Đền Hai Bà Trưng phát cháy trong đêm và nghi vấn săn tìm đồng đen

Chủ nhật, ngày 01/09/2013 19:05 PM (GMT+7)
Khi cơ quan chức năng vẫn chưa kịp làm sáng tỏ vụ việc thì dư luận địa phương lại đoán già, đoán non. Không ít người cho rằng do nghi ngờ trong đền có chứa đồng đen nên kẻ xấu đã đốt phá để săn tìm loại báu vật bí ẩn này.
Bình luận 0
Ngôi đền bị đốt cháy bí ẩn trong đêm
Ngôi đền bị đốt cháy bí ẩn trong đêm

Nửa đêm ngôi đền bỗng bốc cháy

Chúng tôi về xã Mê Linh, huyện Lâm Hà đúng lúc các cụ trong Hội nạn nhân chất độc màu dam cam đang tổ chức gặp mặt tại trụ sở UBND xã vào buổi sáng một ngày thứ 7, biết có phóng viên về tìm hiểu thực hư vụ đền thờ Hai Bà Trưng bỗng bốc cháy bí ẩn trong đêm, nhiều cụ không giữ được bình tĩnh, từ trong phòng nói vọng ra: “Phải bắt bằng được ai đã đốt đền đưa ra trừng trị chứ không thể để một kẻ vô đạo như vậy cứ nhởn nhơ được”.

Tiếng chưa kịp dứt, vài ba cụ khác lại xôn xao tiếp lời: “Rõ ràng là đốt phá có chủ đích chứ không thể là bọn trẻ chăn trâu bò được. Cháy lúc nửa đêm mà... ”.

Sợ chúng tôi bị cuốn vào những bức xúc cao độ của các cụ, ông Nguyễn Bình Trọng, trưởng ban văn hóa xã Mê Linh vội chào các cụ rồi kéo tay chúng tôi vào phòng riêng kể tường tận về vụ cháy đền đầy tai tiếng này. Theo ông Trọng, ngôi đền bị cháy vào khuya ngày mồng 1 rạng sáng ngày mồng 2 tháng 8 vừa qua. Bởi trước đó, ngày thương binh liệt sĩ (27.7), lãnh đạo UBND xã Mê Linh vẫn lên đền tổ chức dâng hương, cúng cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ của xã.

Sáng sớm ngày 2.8, khi tất cả các cán bộ, nhân viên của xã đang làm việc thì một người dân địa phương đang có đất canh tác gần đền hốt hoảng chạy xe gắn máy xuống trụ sở UBND xã Mê Linh thông báo đền Hai Bà Trưng bị đốt cháy nham nhở. Lập tức, Chủ tịch UBND xã Mê Linh - ông Đào Xuân Dũng - cùng với một số cán bộ xã có trách nhiệm, trong đó có ông Nguyễn Bình Trọng (cán bộ văn hóa xã) liền chạy tới hiện trường kiểm tra sự việc.

Tới nơi toàn bộ 3 cửa ra vào của nhà trung tế, nơi cất giữ nhiều vật dụng phục vụ lễ hội, đã bị đốt cháy tan hoang. Bên trong đền, hầu hết các vật dụng khác như đôi lộc bình bằng sứ, chiêng, trống, áo mũ lễ hội… nay chỉ còn lại tro bụi. Những mảng tường lớn, các cánh cửa ra vào đã cháy rụi hoặc bung lở đổ ập xuống đất vì sức nóng của ngọn lửa.

Xét thấy đây là một vụ đốt phá đền có tính chất cực kỳ nghiêm trọng, lãnh đạo UBND xã Mê Linh đã tiến hành lập biên bản giữ nguyên hiện trường. Sau đó, lực lượng Công an huyện Lâm Hà đã tới khám nghiệm, thu thập một số vật dụng còn sót lại, lấy lời khai các nhân chứng để phục vụ công tác điều tra.

Ông Đào Xuân Dũng cho biết đền Hai Bà Trưng được xây dựng và đưa vào phục vụ sinh hoạt cộng đồng, tín ngưỡng tâm linh lịch sử của cư dân địa phương từ năm 2011 đến nay. Vì kinh phí không có nên xã không thể thuê người trông coi, hằng năm chỉ có vài ngày lễ là người dân và chính quyền tổ chức đến dâng hương, lau dọn đền Hai Bà Trưng. Nguồn vốn đầu tư xây dựng do UBND huyện Mê Linh (Hà Nội) hỗ trợ cùng với cư dân địa phương quyên góp mà tạo dựng nên.

Báu vật giữa đền hoang

Ông Đào Xuân Dũng cho biết do đền thờ mới được xây dựng nên những vật dụng trong đền không nhiều, cũng không có những cổ vật quý hiếm như ở các đền thờ khác. Hiện nay quý hiếm nhất vẫn là đôi tượng nguyên bản bằng gỗ mít có xuất xứ hàng nghìn năm qua, mô phỏng hình tượng hai nữ tướng Hai Bà Trưng oai phong lẫm liệt và cũng rất nữ tính.
img

Những gì còn sót lại sau vụ cháy
Những gì còn sót lại sau vụ cháy
Rất may mắn là hai pho tượng này đặt trong gian sau cùng của nhà trung tế, được khóa chặt bằng cửa sắt nên kẻ xấu đã không đốt cháy hai pho tượng quý hiếm giống như các đồ vật khác có trong đền. Đây là hai pho tượng gốc, mô phỏng hình ảnh Hai Bà Trưng, tượng được làm bằng gỗ mít.

Năm 2000, sau khi nhân dân huyện Mê Linh (Hà Nội) đúc tượng Hai Bà Trưng bằng đồng đã đem tặng hai bức tượng gốc này cho nhân dân xã Mê Linh, huyện Lâm Hà, là những người gốc huyện Mê Linh (Hà Nội) đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Lâm Đồng từ sau những năm đất nước vừa thống nhất.

Vào thời điểm đó, do ở xã Mê Linh chưa có đền thờ Hai Bà Trưng nên hai pho tượng nguyên bản bằng gỗ mít này được đặt ngay tại lầu 2, trụ sở UBND xã Mê Linh, huyện Lâm Hà. Sau đó, lãnh đạo UBND huyện Mê Linh (Hà Nội) vào thăm người dân địa phương đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Lâm Đồng đã hỗ trợ kinh phí, cùng với người dân xã Mê Linh đóng góp thêm tiền của xây dựng ngôi đền khang trang như hiện nay.

Năm 2010, nhà trung tế của đền Hai Bà Trưng được xây kiên cố, UBND xã Mê Linh đã làm lễ rước hai pho tượng này lên vị trí hiện nay để đặt, phục vụ đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân địa phương. Mỗi năm một lần, vào tháng giêng hằng năm, chính quyền địa phương mới mở kho đem tượng ra lau chùi phục vụ lễ hội.

Ông Đào Xuân Dũng cho biết cũng không rõ hai pho tượng Hai Bà Trưng nguyên bản này có từ khi nào. Chỉ biết rằng, khi tiếp nhận từ chính quyền huyện Mê Linh (Hà Nội), ông được những bậc cao niên tiết lộ rằng đã có từ rất lâu đời.

Xác định đây là báu vật của những người đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Lâm Đồng, từ khi tiếp nhận, chính quyền xã Mê Linh cũng như cư dân địa phương đều coi hai pho tượng là sự linh thiêng, tín ngưỡng lịch sử, nhắc nhở những thế hệ người Mê Linh (Hà Nội) đi xây dựng vùng kinh tế mới luôn nhớ về quê hương, đất tổ.

Nghi vấn đốt đền vì đồng đen (?)

Về nguyên nhân của vụ cháy đền thờ Hai Bà Trưng, ông Đào Xuân Dũng cho biết, vẫn đang chờ kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra. Trong khi đó, ông Nguyễn Bình Trọng, trưởng ban văn hóa xã lại dè chừng khi đề cập về nguyên nhân vụ cháy: “Về điều này, thẩm quyền lại thuộc công an huyện. Họ đang điều tra, mình có nghi ngờ thì cũng chỉ là nghi ngờ chứ không có căn cứ gì vững chắc. Chúng tôi chưa dám khẳng định nguyên nhân vụ cháy này”.
Ông Đào Xuân Dũng, Chủ tịch UBND xã Mê Linh cũng rất bức xúc trước việc ngôi đền bị đốt cháy
Ông Đào Xuân Dũng, Chủ tịch UBND xã Mê Linh cũng rất bức xúc trước việc ngôi đền bị đốt cháy

Theo ông Dũng, tài sản thiệt hại sau vụ cháy không nhiều nhưng đền thờ Hai Bà Trưng vốn là nơi gìn giữ những giá trị tâm linh, đời sống văn hóa, tinh thần của cư dân huyện Mê Linh (Hà Nội) đi xây dựng vùng kinh tế mới ở xã Mê Linh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) từ những năm đất nước vừa mới giải phóng, nên vụ cháy đền đã làm cho dư luận địa phương hết sức bất bình.

Ông Dũng cũng thừa nhận, khả năng đền bị cháy do trẻ em chăn trâu bò hoặc thanh niên địa phương nghịch phá dẫn đến cháy đền là không thể xảy ra. “Việc đền bị đốt cháy rõ ràng là có chủ đích chứ không thể là vô ý. Chúng tôi mong sớm làm sáng tỏ vụ việc để trấn an những bức xúc đang rất căng thẳng trong dư luận từ khi đền bị cháy đến nay” – ông Dũng nói.

Người dân địa phương sau vụ cháy đền Hai Bà Trưng đã đưa ra nhiều nghi vấn khác nhau. Có người cho rằng, do thanh niên chơi bời đốt cháy; có người khẳng định do mâu thuẫn trong việc đền bù giải tỏa đất đai khi xây đền gây ra; không ít người lại khẳng định do nghi ngờ trong đền Hai Bà Trưng có đồng đen nên kẻ xấu đã kéo đến đốt phá đền đột nhập vào bên trong săn tìm loại báu vật này.

Nguyên nhân của vụ cháy đền Hai Bà Trưng giữa đêm khuya ngày càng trở nên huyền bí, người dân sinh sống xung quanh ngôi đền những lúc rảnh rỗi lại không ngớt tụm năm, tụm bảy bàn tán xôn xao

Trong khi dư luận mỗi người đang đồn thổi một nguyên nhân gây cháy ngồi đền, ông Đào Xuân Dũng khẳng định trong đền Hai Bà Trưng vừa phát cháy không có bất cứ vật dụng gì làm từ đồng đen. “Nếu nguyên nhân gây cháy đền là do kẻ xấu nghi có đồng đen mà kéo đến đốt phá để vào trong tìm kiếm thì những đối tượng này đã bị ngộ nhận. Còn các nguyên nhân khác dẫn đến ngôi đền bị cháy đang được cơ quan công an tiến hành điều tra” - ông Dũng nói.
Ngô Khắc Lịch (Dòng Đời) (Ngô Khắc Lịch (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem