Trong đó, đoàn 14 người của Bệnh viện Phong - da liễu Trung ương Quy Hòa (ở TP.Quy Nhơn, Bình Định - thuộc Bộ Y tế), gồm 5 bác sĩ, 9 điều dưỡng được tăng cường cho TP.HCM.
Đoàn 17 người của tỉnh Bình Định gồm 2 bác sĩ, 3 kỹ thuật viên xét nghiệm, 12 điều dưỡng được tăng cường cho tỉnh Bình Dương.
Bác sĩ trẻ Dương Minh Trí (BS đa khoa – Khoa Ngoại thần kinh cột sống, BVĐK tỉnh Bình Định) cho biết, anh rất vinh dự vì lãnh đạo tỉnh Bình Định, Sở Y tế đã quan tâm đưa tiễn bằng buổi lễ ra quân tình cảm.
"Chúng tôi nhận thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình khi tham gia chống dịch lần này. Chúng tôi quyết tâm sẽ vượt qua những khó khăn để làm tốt các công việc được giao phó. Với tinh thần chống dịch như chống giặc, quyết đến khi nào TP.HCM, Bình Dương hết dịch mới về", bác sĩ Trí nói.
Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Định, các thành viên của đoàn y, bác sĩ vào tuyến đầu TP.HCM, Bình Dương chống dịch phải xác định rõ rằng, đây là trách nhiệm, nghĩa vụ hết sức lớn lao, tham gia vào công tác chống dịch Covid-19 chứ không phải đi chi viện, hay hỗ trợ.
Giám đốc Sở Y tế Bình Định Lê Quang Hùng cho rằng, dịch Covid-19 đang bùng phát ở diện rộng cả nước, mạnh nhất ở các tỉnh phía Nam, trong đó có TP.HCM.
Vì vậy, trách nhiệm của mỗi công dân, cũng như mỗi y, bác sĩ đều phải xem nhiệm vụ chống dịch là nghĩa vụ, trách nhiệm chung.
"Với vai trò, trách nhiệm và chuyên môn, chúng ta phải nhập cuộc nhanh, tham gia công tác chống dịch hiệu quả chung tay cùng với TP.HCM, tỉnh Bình Dương sớm đẩy lùi dịch", ông Hùng nhấn mạnh.
Thay mặt UBND tỉnh Bình Định, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận, biểu dương tinh thần xung phong, tình nguyện đến tuyến đầu chống dịch của 31 thành viên trong đoàn.
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Bình Định gửi gắm niềm tin, mong các thành viên trong đoàn đoàn kết, sẵn sàng nhận nhiệm vụ chống dịch do ngành y tế TP.HCM, tỉnh Bình Dương giao phó.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.