Đi bơi trong mùa dịch tay chân miệng, trẻ em cần chú ý gì?

Chủ nhật, ngày 17/04/2022 15:27 PM (GMT+7)
Bệnh lây lan qua đường tiếp xúc rất nhanh, đặc biệt dễ bùng phát trong môi trường nhà trẻ, mẫu giáo, khu vui chơi... vậy nếu đi bơi cần những lưu ý như thế nào?
Bình luận 0

1. Bệnh tay chân miệng dễ lây lan ở môi trường nào?

Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh tay chân miệng, đặc biệt là trong các đợt bùng phát.

Bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan rất nhanh, truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường miệng, qua các chất tiết từ mũi, miệng, phân hay nước bọt của trẻ bệnh.

Người mắc bệnh có khả năng phát tán virus gây bệnh trong tuần đầu tiên - giai đoạn ủ bệnh. Tuy nhiên thời gian lây nhiễm lại có thể kéo dài trong vài tuần bởi vì virus vẫn còn tồn tại nhiều trong phân và nước bọt của bệnh nhân. Chính vì vậy, nếu trẻ đi bơi thì có khả năng lây nhiễm rất cao nếu có mầm bệnh.

Bệnh thường lây truyền khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh như:

  • Hít, nuốt phải các dịch tiết, nước bọt người bệnh khi ăn uống chung, ho, hắt hơi, nói chuyện;
  • Tiếp xúc trực tiếp với dịch của mụn nước, bọng nước, phân của người bệnh;
  • Trẻ lành cầm nắm đồ chơi, chạm vào các vật dụng của trẻ bệnh; Lây qua bàn tay người chăm sóc trẻ…
 - Ảnh 1.

Virus gây bệnh tay chân miệng.

2. Cho trẻ đi bơi thế nào cho an toàn phòng bệnh?

Hồ bơi là nơi các trẻ tập trung mật độ cao, vì thế nguy cơ lây nhiễm cao, virus gây bệnh tay chân miệng có thể nhiễm vào nước rồi đi vào miệng mũi trẻ lành và gây bệnh.

Môi trường hồ bơi cũng dễ lây một số bệnh truyền nhiễm khác như bệnh nhiễm não mô cầu, bệnh mắt hột, nhất là các bệnh ngoài da: Khi bơi lội, thân thể dễ va chạm và bị xây xước nhẹ. Đây là điều kiện rất tốt để các virus, nấm mốc, bệnh ngoài da... xâm nhập và tấn công cơ thể.

Bệnh do vi nấm cũng thường gặp với các chứng bệnh hắc lào, nấm móng, nấm tóc, lang ben. Bệnh nhân thường xuất hiện các triệu chứng ngứa, viêm loét tại các vị trí thương tổn. Chất sát khuẩn trong nước gây viêm da tiếp xúc dị ứng với triệu chứng là da khô và bong tróc.

Do đó, khi đưa trẻ đi bơi, khó tránh được các bệnh trên nếu mật độ người bơi quá cao... Hoặc trường hợp hồ bơi đông đúc, tiếp xúc gần với nguồn lây như: Dùng chung phao bơi, bàn ghế, nhà vệ sinh... cũng làm tăng khả năng lây nhiễm.

Cách tốt nhất để phòng chống tay chân miệng và các loại bệnh truyền nhiễm khác trong mùa dịch, là:

  • Phụ huynh nên hạn chế đưa trẻ đến nơi quá đông người, có nguy cơ mắc bệnh cao. Cần thận trọng khi cho trẻ tham gia các hoạt động đông người như hồ bơi, sân chơi công cộng...
  • Không nên cho trẻ đi bơi khi trẻ không khỏe, mới khỏi bệnh.
  • Không dùng đồ vật chung như áo phao , áo bơi, bàn ghế, nhà vệ sinh... vì có thể làm tăng khả năng lây nhiễm bệnh.

  • Đối với trường hợp trẻ khỏe mạnh đi bơi, cần nhắc trẻ đeo kính, mũ, quần áo bơi và không tháo kính dưới bể nhiều lần để tránh vi khuẩn xâm nhập vào mắt. Trong khi bơi cần tránh sặc nước, hạn chế nước vào tai và mũi, họng.
  • Sau khi bơi, nên súc miệng bằng nước muối sinh lý và rửa mắt, nhỏ tai bằng các dung dịch sát trùng thích hợp để phòng các loại bệnh truyền nhiễm.
  • Ngoài ra, cha mẹ cần chọn lựa hồ bơi an toàn về chất lượng nước. Không bơi ở nơi có quá đông người, hoặc bơi nơi có nước lâu ngày không thay hay khử trùng thường xuyên.
  • Tuyệt đối không cho trẻ đi bơi khi đang bệnh ngoài da hoặc khi thể trạng đang yếu. Trước khi bơi không ăn quá no và nên uống đủ nước.
 - Ảnh 3.

Trẻ nhỏ đi bơi có nguy cơ lây nhiễm tay chân miệng trong mùa dịch.

3. Nguyên tắc chung để phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ

- Cần vệ sinh sạch sẽ nơi ở, vệ sinh môi trường lớp học như lau sàn nhà, lau bàn ghế, đồ chơi của trẻ… bằng các chất tẩy rửa thông thường.

- Cần hướng dẫn trẻ thực hiện tốt vệ sinh cá nhân; vệ sinh răng miệng, rửa tay sạch sẽ trước và sau khi ăn, trước và sau khi đi vệ sinh.

- Không để trẻ đặt tay hay các vật thể lạ vào trong miệng.

- Thực hiện ăn chín, uống sôi để hạn chế các bệnh lây truyền qua đường phân - miệng, trong đó có bệnh tay chân miệng.

- Hạn chế đến các khu vực công cộng, đông người để tránh mắc bệnh. Khi có biểu hiện của bệnh tay chân miệng cần tới gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.


BS. Hoàng Việt Hà (suckhoedoisong.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem