Số lượng tăng đột biến
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, số lượng DN nông nghiệp đã tăng mạnh trong vào năm trở lại đây, (từ 2.397 DN năm 2007 lên 7.033 DN năm 2017, tăng 2,93 lần), với số vốn 213.394,9 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2018, đã có hơn 8.000 DN đầu tư vào ngành. Nhiều DN đã trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị nông sản và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thị trường.
Sản xuất rau quả ứng dụng công nghệ cạo tại doanh nghiệp ở huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt
"Rõ ràng, những cơ hội cho DN tìm về nông nghiệp, nông thôn đang rất lớn, con số DN tăng mạnh trong những năm gần đây, nhất là trong năm 2018 có thêm 16 DN đầu tư vào lĩnh vực chế biến trái cây với tổng trị giá 8.700 tỷ đồng cho thấy lĩnh vực nông nghiệp đang rất có tiềm năng”.
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn
|
Điều đáng ghi nhận là, đã có nhiều tập đoàn lớn nhìn thấy tiềm năng to lớn từ nông nghiệp, mạnh dạn khai mở những hướng đi mới, nhất là trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao như TH True milk, VinEco (Tập đoàn VinGroup), Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco), Công ty cổ phần Nafoods Group (Nafoods), Hòa Phát, Tập đoàn Việt Úc, Masan, Dabaco...
Phát biểu tại Diễn đàn DN đồng hành cùng nông nghiệp, nông dân, nông thôn năm 2019, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng khẳng định, để tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng cho các nhà đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhiều cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư được ban hành.
Đơn cử, về điều kiện đầu tư kinh doanh, Bộ NNPTNT đã cắt giảm mạnh mẽ, thực hiện cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 4, giảm gần 80% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan trong hơn 1 năm qua. Đặc biệt, Nghị định số 57/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã mở ra nhiều cơ hội cho DN với những quy định thông thoáng như DN có dự án nông nghiệp được miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại dự án, miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất đó sau khi được chuyển đổi.
Vốn, đất đai - 2 nút thắt cần gỡ
Trên thực tế, hiện nay các địa phương đều có những cơ chế, chính sách để mời gọi các DN đến đầu tư. TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NNPTNT) chia sẻ, trong một cuộc trao đổi với lãnh đạo tỉnh Bình Định, ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định thẳng thắn, bây giờ không còn cơ chế “xin – cho” đối với DN mà các địa phương phải tìm mọi cách để mời được DN đến đầu tư.
Tuy vậy, theo đại diện nhiều DN, dù đã có chính sách, cơ chế mới nhưng DN vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi đầu tư vào nông nghiệp, nhất là trong tiếp cận vốn tín dụng và tích tụ đất đai. Bà Trần Kim Liên – Tổng Giám đốc Vinaseed cho rằng, muốn DN đầu tư vào nông nghiệp phải sửa đổi, bổ sung, thậm chí thay thế Nghị định 55 để khơi thông dòng vốn cho DN.
“Mặc dù đã có cơ chế, hành lang pháp lý nhưng thực tế việc tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi của DN nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như dự án nông nghiệp công nghệ cao của Vinaseed ở Hà Nam, do đất đai đang đi thuê của nông dân, thiết bị, công nghệ lại không tính là tài sản thế chấp nên để tiếp cận được nguồn vốn tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho các DN đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, công ty mẹ phải đứng ra bảo lãnh 100% mới được giải ngân vốn. Còn nếu vay của ngân hàng thương mại, không DN nào chịu được mức lãi suất” – bà Liên nêu một thực tế.
Trong khi đó, ông Vũ Xuân Hồng – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và hóa chất Lâm Thao kiến nghị, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác kiểm tra, giám sát việc cấp phép sản xuất, cấp giấy chứng nhận hợp quy các loại phân bón vô cơ và hữu cơ; giám sát việc sản xuất kinh doanh các loại phân bón trên thị trường; xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh các loại phân bón giả, kém chất lượng.
Trả lời những kiến nghị của DN, ông Ngô Minh Cương – Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định, Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện các chính sách, cơ chế để thu hút các DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó tăng cường các biện pháp hỗ trợ, khơi thông dòng vốn, hóa giải các vướng mắc về đất đai, tạo điều kiện cho DN tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại.
“Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia có tiềm năng về DN sáng tạo khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, vì vậy, trong thời gian tới, các DN khởi nghiệp cũng sẽ nhận được nhiều sự quan tâm” – ông Cương khẳng định.
Ông Ngô Minh Hải – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH: Phải đào tạo nông dân kỹ năng sản xuất mới
Nếu không tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất, DN không thể hợp tác với nông dân một cách suôn sẻ. Vì vậy, chúng tôi rất mong Chính phủ, Bộ NNPTNT có những chính sách đào tạo nông dân và HTX rộng hơn về mặt tiêu chuẩn chất lượng, tuân thủ nghiêm túc các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất trong nước và quốc tế, quản lý được chất lượng.
Cùng với đó là chính sách khuyến khích DN tham gia đào tạo, tập huấn cho nông dân các kỹ năng mới trong sản xuất nông nghiệp. Đó chính là bí quyết, là bệ phóng để nông dân được tham gia chuỗi sản xuất lớn.
Bà Nguyễn Thị Anh Đào – Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Hùng Dung: Chúng tôi chưa được nhiều sự hỗ trợ
Nghị định 57/2018 của Chính phủ quy định rất rõ về các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đối với dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như: Miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; hỗ trợ tập trung đất đai, tiếp cận hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ DN nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường; hỗ trợ đầu tư cơ sở bảo quản chế biến nông sản, đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn… Tuy nhiên, DN của chúng tôi hình thành và phát triển trên cơ sở phát huy nội lực là chính, chưa được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước trên tất cả mọi mặt. Vì vậy, đề nghị Nhà nước, các địa phương quan tâm đến các DN mới thành lập như chúng tôi, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhất là về vốn đầu tư, thị trường.
Bà Nguyễn Thị Hằng – Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bồ Đề (Bạc Liêu): Giúp nông dân xây dựng thương hiệu
Chính phủ cần có chính sách và chế tài giúp nông dân xây dựng được thương hiệu để nông dân chủ động hơn trong thời kỳ hội nhập; chủ động sản xuất hàng hóa và xây dựng thương hiệu.
Chúng tôi đề nghị Chính phủ cần thiết kế nhận dạng thương hiệu theo quy mô vùng sản xuất tận dụng lợi thế tự nhiên và năng lực kinh tế của người dân.
Khánh Nguyên (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.