗ.
Sau khi sự việc xảy ra, L. và gia đình không trình báo với cơ quan chức năng, mà tự ý dọn dẹp hiện trường, xóa dấu vết. Thi thể nạn nhân đã được tẩm liệm, chuẩn bị đưa đi hỏa táng.
Các tình huống pháp lý có thể xảy ra?
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo nội dung khai báo ban đầu, L. cho rằng không có mục đích sát hại cha mình, việc cha mình tử vong là không may. Nếu lời khai này là đúng, nghi phạm có thể bị xử lý về tội vô ý làm chết người.
Còn trường hợp kết quả xác minh cho thấy nghi phạm giành được con dao từ cha nhưng không cất đi mà lại dùng để đâm vào ngực nạn nhân, đây là hành vi giết người.
Vì vậy, nếu chứng minh được nghi phạm nhận thức hành vi có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn cố tình đâm dao vào ngực nạn nhân, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với nghi phạm về tội giết người.
Theo ông Cường, tội giết người quy định lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp. Theo đó đối tượng thực hiện hành vi giết người phải nhận thức được là hành vi của mình có thể sát hại nạn nhân nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi và mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra.
Trong vụ việc này nạn nhân bị đâm tử vong bởi dao và có căn cứ cho thấy nghi phạm đâm dao vào ngực nạn nhân. Vấn đề còn lại là chứng minh khả năng nhận thức điều khiển hành vi của nghi phạm, chứng minh mặt chủ quan của tội phạm.
Trong đó, đặc biệt chú ý yếu tố lỗi để xác định tội danh cho phù hợp với quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của cả hai bên để xác định nghi phạm thực hiện hành vi có thuộc trường hợp tinh thần bị kích động mạnh hay không.
Nếu có căn cứ cho thấy nạn nhân đã thực hiện hành vi trái pháp luật nghiêm trọng, gây ra thương tích cho nghi phạm, sau đó nghi phạm mới thực hiện hành vi giết người.
Trong trường hợp này sẽ xử lý về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh chứ không xử lý về tội giết người.
"Cần lưu ý, trong các hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác, thường đối tượng gây án bị kích động bởi yếu tố chủ quan hoặc khách quan nhưng phải là kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân mới được chuyển tội danh sang tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh" – ông Cường nói.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia, trong vụ việc trên, theo thông tin ban đầu, đã có dấu hiệu của hành vi che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm.
Bởi vậy, căn cứ vào quy định tại Điều 18 và Điều 19 Bộ luật hình sự, cơ quan điều tra có thể xem xét khởi tố vụ án hình sự về tội che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm.
Tuy nhiên, việc xử lý hình sự hay không phụ thuộc vào nhận thức của những người này về việc nạn nhân bị sát hại và mối quan hệ giữa người che giấu không tố giác đối với nghi phạm gây án.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.