Đèo Lò Xo - nỗi ám ảnh kinh hoàng

Lê Kiến Thứ hai, ngày 18/06/2018 06:10 AM (GMT+7)
Nhiều năm nay, đèo Lò Xo xảy ra rất nhiều vụ tai nạn thảm khốc, cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Điều đáng nói là đèo chỉ có độ dốc khoảng 10%, nhưng dài đến 25 km, khiến nhiều lái xe tưởng như đường bằng nên chủ quan, không biết tử thần đang rình rập.
Bình luận 0

Chỉ dốc 10% nhưng cực kỳ nguy hiểm

Rạng sáng 16.6, xe khách BKS 34B - 002.69 lưu thông hướng Hải Dương - Bình Phước trên đường Hồ Chí Minh, khi qua đèo Lò Xo (đoạn xã Đắk Pék, huyện Đắk Glei, Kon Tum) bất ngờ tuột dốc, tông vào rào chắn rồi lao xuống vực sâu khoảng 40m làm 3 người chết tại chỗ và hàng chục người bị thương, trong đó có 15 người bị thương nặng. Cái tên “đèo Lò Xo” lại trở thành nỗi ám ảnh đối với lái xe, hành khách khi đi qua đây. Bởi năm nào, đoạn đèo này cũng xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng chết người.

img

Một vụ tai nạn xe khách trên đèo Lò Xo năm 2017. Ảnh: L.K

"Tháng 3 vừa rồi, Phó thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, có thể sẽ tiêu chuẩn hóa hộ lan 3 tầng, không chỉ ở đèo Lò Xo mà tất cả những vị trí quanh co, độ dốc lớn, có ta luy âm…  Chúng tôi sẽ có đánh giá toàn diện khu vực đèo Lò Xo, từ đó sẽ đưa ra giải pháp riêng cho đèo Lò Xo hoặc áp dụng chung cho nhiều địa phương cả nước”.

Ông Khuất Việt Hùng

Điểm lại những vụ tai nạn thảm khốc trong những năm gần đây mới thấy sự nguy hiểm tột độ của đèo Lò Xo, “đèo tử thần” như thế nào.

Gần đây nhất là vụ tai nạn ngày 1.3.2018, xe khách ở tỉnh Hà Nam lưu thông theo hướng Quảng Nam - Kon Tum, chở 20 người đổ đèo Lò Xo thì bất ngờ lao xuống vực sâu khoảng 70m, tài xế bị văng ra khỏi xe chết ngay tại chỗ, 19 hành khách chỉ bị thương. Ngày 14.5.2017, một xe đầu kéo tông vào lan can và lật nghiêng, đầu xe tông thẳng vào gốc cây bẹp dúm khiến cả 3 người ngồi trên xe bị mắc kẹt tại chỗ. Lực lượng CSGT phải dùng thiết bị hỗ trợ, cùng với người dân cưa cắt cửa xe, đầu xe để đưa 3 người bị thương đi cấp cứu.

Đêm 23.2.2017, xe khách 81B - 007.05 chở 30 người lưu thông hướng Đà Nẵng - Kon Tum, lúc qua đèo Lò Xo thì mất phanh và tông thẳng vào đuôi xe container chạy cùng chiều. Lúc này, tài xế container nhanh trí hãm phanh, từ từ dìu xe này xuống hết đèo, 30 người trên xe hú vía thoát chết trong gang tấc.

Ngày 19.8.2015, xe tải chạy hướng Kon Tum - Đà Nẵng qua đèo Lò Xo thì bất ngờ lật ngửa, tài xế và người đi cùng trên xe tử vong tại chỗ. Ngày 23.6.2015, một xe giường nằm đi qua đèo Lò Xo bất ngời rơi xuống vực sâu làm 1 người chết, khoảng 40 người khác bị thương. Ngày 12.11.2006, xe khách từ Kon Tum đi Quảng Nam bị lật, tài xế chết tại chỗ, 10 người khác bị thương.

Thảm khốc nhất là vụ tai nạn xảy ra ngày 21.4.2005, xe khách chở 31 cựu chiến binh (phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) đi thăm chiến trường xưa bị rơi xuống vực sâu hơn 70m khiến 30 cựu chiến binh cùng tài xế, 2 phụ xe tử nạn.

Nhắc đến “điểm đen” đèo Lò Xo, đại úy Vũ Hồng Doãn – Trạm CSGT Ngọc Hồi cho biết: “Xác định đèo Lò Xo là điểm đen nguy hiểm nên trên đỉnh đèo luôn có 1 tổ CSGT làm nhiệm vụ cảnh báo, cứu hộ cứu nạn, túc trực 24/24h, khi các phương tiện qua đây đều được nhắc nhở lái xe cẩn thận, an toàn. Tuy nhiên, một số lái xe vẫn chủ quan, nhắc nhở rồi nhưng vẫn có sự cố xảy ra. Lâu nay, đèo Lò Xo có độ nguy hiểm cao vì dốc dài và đường hết sức quanh co. Nếu lái xe không chú ý thường xuyên hoặc lơ là rất dễ xảy ra tai nạn. Do hầu hết các vụ tai nạn đều xảy ra vào ban đêm nên ở khu vực đèo được lắp đặt các biển báo phản quang rất nhiều, nếu đi ban đêm thì thấy cả đường sáng rực”.

Theo đại tá Lê Đình Toàn – Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Kon Tum, đèo Lò Xo dài 25km, trong đó đoạn nguy hiểm khoảng 12km, có độ dốc 10% khiến lái xe có cảm giác như không dốc lắm nên thường chủ quan. Vì thế, chỉ cẩn sơ sẩy là xe tuột dốc, lao xuống đèo rất nguy hiểm. Để cảnh giác, trên đèo luôn có tổ CSGT thường xuyên nhắc nhở lái xe. Vừa qua, Cục CSGT vào kiểm tra và phối hợp với địa phương có kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải làm lại dãy hộ lan kiên cố, về lâu dài là làm đường tránh nhưng đến nay chưa triển khai được.

Trên khu vực đèo Lò Xo, người chứng kiến nhiều vụ tai nạn thảm khốc nhất có lẽ là anh A Chải – Bí thư Xã đoàn Đắk Man, Đội trưởng Đội cứu hộ người bị nạn trên đèo. Anh Chải kể: “Từ khi thành lập đội đến nay, chúng tôi đã tham gia ứng cứu rất nhiều vụ tai nạn, thống kê sơ bộ đã có hơn 40 vụ, trong đó có những vụ rất kinh khủng. Nghĩ đến cảnh máu me, người chết trong các vụ tai nạn mà ám ảnh. Có lần xe tai nạn bị bẹp dúm, người mắc kẹt không kéo ra được đành phải đưa bình sữa cho người ta uống, trong khi trên người họ toàn máu. Vụ mới nhất xảy ra rạng sáng 16.6, lúc 4 giờ sáng chúng tôi đã có mặt hiện trường, lội xuống dưới vực cõng từng người bị nạn lên, phải mất 1 giờ thay phiên nhau cõng mới đưa người bị nạn lên hết”.

Nghiên cứu giải pháp riêng cho đèo Lò Xo

Trao đổi với NTNN, ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết: “Sau khi vụ tai nạn xảy ra ngày 16.6, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo tôi cùng đoàn công tác của Bộ GTVT vào tỉnh Kon Tum, trước là thăm hỏi các nạn nhân trong vụ tai nạn và sẽ có buổi làm việc với tỉnh Kon Tum, đi khảo sát hiện trường khu vực đèo Lò Xo để có đánh giá về điều kiện hạ tầng, từ đó có phương án tiếp tục cải thiện điều kiện hạ tầng an toàn khu vực đèo. Từ năm 2017, Tổng cục Đường bộ đã nâng cấp, xử lý tổ chức giao thông khu vực đèo Lò Xo, hiện trên đường đã trang bị các gương cầu, mặt đường tốt hơn, tim đường có đinh phản quang và đã làm lại hộ lan.

