Đến Rome, viếng Ceasar đại đế

Chủ nhật, ngày 30/12/2012 07:53 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vào tòa thánh Vatican và đứng bên tượng Ceasar Đại đế là cảm xúc thú vị nhất của tôi trong 2 ngày lang thang ở thành Rome (Ý).
Bình luận 0

1. Tôi chọn chuyến tàu đêm từ Viên (Áo) đi Rome để ngủ trên tàu. Bữa đó cận rằm. Loang loáng ngoài ô cửa là những cánh đồng vừa thu hoạch xong đang dãi mình hấp nhựa sống đất trời chuẩn bị đón vụ mới. Những ngôi nhà mái rộng màu xám, tường thấp điển hình nông thôn xứ lạnh đang dần chìm vào giấc ngủ. Trăng khuyết treo trên trời trong tỏa màu bàng bạc.

Có gì khác giấc mộng đêm của những nông dân Áo thu nhập hơn 46.000 USD/người với giấc ngủ mộng mị chuyện cơm áo của bà con xứ mình cả năm kiếm được vài trăm đô-la nhỉ? Rõ lẩn thẩn.

img
Đài tưởng niệm Vittorio Emanuele II

Tàu đến ga Termini (Rome) lúc 8 giờ 04 phút. Khởi hành thì 19 giờ 29 phút. Số phút lẻ ấy cũng nói lên nhiều điều ở xứ Âu công nghiệp. Nắng Địa Trung Hải tháng 8 dễ chịu. Termini đông người tứ chiếng. Quỳnh hẹn đón ở ga, nhưng tôi tìm mãi không thấy.

Hai lần nhờ 2 cặp cảnh sát bộ đàm lủng lẳng bên hông gọi điện hộ, họ lắc đầu. Nhờ thêm vài người, họ bảo không biết tiếng Anh. Có vẻ như hậu duệ Ceasar Đại đế lạnh lùng quá. Bỏ 2 euro vào điện thoại công cộng gọi cho Quỳnh. Máy hỏng nhưng lại biết cách nuốt tiền luôn. Tiếc hùi hụi, bực mình. Thôi mặc! Mọi con đường đều dẫn tới thành Rome cơ mà! Cuối cùng tôi cũng gọi được cho Quỳnh...

Quỳnh bận chiếc áo lụa tơ tằm Việt Nam dẫn tôi thăm Rome. Bắt đầu từ đài tưởng niệm Vittorio Emanuele II, qua khu di tích cổ đại, quảng trường Saint Peter's, lâu đài Thiên thần, đài phun nước Trevi, đấu trường Collesseum, quảng trường Tây Ban Nha… Nếu Viên khiến tôi bảng lảng, bâng khuâng bởi dáng yêu kiều thanh tao, thì Rome dìm tôi trong những khối tảng đồ sộ, uy nghi, tráng lệ của lớp lớp kiến trúc.

Thành phố như cuốn sử gần 3.000 năm để mở và giới sử học đến giờ vẫn chúi đầu “đào bới”, lý giải chưa xong. Đầu tháng 10.2012, các nhà khoa học Tây Ban Nha khai quật quảng trường Torre Argentina mới xác định chính xác nơi Ceasar bị giết ngày 15.3.44 TCN. Rome như thứ mật ngọt quyến rũ mỗi năm hơn 4 triệu “con ong” tới đây tham quan, đem lại cho Rome 97 tỷ euro/năm chủ yếu từ du lịch.

img
Đấu trường La Mã

Chúng tôi xếp hàng vào tòa thánh Vatican. Những gã bảo vệ to con rất cương quyết với các nữ du khách mặc “thiếu vải”. Nhiều cô đã phải cắn răng bỏ vài chục euro mua khăn quấn những chỗ hở ấy. Lạc trong không gian kiến trúc kỳ vĩ và hội họa rực rỡ của “đầu não” Thiên Chúa giáo, mỗi du khách tìm một ý niệm tinh thần riêng cho mình. Tôi-kẻtừ phương Đông tới những muốn hỏi Chúa sao đời còn lắm bể ải, bạo cường, bất công và liên miên chiến tranh; có những việc khởi sự từ thời Ceasar Đại đế giờ vẫn chưa thành? Ngàn năm rồi, ngoài kia vẫn có những con chiên của Chúa ủ rũ vệ đường với tấm biển: “Làm ơn thương người Ý nghèo!”, hay giữa nóng bức vẫn phải mặc bộ đồ chiến binh để du khách đứng ké chụp ảnh kiếm mấy euro lẻ.

Khát nước, tôi ghé quán bên đường. Bán hàng là một gã người Thổ. Hai chai nước nhỏ, gã lấy 8 euro. Đi dăm bước, thấy quán trước mặt ghi 1 euro/chai. Lại tiếc tiền. Trưa. Chúng tôi vào quán ăn ở quảng trường Navona, gọi món pizza vừa đặc trưng, vừa là rẻ nhất: 5 euro/suất. Ăn xong nổi hứng cà phê vì muốn có cảm giác nhâm nhi giữa quảng trường châu Âu lãng mạn. Chọn loại rẻ nhất 4,8 euro. Khi gã phục vụ đem tới, mặt tôi tũn ra. Chỉ lưng chén hạt mít. Chưa vào cổ đã hết. Không bõ dính họng, lấy đâu mà nhâm với nhi.

2. Hôm sau tôi lang thang khám phá lại thành Rome. Trước khi ra tàu trở lại Áo, tôi đến khu di tích cổ đại lần nữa để chiêm ngưỡng Ceasar bằng đồng đứng trên bệ đá cao. Juilius Ceasar (100-44 TCN) là huyền thoại không chỉ của La Mã cổ đại mà của cả nhân loại. Chính trị gia xuất sắc, nhà văn, thống soái vĩ đại, nhà độc tài suốt đời của La Mã, người được phong thánh, phong thần, nhưng bị chính quần thần, chiến hữu của mình giết vì ông quá hoang tưởng vào sức mạnh của quyền lực.

Ông là người quyết định dùng lịch Julius 1 năm có 365 ngày và 4 năm có 1 năm nhuận. Tháng sinh của ông được đặt tên cho tháng 7 (July). Ông thực hiện nhiều cải cách kinh tế - xã hội La Mã mà đến giờ có những việc vẫn trở lại trong chính sách của nhiều quốc gia. Như điều tiết chặt chẽ mua lương thực của nông dân có trợ giá của Nhà nước và cấm những kẻ khá giả lợi dụng chính sách này để hưởng lợi. Cuộc đời cầm quyền của ông là cuốn sách cho nhiều đấng quân vương hậu thế.

Tôi ngước nhìn ông trong cái nắng Địa Trung Hải nhuốm màu chiều và nhớ tới lời ông trong kịch Julius Ceasar của Shakespeare: “Ta là con người vươn tay muôn dặm để chém tướng đoạt thành, há lại không dám nói sự thật với mấy ông già râu bạc?”. “Trên bầu trời đầy sao, tất cả đều rực rỡ và di chuyển, chỉ có một đứng nguyên một chỗ là ta.

Dưới thế gian cũng nhan nhản những người, cũng da thịt cũng xương máu, cũng dễ bề cảm động, trong đó chỉ có một người ai rung chẳng chuyển đó là ta”. Ông bỏ ngoài tai mọi lời khuyên can kể cả cảnh báo âm mưu ám hại để vợ ông, Calpurnia Pisonis phải nói: Tướng công quá tự tin nên mất cả khôn ngoan sáng suốt. Thói kiêu ngạo đã giết chết ông bởi với nhiều người La Mã: “Tôi yêu Ceasar nhưng tôi còn yêu La Mã hơn” (Brutus).

Ôi thói kiêu ngạo của người đời, đâu phải của riêng Ceasar mà “trả lại cho Ceasar”!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem