Đến huyện này ở Bến Tre, thấy mua bán cây giống sôi động là biết dân đang trồng cây gì nhiều
Đến một huyện của Bến Tre, thấy cảnh mua bán sôi động một mặt hàng là biết dân đang trồng cây gì nhiều
Thứ hai, ngày 17/06/2024 08:00 AM (GMT+7)
TS. Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) cho biết: Năm 2024, người dân trên địa huyện sản xuất ước tính từ 35 - 37 triệu cây giống các loại. Hiện tại, thị trường tiêu thị sản phẩm cây giống rất sôi động, chủ lực là sầu riêng, mít.
Sau tình hình căng thẳng của biến đổi khí hậu (BĐKH) và hạn mặn gay gắt, thị trường tiêu thụ cây giống trên địa bàn huyện Chợ Lách diễn ra đầy biến động cũng như thay đổi đáng kể.
Từ đó, người dân địa phương đã tập trung cao độ trong việc sản xuất và kinh doanh cây giống để đáp ứng tương thích chất lượng trên thị trường tiêu thụ.
TS. Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết: Năm 2024, người dân trên địa huyện sản xuất ước tính từ 35 - 37 triệu cây giống các loại.
Hiện tại, thị trường tiêu thị sản phẩm cây giống rất sôi động, chủ lực là sầu riêng, mít. Thời gian qua, người dân địa phương đã triển khai tốt công tác ứng phó cùng hạn mặn nên không có thiệt hại nghiêm trọng trong sản xuất.
Hướng tới, huyện tiếp tục tuyên truyền và hướng dẫn người dân chuyên sản xuất, kinh doanh cây giống về giải pháp ngặn mặn cũng như trữ ngọt, che nắng và kỹ thuật sản xuất thích ứng với BĐKH.
Ông Trần Thanh Thanh (Tư Thanh), 56 tuổi, chủ Doanh nghiệp tư nhân cây trồng và hoa kiểng Thanh Thanh (ấp Hưng Nhơn, xã Hòa Nghĩa) cho biết: “Hơn 30 năm, tôi gắn bó công việc sản xuất cây giống cung ứng cho thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Hiện tại, chi phí đầu tư về nguồn nhiên liệu ban đầu trong việc sản xuất cây giống tăng từ 10 - 20 ngàn đồng/cây cũng như việc ảnh hưởng của BĐKH nên giá bán các loại cây giống tăng từ 20 - 30% so với cùng kỳ”.
Ông Trần Thanh Thanh, xã Hòa Nghĩa (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) đang tưới nước mít giống cam đào Thanh Thanh ruột đỏ.
Theo ông Tư Thanh, trong thời điểm hiện tại, gia đình sản xuất 5 loại cây giống chủ lực như: mít ruột đỏ (Indo và cam đào Thanh Thanh), Thái ruột vàng, với sản lượng trung bình 100 ngàn cây/năm; sầu riêng, từ 5 - 6 ngàn cây/năm; ổi Ruby, hơn 10 ngàn cây/năm; tắc (hạnh), chanh bông tím và xoài Đài Loan đưa người khác gia công (từ 5 - 6 ngàn cây/năm, giá bán từ 25 - 30 ngàn đồng/cây). Dự đoán tình hình giá cây giống còn tăng mạnh trong 2 năm tới, bởi những khó khăn trong việc đầu tư sản xuất cây giống của nguời dân địa phương.
Hiện tại, ông Tư Thanh đang có vườn cây đầu dòng được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cấp chứng nhận cho hơn 40 loại cây trồng để sản xuất giống. Giá bán mít Thái từ 25 - 35 ngàn đồng/cây; mít Indo từ 25 - 60 ngàn đồng/cây; mít cam đào Thanh Thanh 60 ngàn đồng/cây, trước kia thì giá bán 70 ngàn đồng/cây. Sầu riêng từ 100 - 180 ngàn đồng/cây.
Ổi Ruby hơn 20 ngàn đồng/cây. Hạnh từ 20 - 30 ngàn đồng/cây. Chanh bông tím hơn 20 ngàn đồng/cây. TP. Cần Thơ và các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long như: An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long là những thị trường tiêu thụ cây giống chủ yếu của gia đình ông Tư Thanh.
Tập trung sản xuất
Ông Đặng Văn Mi (Năm Mi), 46 tuổi, ngụ tại ấp Tân An, xã Long Thới, chủ chuỗi Cơ sở sản xuất cây giống Năm Mi chia sẻ: “Tôi gắn bó công việc sản xuất cây giống được 30 năm, có 4 cơ sở chuyên dụng trong sản xuất, kinh doanh cây giống tại xã Long Thới.
Trung bình sản lượng sản xuất hơn 200 ngàn sản phẩm/năm như: chôm chôm, dừa, mít, sầu riêng và kinh doanh trên 1 ngàn cây giống nhập ngoại trong mỗi năm. Hiện tại, sầu riêng là cây giống chủ lực gia đình sản xuất (tầm 100 ngàn cây/năm và giá bán từ 90 - 150 ngàn đồng/cây).
Sản lượng cây giống được thị trường tiêu thụ rất lớn so với cùng kỳ theo quy luật “cung không đủ cầu” do nguồn nguyên liệu ban đầu bị khan hiếm, ảnh hưởng của tình hình BĐKH và hạn mặn”.
Theo ông Năm Mi, giai đoạn hạn mặn 2023 - 2024, gia đình phải mua nguồn nước ngọt hơn 100 triệu đồng về tưới cho cây giống bên cạnh đã trang bị ao chứa nước ngọt (thể tích chứa 100 ngàn mét khối) để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Hiện tại, giá bán cây giống khá cao nhưng người dân luôn sản xuất rất ý thức cùng việc lấy mắt ghép thì vườn cây đầu dòng, góp phần nâng chất cho sản phẩm cây giống cung ứng cho thị trường tiêu thụ.
Hướng tới, ông sẽ tìm kiếm những nơi đất không nhiễm mặn và lượng dinh dưỡng đất còn tự nhiên, đủ đầy như An Giang hay Đồng Tháp để thuê mướn triển khai giâm hay ươm cây phôi để mang về cơ sở tiến hành ghép để sản xuất cây giống hoàn chỉnh.
Hơn 2 năm trước, Cơ sở sản xuất cây giống Năm Mi chủ yếu cung ứng sản phẩm cây giống nội và ngoại nhập cho thị trường tiêu thụ tại Hà Nội. Khoảng 2 năm gần đây, ông cung ứng cho thị trường tiêu thụ tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Năm nay, cơ sở vươn xa xuất khẩu cây giống sang thị trường ngoài nước như: Campuchia, Lào và Trung Quốc.
Theo người dân huyện Chợ Lách, việc sản xuất cây giống ngày càng gặp nhiều khó khăn. Năm nay, cây giống sầu riêng đã xuất hiện hiện tượng cháy lá gây ra khó khăn cho người dân chuyên sản xuất cây giống ở địa phương.
Hiện nay, người dân chuyên sản xuất, kinh doanh cây giống phải nghiên cứu, nhân tạo những loại giống mới theo kiểu độc và lạ theo yêu cầu của thị trường tiêu thụ. Có quy trình sản xuất cụ thể, truy xuất nguồn gốc sản phẩm rõ ràng cũng như hạn sử dụng cho cây giống đã sản xuất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.