Mỗi năm hai lần sửa cầu
Bản Lắc Kén nằm dọc hai bên bờ con suối Sập Vặt, là nơi cư trú của hơn 80 hộ đồng bào dân tộc Thái. Suối ở đây rất sâu, mùa cạn trơ ra những khe đá lởm chởm, mùa mưa nước lũ ngập cao tới gần chục mét, cản trở lưu thông của người dân và hàng hóa trong bản. Để giải quyết nhu cầu đi lại, tránh bị cô lập trong mùa mưa lũ, dân bản Lắc Kén đã bắc 2 cây cầu qua suối, cách nhau gần 1km. Anh Hoan cho biết: “Cũng như nhiều bản vùng cao khác bị chia cắt bởi những con suối lớn, người dân Lắc Kén chúng tôi rất muốn có một cây cầu bê tông bắc qua suối để việc đi lại, vận chuyển hàng hóa được thuận lợi. Nhiều năm qua, chúng tôi đã đề xuất, nhưng vì kinh phí của địa phương còn khó khăn nên vẫn chưa được đáp ứng”.
Người dân bản Lắc Kén mong muốn có một cây cầu cứng vững chãi để thuận lợi thông thương, phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: M.N
Việc thiếu một cây cầu treo vững chắc ở bản Lắc Kén làm giảm bớt giá trị nông sản cũng như sức lưu thông của hàng hóa.
|
Để giải quyết vấn đề, bà con trong bản đã đóng góp công sức, tiền của cùng nguồn ngân sách của huyện làm những cây cầu tạm qua suối. “Huyện cho chúng tôi dây thép và xi măng, chúng tôi tự thiết kế các mố cầu, hô hào nhau giải phóng mặt bằng, căng dây, lát ván… làm được một cây cầu như thế này mất cả tháng trời mới xong” – anh Hoan vừa kể, vừa đưa chúng tôi đi xem cây cầu treo đầu bản. Đó là cây cầu treo được thiết kế với trọng tải nhỏ, có cột trụ bê tông thấp, lát nền cầu bằng nan tre, mặt nền chỉ rộng chừng 2m. Do cầu yếu, lại bắc qua suối rộng nên độ rung lớn, đi bộ qua cầu cũng thấy chệch choạc. Ông Hoàng Văn Xương, dân bản chia sẻ: “Cầu chịu mưa nắng nhiều, đông người đi lại nên mỗi năm dân bản chúng tôi phải đóng góp sửa cầu 2 lần để làm lại ván mặt cầu. Làm bằng nan tre, vừa vất vả, vừa mất an toàn mà lại nhanh hỏng”.
Cầu không tốt, khó phát triển kinh tế
Tuy những cây cầu treo nhỏ bé, mong manh, nhưng cũng như hàng chục điểm cầu treo dân sinh khác đã được bắc qua suối ở huyện Yên Châu, hai đầu cầu treo bản Lắc Kén cũng đã xuất hiện nhiều điểm thu mua hàng hóa và các hàng quán phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân. Chị Vi thị Hoan - chủ quán tạp hóa kiêm thu mua nông sản ở đầu cầu bản Lắc Kén chia sẻ: Lắc Kén là bản có sự bứt phá rất nhanh trong sản xuất hàng hóa từ nông nghiệp. Mỗi năm, bản này cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn ngô, xoài, chuối, trâu, bò, lợn, gà, vịt… Đó là chưa kể tới nguồn lợi từ gỗ ở những cánh rừng sản xuất mà người dân trồng được. Thế nhưng, do cây cầu treo quá bé nên chúng tôi không thể đặt điểm thu mua hàng trong bản vì xe ô tô không thể đi qua cầu.Giám đốc Hợp tác xã Hương Xoài ở bản Lắc Kén – anh Hoàng Văn Hoan, cho biết: “Bản chúng tôi là một trong những vựa xoài của huyện Yên Châu. Vì thế, khi nghe Nhà nước có dự án làm cầu treo dân sinh ở 3 vùng: Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, chúng tôi rất mừng. Hàng chục nghìn người dân hai bên bờ suối Sập Vặt này cũng ngóng chờ được hưởng lợi từ dự án ấy”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.