Đều bất hợp lý

Thứ sáu, ngày 16/09/2011 17:46 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hai tuần trước, khi giá điện được đề xuất tăng, một quan chức EVN đã than phiền về thực trạng các chủ tư bản trong ngành thép đang đầu tư vào Việt Nam để "xuất khẩu tư bản" thông qua những bao cấp về giá điện: 1kWh điện sinh hoạt đang phải gánh 300-400 đồng cho mỗi kWh điện sản xuất thép.
Bình luận 0

Rồi ngành than, hồi đầu năm cũng kêu gào giá bán than cho điện mới chỉ được 60% giá thành.

Hôm qua, khi trình bày đề xuất tăng viện phí, thậm chí có tới mười mấy điểm cũng "vô lý" được Bộ Y tế "gạch đầu dòng": Lương cơ bản đã được tăng từ 120 nghìn đồng, năm 1990, lên 830 nghìn đồng mà giá dịch vụ y tế vẫn không thay đổi là điều hết sức vô lý.

Một ví dụ điển hình được Bộ Y tế lặp đi lặp lại là con số 3.000 đồng. 3.000 đồng cho một lần khám. Rẻ đến bèo bọt. Vô lý đến mức phi lý khi mà số tiền, không đủ mua mớ rau- dùng để chi cho "số ngón trên một bàn tay" những vật tư y tế phục vụ cho một lần khám. Thôi thì từ găng tay, khẩu trang, điện nước, dụng cụ...Vô lý.

Ngay sau khi công bố dự kiến giá mới, Bộ Y tế có một văn bản "5 lý do tăng giá" gửi tới hầu hết các báo, một lần nữa lặp lại con số 3.000 đồng. "Miếng vá xăm xe đạp đã tăng 10.000-15.000 đồng thì tiền khám bệnh vẫn 3.000 đồng"; ngân sách nhà nước cấp rất thấp. Công nghiệp y tế thay đổi làm chi phí tăng. Những khó khăn của các bệnh viện khi viện phí quá thấp... Tóm lại, đây là những khó khăn của ngành y tế trước một cái giá thấp và vô lý, thấp đến mức vô lý.

Nhưng có một thực tế không thấy trình bày là từ lâu không ai có thể đi khám với chỉ một khoản 3.000 đồng vô lý như các con số thống kê trên báo cáo.

Cũng có những thắc mắc mà dư luận đã đặt ra từ lâu: Không hiểu tại sao trong suốt bằng đó năm, ngành y tế vẫn chấp nhận những cái giá "3.000 đồng" vô lý như vậy để rồi vào một ngày đẹp trời, đòi tăng gấp ba gấp bảy lần. Thậm chí 70 trên tổng số 250 dịch vụ y tế sẽ tăng từ 700 đến 1.000%. Tại sao trong 16-20 năm qua, giá dịch vụ y tế không có những lộ trình tăng dần hợp lý để tránh gây sốc cho dân chúng mà lại dồn cả vào một thời điểm, khi lạm phát đang lập lỷ lục châu Á và số hộ nghèo tăng thêm hàng tháng gấp nhiều lần số hộ thoát nghèo.

Vào ngày cuối cùng của năm 2010, ngành bảo hiểm công bố con số kết dư đã lên tới 3.500 tỷ đồng. Nhưng trong khi quỹ thừa tiền, thì có tới 66%, trong 650.000 hộ cận nghèo, không có khả năng mua bảo hiểm y tế, ngay cả khi Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí, ngay cả ở những địa phương có mức hỗ trợ đến 80%. Chỉ vì họ quá nghèo, dù là diện hộ cận nghèo.

Theo chuẩn nghèo mới, mức thu nhập dưới 500 nghìn ở thành phố và 400 nghìn ở nhà quê thì được gọi là nghèo. Với giá thịt lợn tăng hai con số mỗi tháng thì 400-500 này đủ "mua" 2.200 calo mỗi ngày để đảm bảo sự sống mới lại là vô lý.

Giá dịch vụ y tế sẽ phải tăng để tránh sự vô lý, cũng như giá điện, giá xăng, giá than. Nhưng không thể tăng kiểu địa chấn như một cú giáng vào thiên linh cái như vậy. Không thể khắc phục một sự vô lý, mang tính chất quyền lợi ngành, bằng cách nhắm mắt trước những điều vô lý liên quan đến áo cơm của toàn xã hội.

Còn bởi chắc chắn ngay sau khi viện phí tăng, mức đóng bảo hiểm y tế sẽ tăng theo. Từ mức thu bằng 4,5% mức lương tối thiểu hiện giờ- không hiểu mức tăng tương ứng sẽ là bao nhiêu để bảo hiểm có "kết dư". Huống chi ngay cả những người đóng bảo hiểm y tế hiện vẫn phải chi trả, dù câu chữ chỉ là "một phần" viện phí, nhưng mức chi trả cao nhất đã lên tới 20%, mức viện phí.

Liệu 58 triệu người có bảo hiểm y tế thực sự "không bị ảnh hưởng" như lời Bộ Y tế?

Liệu ngót 32 triệu người còn lại, hầu hết thuộc về nông thôn, miền núi có gánh nổi gánh nặng tăng giá, gánh luôn cho cả những người "không bị ảnh hưởng"?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem