Diệu Linh
Chủ nhật, ngày 04/04/2021 06:05 AM (GMT+7)
Liên tục có các bệnh nhân nhập viện do tin lời quảng cáo của các “thần y”, thuốc gia truyền, “3 đời” trên mạng xã hội. Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu các cơ quan liên quan kiểm tra, có biện pháp quản lý, xử lý phù hợp.
Ngày 1/4, trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt, ông Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, ông và đồng nghiệp đang họp bàn để đưa ra các giải pháp tăng cường quản lý, giám sát các hoạt động khám chữa bệnh y dược cổ truyền tại địa phương, cũng như quảng cáo "thần y" lan tràn trên mạng xã hội. Sau khi có phương án, Cục sẽ trình Bộ Y tế xem xét.
Theo ông Thịnh, việc quảng cáo "thần y" chữa các bệnh hiểm nghèo, "nhà tôi 3 đời" bán thuốc các loại thuốc đông y, thuốc nam liên quan nhiều đến quản lý mạng xã hội nên Bộ Y tế cũng sẽ có buổi làm việc với Bộ Thông tin - Truyền thông để cùng có các giải pháp quản lý, kiểm soát, ngăn chặn việc quảng cáo sai lệch này.
"Bất kỳ sản phẩm thuốc nào cũng phải dựa trên bằng chứng, khoa học; các bài thuốc y học cổ truyền cũng phải xây dựng và phát triển dựa trên yêu cầu này. Theo quy định, các cơ sở sản xuất thuốc gia truyền được sở y tế địa phương cấp phép và chỉ lưu hành trong phạm vi cấp tỉnh. Các bài thuốc này cũng chỉ được lưu hành toàn quốc khi được Bộ Y tế và cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý y dược cổ truyền cấp phép".
Ông Nguyễn Thế Thịnh
Ngày 30/3, Văn Phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 2154 do Phó Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp ký, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về thông tin "thần y" trên mạng xã hội.
Văn bản nêu rõ, Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan kiểm tra, có biện pháp quản lý, xử lý phù hợp với tình trạng loạn "thần y" tự xưng trên mạng xã hội hiện nay.
Gần đây, báo chí có thông tin phản ánh có hiện tượng nhiều người tự xưng "lương y", "thần y" chữa bách bệnh trên mạng xã hội. Những người này quảng cáo thuốc không rõ nguồn gốc, không rõ chất lượng, hoạt động khám chữa bệnh không phép.
Trước đó, ông Thịnh cũng cho biết, việc giám sát hoạt động chữa bệnh ở địa phương, trong đó có khám chữa bệnh, bốc thuốc y dược cổ truyền là do chính quyền , cơ quan quản lý y tế địa phương kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, những "lang băm" thường không treo biển hành nghề mà chỉ khám bệnh qua truyền miệng, qua quảng cáo trên mạng xã hội, khám bệnh, bốc thuốc lén lút nên cơ quan chức năng khó kiểm soát.
"Để quản lý các cơ sở này cũng như hạn chế sự "bát nháo" trong quảng cáo của những kẻ tự xưng "thần y", cơ quan chức năng phải kiểm tra địa bàn, đồng thời rà soát kỹ thông tin trên mạng xã hội thường xuyên, để xử lý kịp thời"- ông Thịnh nói.
Vụ "thần y" lùm xùm gần đây nhất là lương y Võ Hoàng Yên tự quảng cáo chữa bệnh câm điếc bằng bấm huyệt, xoa bóp bị "bóc phốt" là không có căn cứ khoa học, chưa có bệnh nhân nào khỏi câm điếc nhờ ông Yên xoa bóp. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài ông Yên được tung hô là "thần y", đi nhiều địa phương chữa bệnh khá ồn ào, huyên náo.
Sở Y tế Bình Thuận là nơi cấp giấy phép hành nghề cho ông Yên vào ngày 8/11/2018. Tuy nhiên, ông Đặng Thức Anh Vũ - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cho biết, ông Yên đăng ký hành nghề tại Bình Thuận nhưng ít khi khám bệnh ở Bình Thuận mà đi nhiều tỉnh khác nhau nên Bình Thuận khó kiểm tra, giám sát. Ông Vũ cũng thừa nhận: "Không chỉ cá nhân tôi, nhiều bác sĩ khác nữa, chẳng ai tin ông Yên chữa được bệnh. Nhưng để đánh giá về năng lực chữa bệnh của ông Yên cần phải có một hội đồng đánh giá toàn diện mới có căn cứ".
Tại Hà Nội, thời gian qua, Sở Y tế cũng đã kiểm tra, xử phạt khá nhiều cá nhân chữa bệnh y dược cổ truyền không có giấy phép, quảng cáo sai sự thật. Như vụ ông Nguyễn Bá Nho (ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội) quảng cáo thuốc nam của mình có khả năng chữa khỏi bệnh ung thư. Theo Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, việc bốc thuốc, chữa bệnh của ông Nho chưa được cấp giấy chứng nhận hành nghề. Ông Nho từng có đến 4 lần bị đình chỉ hành nghề bốc thuốc do không có giấy phép kinh doanh.
PGS-TS Đậu Xuân Cảnh - Chủ tịch Hội đông y Việt Nam: Cần phân biệt rõ quảng cáo thật giả
Tôi cho rằng, cần làm rõ đâu là quảng cáo phù hợp, đúng pháp luật, đâu là không đúng pháp luật, quảng cáo mang tính lừa đảo, lợi dụng lòng tin của người dân vào thuốc đông y Việt Nam.
Hiện nay, Hội Đông y Việt Nam đã và đang tập hợp các thông tin, tư liệu để báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước nhằm tăng cường kiểm soát, ngăn chặn vấn đề này. Đây là vấn đề nguy hiểm cho xã hội, người dân có thể mắc lừa các quảng cáo sai trái.
Trong đông y, các sản phẩm đều được tuân thủ theo quy định của Luật Dược, các thông tư của Bộ Y tế phải có đăng ký, thuốc gia truyền cũng được quản lý, quy định về quảng cáo thuốc, còn là thực phẩm chức năng cũng được quy định rất rõ. Vì vậy, cần dựa trên các luật, văn bản của cơ quan có thẩm quyền quản lý, giám sát các hoạt động này để người dân không còn hoang mang các sản phẩm không biết đâu là thật, đâu là giả.
PGS-TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học): Củng cố lòng tin cho người dân vào hệ thống y tế
Phải khẳng định rằng những lời quảng cáo "thần y", quảng cáo thuốc gia truyền "3 đời" một liều chữa khỏi là những quảng cáo bài bản, có lớp lang nên đánh động được vào tâm lý "có bệnh vái tứ phương", "muốn ít tiền khỏi bệnh" hay "1 lần uống khỏi ngay không cần điều trị lâu dài" của người bệnh.
Họ cũng thông qua những gương mặt thân quen, từ hàng xóm, bạn bè, người quen của người bệnh, đến việc lợi dụng hình ảnh của người nổi tiếng, của các bác sĩ, lương y có uy tín để quảng cáo thuốc cho mình. Việc nghe theo những lời đồn thổi "thần y" với những thông tin hoang đường của không ít người dân cũng cho thấy một điều đáng buồn là niềm tin của người dân vào những điều tử tế, đàng hoàng, khoa học đang ngày càng giảm dần.
Có lẽ họ đã từng (đã nghe) đi khám bệnh tại các cơ sở y tế nhưng gặp nhiều nhiêu khê như chờ đợi lâu, thủ tục lằng nhằng, khám bệnh không hiệu quả hoặc rất lâu không đỡ, tốn tiền mà vẫn phải cầu cạnh bác sĩ... nên họ cảm thấy nản lòng. Trong khi các "thần y" rất chăm sóc họ, nói ngọt, hỏi han họ chu đáo, hứa hẹn những điều họ muốn nghe...
Để "chữa bệnh" mất niềm tin và xóa bỏ các "thần y", các quảng cáo thuốc, quảng cáo chữa bệnh lừa dối thì ngoài việc chấn chỉnh gỡ bỏ, cấm, xử phạt các quảng cáo sai bằng thì việc xây dựng lại niềm tin cho người dân rất cần thiết.
Cụ thể bằng những chính sách an sinh xã hội ổn định, công bằng, cải thiện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của hệ thống y tế cơ sở, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân tin tưởng vào những điều đúng đắn, ngăn chặn sớm từ trứng nước các "thần y" khi họ vừa có các thông tin sai lệch về khám chữa bệnh...
Diệu Linh (ghi)
Như vậy, xử phạt xong, thanh tra quay đi là ông Nho lại tiếp tục "chữa bệnh ung thư" dù không có giấy phép hành nghề, kinh doanh.
Ông Nguyễn Việt Cường - Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội nhận định, Sở đã phân cấp trách nhiệm cho các phòng y tế quận, huyện có trách nhiệm kiểm tra các phòng khám đông - tây y trên địa bàn. Tuy nhiên, các "lang băm" hành nghề không treo biển hiệu, không mở phòng khám, người dân đến nhà bốc thuốc khó kiểm tra việc hành nghề của họ. Hơn nữa, xử phạt lần này, lần khác họ lén lút tái phạm, đi đến nơi khác hành nghề, bốc thuốc qua mạng... Chỉ khi có hậu quả xảy ra lực lượng chức năng mới vào cuộc xử lý.
Lương y chân chính bị ảnh hưởng
Trong thời gian qua, Cục Quản lý y, dược cổ truyền đã tiếp nhận nhiều phản ánh của các cơ quan truyền thông, báo chí về các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến hành nghề khám chữa bệnh y học cổ truyền, kinh doanh dược cổ truyền và quảng cáo sai sự thật về khám chữa bệnh y học cổ truyền trên mạng, cụ thể là các ứng dụng YouTube, Facebook… tại các địa phương.
Rất nhiều lang băm không có bằng cấp đã tự tôn vinh mình là "thần y", lương y "ba đời", quảng cáo thuốc chữa các bệnh mãn tính không thể khỏi (gout, đái tháo đường, khớp), bệnh mà đông y không thể chữa khỏi (bệnh lậu, giang mai, sùi mào gà...), bệnh hiểm nghèo đông y không chữa được (ung thư)... Các lời quảng cáo cũng "nổ" hết sức như: Điều trị tận gốc, an toàn, cam kết chữa khỏi 100%, không khỏi hoàn lại tiền...
Không chỉ vậy, nhiều lương y chân chính đã bị mượn danh, mượn hình ảnh để gắn vào các clip, ảnh tuyên truyền thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc quảng cáo thổi phồng công dụng.
GS-TS Trương Việt Bình - nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đã bức xúc cho biết, ông tổng kết sơ sơ cũng đã có 40 trang mạng sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của ông cắt ghép vào các video quảng cáo thuốc đông y chữa khỏi bệnh gây hiểu lầm. "Tôi đã nhiều lần phản ánh, gửi khiếu nại cho các trang web đó nhưng họ vẫn dùng hình ảnh của tôi" - GS Bình cho biết.
Theo GS Hùng, những quảng cáo thuốc đông y chữa dứt điểm nhiều bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo lan tràn trên mạng xã hội hiện nay là không đúng sự thật, nói quá tác dụng. "Đối với một số bệnh mãn tính như xương khớp, tiểu đường, thoái hóa đốt sống thuốc đông y hay tây y đều không chữa khỏi mà chỉ giảm triệu chứng, đỡ một thời gian, có thể tái phát"- GS Bình nói.
Đồng tình với ý kiến này, PGS-TS Đậu Xuân Cảnh - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam nhấn mạnh, trong đông y với các bệnh mạn tính như vảy nến, đái tháo đường không thể chữa khỏi được. "Khi người bệnh dùng thuốc thấy có chuyển biến đó là bệnh đỡ một thời gian chứ không phải là khỏi. Tôi khẳng định những bệnh mãn tính không thể khỏi bệnh. Với một số bệnh khớp cũng có thể đông y chữa tốt nhưng cũng có bệnh chỉ làm ổn định từng giai đoạn như thoái hóa xương khớp. Vì vậy người dân hết sức thận trọng".
Về các quảng cáo tràn lan thuốc nam, thuốc gia truyền đông y chữa các bệnh lây truyền qua đường tình dục, Thầy thuốc nhân dân, lương y Nguyễn Xuân Hướng - nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cũng khẳng định: "Thuốc đông y, thuốc nam hoàn toàn không chữa được các bệnh sùi mào gà, lậu, giang mai. Bệnh nhân bị bệnh này đều phải đi khám và điều trị bằng thuốc tây y mới có thể khỏi".
Để hạn chế tình trạng thuốc đông y quảng cáo tràn lan, Bộ Y tế cho biết, sẽ rà soát tổng thể các vấn đề về cấp phép, hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền; với người đã được cấp phép, phải bổ sung, cập nhật chuyên môn; quá trình hành nghề nếu có sai sót thì cơ sở quản lý ở địa phương chịu trách nhiệm.
Đặc biệt, sắp tới Bộ Y tế cũng sẽ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, chất lượng dược liệu. Cùng với đó là các biện pháp tăng cường thanh kiểm tra lĩnh vực y dược cổ truyền tư nhân, đảm bảo thuốc đông y phải phát triển dựa trên khoa học bằng chứng.
Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, mỗi người dân cũng cần có sự hiểu biết, tỉnh táo khi lựa chọn các phương án điều trị bệnh.
Vì vậy, người dân không nên mù quáng chạy theo quảng cáo, nên tin vào các cơ sở y tế được cấp phép đầy đủ. Không nên tin vào các cơ sở y tế không được cấp phép. Thời gian qua các quảng cáo thuốc đông y, chữa bệnh y học cổ truyền quảng cáo quá mức, không đúng sự thật đang làm tổn thương đến uy tín của thuốc đông y Việt Nam với người dân.
Do đó, cần tăng cường kiểm soát của Nhà nước đối với các hoạt động quảng cáo thuốc, quảng cáo khám chữa bệnh nói chung và quảng cáo thuốc đông y, chữa bệnh y học cổ truyền nói riêng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.