Theo ông Hùng, đợt này sẽ có đánh giá lại một lần nữa để có những chỉ đạo về giải pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên đèo. “Tháng 3 vừa rồi, Phó thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, có thể sẽ tiêu chuẩn hóa hộ lan 3 tầng, không chỉ ở đèo Lò Xo mà tất cả những vị trí quanh co, độ dốc lớn, có ta luy âm… để ngăn ngừa phương tiện không may gặp tai nạn sẽ không rơi xuống đèo. Chúng tôi sẽ có đánh giá toàn diện khu vực đèo Lò Xo, từ đó sẽ đưa ra giải pháp riêng cho đèo Lò Xo hoặc áp dụng chung cho nhiều địa phương cả nước”, ông Hùng nói.

Cùng vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hướng - Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Kon Tum cho biết, những biện pháp cơ bản nhất trên đèo Lò Xo thì đã làm hết rồi. Chỗ nào làm được đường tránh thì đã làm, lắp gương cầu lồi, lắp biển cảnh báo, làm gờ giảm tốc, mở rộng mặt đường, gia cố lan can… Ngoài ra có 1 tổ CSGT trực trên đỉnh đèo có nhiệm vụ cảnh báo, cứu hộ và nhắc nhở lái xe an toàn. Những vụ tai nạn thường rơi vào ban đêm nên có thể do tầm nhìn bị hạn chế, sương mù… Mặt khác, do dốc dài nên lái xe chủ quan, nhất là những lái xe lạ ít đi đường này, có trường hợp do dốc dài, thắng nhiều gây cháy phanh.

“Về giải pháp lâu dài, ủy ban đã kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ xin kinh phí mở rộng hoặc làm tuyến đường tránh. Nhưng giải pháp này khó, cần phải có kinh phí và thời gian dài”, ông Nguyễn Xuân Hướng nói.

Ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Ủy Ban An toàn giao thông Quốc gia: “Đánh giá toàn diện để có giải pháp an toàn”
Sau khi kiểm tra hiện trường khu vực đèo và lắng nghe ý kiến của các ngành, địa phương, Ủy ban ATGT quốc gia sẽ đánh giá toàn diện một lần nữa để có những chỉ đạo về giải pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên đèo. Bộ Giao thông - Vận tải cũng đã được yêu cầu nghiên cứu, có thể sẽ tiêu chuẩn hóa hộ lan 3 tầng, việc này không chỉ áp dụng ở đèo Lò Xo mà còn có thể làm ở những đèo khác có độ quanh co, độ dốc lớn, có taluy âm… Mục đích là để ngăn ngừa phương tiện không may gặp tai nạn sẽ không lật xuống đèo.

Bà Y Ngọc – Bí thư Huyện ủy huyện Đăk Glei: “Lái xe ở xa đến thường chủ quan”
Tất cả các vụ tai nạn đều xảy ra đêm khuya, thời điểm có nhiều sương mù ảnh hưởng tầm nhìn. Trong đó, lái xe trong các vụ tai nạn này đều là người ở tỉnh khác, ít khi đi đoạn đường này. Ở góc độ địa phương chỉ thực hiện tuyên truyền cho người dân trên địa bàn và khu vực đèo Lò Xo chấp hành đúng Luật Giao thông đường bộ̣, còn lái xe ở xa đến thường tâm lý chủ quan nên mới xảy ra tai nạn. Đối với người dân ở khu vực đèo ý thức rất cao, hễ có vụ tai nạn nào thì người dân tham gia cứu hộ, cứu nạn rất tốt.

Thiếu tá Hoàng Anh Tâm – Trạm trưởng Trạm CSGT Ngọc Hồi (Phòng CSGT Công an tỉnh Kon Tum): “Thường xuyên nhắc lái xe cẩn thận”

Đối với các phương tiện lưu thông qua khu vực đèo Lò Xo, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở lái xe cẩn thận nhưng không tránh khỏi tai nạn xảy ra. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn như đèo dốc dài, lái xe chủ quan, đi đường dài buồn ngủ, mất phanh… Các giải pháp có thể triển khai như lắp biển báo, nhắc nhở đều làm đầy đủ. Hai bên đường mặc dù có lắp hộ lan, nhưng khi tai nạn xảy ra vân không cản nổi các xe tuột dốc. Điều quan trọng là ý thức người tham gia giao thông, lúc qua đèo phải cẩn thận, chạy xe tốc độ tối đa không được quá 40km/giờ.

Lê Kiến (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem