Từ ngoài lộ quẹo vào khu vườn nhà tôi chừng năm trăm mét đã thấy yên ả hẳn, sau mưa ao cá được lên cao mấy bậc nước.
Ngọn nước lên đến bờ cỏ lúp xúp, lũ cá tìm thức ăn lên tới bờ cỏ, lộ sống lưng vàng óng rồi hốt hoảng quẩy đánh choác xuống nước, vẽ những đường nước hình vòng cung mạnh mẽ.
Chúng quen với người hết biết sợ, tiếng đớp nước của bầy cá thật yên tĩnh trong buổi sáng.
Bờ rào ao vịt dây nhãn lồng được thể sau mưa vươn ngọn lúp xúp, chúng trèo cả ra ngoài hàng rào đêm qua ngó chừng còn bò ngáng đường đi.
Chợt nhớ chị tôi hay kể chuyện mùa xuân trồng bí trồng bầu. Nửa đêm chợt thức nghe dây bí dây bầu chạy rào rào trên giàn, đụng khung cửa cộp cộp là dừng lại!
Ngọn nhãn lồng nhắm chừng đêm qua cũng chạy vậy nên mới sáng ra đã thấy chồm hết trên đường đi.
Cây nhãn lồng có quá nhiều tên gọi. Miền Nam gọi nhãn lồng chắc tại cái hình dáng cái trái được bọc ngoài lớp trái là một màng đường gân như gân lá mà không có lớp lá liên kết, trái nhãn nằm ở giữa lúc chín vàng mở ra bên trong là lớp cùi trắng mềm như nhãn, mềm hơn nhãn cho vị ngọt ngọt xen lẫn hạt đen nhánh. Còn thêm cái tên là lồng mứt do hạt mứt nằm trong cái lồng gân lá. Trong đông y gọi cái tên rất văn học dây lạc tiên chuyên trị bệnh mất ngủ.
Xứ Quảng chúng tôi gọi nhãn lồng là cây bọc đường, cây long nhãn, cây lồng đèn,...
Dây nhãn lồng thì có quá nhiều công dụng, là một phương thuốc an thần dành cho người mất ngủ. Chị tôi đợi dây leo đầy rào nhiều nhiều là chặt khúc rồi đem phơi khô là đã có một loại trà dành cho người mất ngủ, giấc ngủ kém sâu. Nhãn lồng là một thứ nước lá uống mát, cho giấc ngủ rất sâu đem đến cho người giấc mơ tiên nên mới gọi là dây lạc tiên vậy!
Ngọn nhãn lồng tươi non luộc ăn ngon lắm. Tôi vừa ngắt hàng đọt non vươn dài mép bờ rào luộc một đĩa, ngọn xanh rờn thơm thơm chấm mắm nêm thì ngon phải biết.
Đọt nhãn lồng non luộc ngon không kém ngọn bí, ngoài ra nó còn là một phương thuốc quý dành cho người lớn tuổi với giấc ngủ trằn trọc hằng đêm.
Chúng ta quá quen thuộc với những loại thuốc luôn có sẵn ngoài quầy, luôn trong tầm tay mà ta quên mất những phương thuốc dân gian có mặt chung quanh ta.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.