Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Những ngày này, vào mỗi đêm, đường phố Hà Nội yên tĩnh, lâu lâu mới xuất hiện bóng người đi trên đường. Cả Hà Nội đang trải qua chuỗi ngày tuân thủ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của UBND TP.
Đúng 0h, ở góc đường Xã Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) xen lẫn trong không gian tĩnh mịch là những tiếng chổi quét rác. Anh Trần Đức Tính (SN 1977, trú tại ngõ Văn Chương), công nhân Công Ty TNHH Một Thành Viên Môi Trường Đô Thị Hà Nội - chi Nhánh Đống Đa đang hối hả thu dọn rác. Với mọi người đây là thời điểm dịch bệnh hạn chế ra đường, còn với công việc của anh Tính thì bất kể ngày giờ nào đường phố cũng cần phải quét dọn sạch sẽ.
Đẩy xe thu dọn rác, anh Tính kể, công việc "làm đẹp cho đời" đã gắn bó với anh hơn 10 năm. Hàng ngày, anh bắt đầu công việc từ 15h chiều và kết thúc vào rạng sáng ngày hôm sau cho tới khi hết rác. Chính vì vậy, bao năm qua, hầu như anh thức trọn cả đêm.
"Tôi làm công việc này rồi may mắn quen vợ cũng làm công nhân môi trường. Cả hai chúng tôi thấu hiểu công việc của nhau, nên duyên vợ chồng đến nay có 2 con (một cháu 11 tuổi, một cháu 7 tuổi).
Cùng công việc nên vợ chồng tôi không thể đi làm cùng thời điểm với nhau. Vợ tôi làm ca từ 4h30 sáng đến chiều, còn tôi làm từ 15h chiều đến rạng sáng ngày hôm sau. Vợ đi làm thì tôi ở nhà phụ trông con, tôi đi thì vợ lo cho con ăn uống, học hành… Cứ thế suốt bao năm nay tôi đều làm đêm", anh Tính chia sẻ.
Theo anh Tính, lao công khá vất vả, ảnh hưởng đến sức khoẻ, có mức lương khoảng hơn 6.000.000 đồng/tháng. Số tiền đó không nhiều nhưng cũng đủ để vợ chồng anh lo cho con cái ăn học, chi tiêu gia đình.
Những ngày dịch bệnh bùng phát, số lượng rác không nhiều như ngày thường nhưng công việc của anh Tính càng phải tỉ mẩn, chỉn chu hơn. Anh thu gom từng túi rác, quét sạch sẽ lá rụng dọc cả hai bên tuyến đường Xã Đàn.
"Mỗi tuần tôi được nghỉ 1 ngày. Vào những ngày lễ Tết thì hầu như không được nghỉ vì người dân ra đường nhiều nên rác la liệt, vô biên. Với nhiều người đi ngang qua xe rác đều bịt mũi, nín thở… nhưng đó là công việc gắn liền với cuộc đời tôi, tôi cũng yêu công việc này vì mỗi khi dọn sạch hè phố, nhiều người gửi lời cảm ơn. Đó là động lực giúp tôi làm đến ngày hôm nay và tiếp tục cho những ngày mai sau", anh Tính chia sẻ.
Mỗi ngày quãng đường từ nhà ở xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì lên công ty ở quận Hoàn Kiếm với chị Tạ Thị Bích Hường (40 tuổi) cũng trở nên quen thuộc. Công việc lao công gắn bó với chị Hường đến nay đã 7 năm. Hàng ngày chị đi bộ đẩy xe thu gom, quét rác trong quãng đường dài hơn 2km dọc tuyến phố Hàng Bông, Cửa Nam… từ 18h chiều cho tới rạng sáng ngày hôm sau.
"Công việc vệ sinh môi trường khá vất vả nên chỉ mong mọi người vứt rác đúng nơi quy định. Những hôm lễ Tết, đường phố ngập rác, có khi dọn tới sáng sớm hôm sau mới hết. Những ngày dịch bệnh người dân ít vứt rác bừa bãi hơn nên cũng đỡ vất vả. Thế nhưng, càng dịch bệnh chúng tôi càng phải dọn dẹp đường phố cho thật sạch sẽ", chị Hường nói.
Theo nữ lao công, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chị cùng nhiều công nhân khác cũng lo sợ. Tuy nhiên, phía công ty luôn động viên, trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn…, mọi người phải tự đảm bảo an toàn cho mình.
"Nhiều khi cầm túi rác không tránh khỏi việc bị mảnh vỡ… đâm vào tay. Nhưng nếu không thu dọn sạch sẽ có thể gây nguy hiểm cho người khác. Mình gắn bó với công việc này nên phải làm hết trách nhiệm của mình, bộ mặt đường phố như hình ảnh mình, phải giữ gìn sạch sẽ", chị Hường nói.
"Có đợt bãi rác bị tắc phải đợi cả đêm cho tới khi xe đến đưa rác chúng tôi mới kết thúc công việc. Giữa đêm ra đường giờ này chỉ có lao công như chúng tôi thôi", chị Hường chia sẻ thêm.
Cứ thế nữ lao công đẩy xe rác tiếp tục công việc của mình. Bóng hình chị khuất dần trên đoạn đường dài phía trước. Chị phải kịp hoàn thành công việc để đường phố sạch đẹp, không còn bóng rác trước khi bước vào ngày mới.
Chị Hường, anh Tính và những công nhân rác khác hy vọng cùng góp chút sức nhỏ xây dựng hình ảnh đường phố Hà Nội thêm xanh, sạch, đẹp, cùng với đó là niềm tin dịch bệnh Covid-19 được đẩy lùi, nhịp sống Hà Nội sẽ tiếp tục nhộn nhịp trên các đoạn đường...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.