Đến mùa mưa bão lại lo mất nhà

Thứ tư, ngày 09/10/2013 06:42 AM (GMT+7)
Hàng loạt ngôi nhà dân ở Mom Tàu, xã An Bình (đảo Bé), huyện Lý Sơn, đang bị triều cường đe dọa cuốn phăng ra biển bất cứ lúc nào. Nhiều gia đình đành bỏ nhà trống, dắt nhau đi lánh nạn.
Bình luận 0
Vào mùa mưa bão hàng năm, mỗi khi thấy trời tạnh và thủy triều xuống, ông Bùi Mạo (Mom Tàu) lại huy động người thân ra khiêng vác đá san hô gia cố lại bờ kè chắn sóng ở trước nhà.

“Nhiều đêm biển động, sóng biển dâng cao tràn qua kè, vào sân và vỗ ì oạp sát vách nhà khiến gia đình tôi thót tim. Biết là nguy hiểm, thế nhưng bao năm trời ki cóp mới làm được căn nhà nên không thể bỏ mặc cho sóng biển cuốn trôi, đành phải cố giữ” - ông Mạo thở dài.

Mùa mưa bão năm nay, trước dự báo sóng biển và triều cường diễn biến phức tạp nên ngay từ đầu tháng 8 âm lịch, ông Mão và hàng chục hộ dân có nhà ở khu vực Mom Tàu đều kéo nhau ra khiêng đá làm kè để ngăn sóng, ngăn triều cường, đồng thời chuẩn bị hàng trăm bao cát, đá để đề phòng.

Ông Phạm Văn Trọng - người dân sống ở khu vực này cho biết: Mấy năm gần đây, tình trạng sạt lở do sóng biển, triều cường ở khu vực Mom Tàu ngày càng nghiêm trọng. Dù người dân đã bỏ nhiều công sức để làm kè cao 2-3m, dài hàng trăm mét để ngăn sóng dữ, triều cường, nhưng chỉ được ít lâu sau, đã bị sóng biển đánh hỏng nên phải liên tục gia cố.

Ngôi nhà bị người dân bỏ hoang vì lo sợ sóng biển, triều cường cuốn trôi.
Ngôi nhà bị người dân bỏ hoang vì lo sợ sóng biển, triều cường cuốn trôi.

Theo người dân đảo Bé, mỗi năm sóng biển và triều cường lấn vào “nuốt” hàng nghìn m2 đất sản xuất của bà con. Tại nhiều khu vực, sóng biển xâm thực sâu vào phía trong đảo từ 3 - 4m. Vào mùa mưa bão, nhiều gia đình phải bồng bế nhau đi lánh nạn, hoặc bỏ nhà hoang vì lo sợ sóng biển cuốn trôi.

“Chúng tôi rất muốn được chuyển đến nơi ở mới để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản. Thế nhưng tiền hỗ trợ quá ít, trong khi điều kiện kinh tế của người dân đảo Bé lại quá nghèo nên không đủ để xây lại nhà mới. Vì vậy dù sợ nhưng đành chấp nhận phải sống chung với sóng biển, triều cường” - ông Ngô Lắm bày tỏ.

Ông Phan Đình Phương - Chủ tịch UBND xã đảo An Bình cho biết: Chính quyền địa phương đã đến từng nhà ở gần mép biển tuyên truyền vận động người dân tạm di dời vào nơi an toàn. Xã cũng đã nhiều lần có văn bản kiến nghị huyện để có biện pháp bảo vệ tài sản, tính mạng của dân và đất đai trên đảo.

Được biết, do nguồn kinh phí xây kè quá lớn, hiện tỉnh Quảng Ngãi đang đề xuất với Chính phủ hỗ trợ để xây kè.

Công Xuân (Công Xuân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem