Sông nước nhớ ông Đâu xây cầu...

Hữu Danh - Gia Tưởng Thứ bảy, ngày 16/07/2016 06:20 AM (GMT+7)
Tại lễ tang lão nông Mai Văn Đâu, gia đình, làng xóm ấm lòng hơn khi đọc được thư chia buồn của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan. Bức thư đã nói lên tình cảm của chính những người dân Đồng Tháp đối với người đàn ông đã sống trọn đời nhân nghĩa.
Bình luận 0

Ông Mai Văn Đâu (Hai Đâu) - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp vừa qua đời ngày 4.7. Suốt 25 năm qua, dù chưa được học qua trường lớp nào về cầu đường, nhưng bằng sự cần cù, chịu khó, tự tìm tòi, học hỏi, ông đã cùng bà con bắc trên 70 cây cầu gỗ và xây trên 70 cây cầu bê tông qua những con sông, rạch chằng chịt ở quê hương và trên nhiều nẻo đường của tỉnh nhà, giúp người dân đi lại thuận tiện, đổi mới bộ mặt nông thôn, góp phần phát triển kinh tế, xã hội mà không nhận về mình một đồng tiền công nào.

Bất ngờ duyên xây cầu

img

Ông Mai Văn Đâu (bìa trái) tham gia xây cầu. Ảnh: CTV

Ngày 15.7, ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết, việc người dân mong muốn có một cây cầu mang tên Mai Văn Đâu là nguyện vọng chính đáng, rất nên làm. “Chú Mai Văn Đâu đã cùng bà con bắc hơn 70 cầu gỗ và hơn 70 cầu bê tông miễn phí trên quê hương Đồng Tháp. Nên chọn một cây cầu có ý nghĩa nhất và đặt tên chú” - ông Hoan nói.

Cái duyên để ông Đâu gắn với nghiệp xây cầu bắt đầu cách đây 35 năm, khi... vợ đau bụng đẻ. Một đêm tháng 2.1981, vợ ông đau bụng chuyển dạ, phải chuyển xuống Bệnh viện huyện Lấp Vò gấp. Nhà chỉ cách bệnh viện hơn chục cây số nhưng do con đường đất lầy lội, lại không có cầu nên phải đi đường vòng bằng ghe hơn 24km. Nhìn vợ đau đớn do thời gian đi quá lâu, ông Đâu thấm thía nỗi khổ của việc thiếu những cây cầu.

Khi vợ ông mẹ tròn con vuông về nhà, ông Đâu đến từng nhà vận động bà con trong xóm cùng nhau làm đường, bắc cầu và được mọi người hưởng ứng. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ít lâu sau, con đường trải đá và cây cầu gỗ vững chãi mọc lên, cả xóm vô cùng phấn khởi vì đi lại dễ dàng.

Từ sự khởi đầu suôn sẻ này, ông Đâu tiếp tục vận động làm thêm cầu, đắp thêm đường khắp xã Định Yên. Nhiều người dân xã khác đến đây đã hết sức “thèm” khi giao thông ở Định Yên khác hẳn vùng quê khác. Đường sá trong xã ngon lành, nhưng làm ăn, đi lại thì phải liên xã, liên huyện nên chỉ 1 xã ngon lành chưa đủ. Thế là, ông Đâu đi vận động người dân nơi khác góp tiền, góp công xây cầu. Những cây cầu kiên cố hơn bằng bê tông cốt thép có tải trọng từ 2,5-5 tấn lần lượt mọc lên. Hàng chục thanh niên trai tráng đã tình nguyện “xin về đội ông Đâu” để đi xây cầu miễn phí. Có cả những cụ ông U70 vẫn về đội làm cầu.  Bằng uy tín của mình, ông đề xuất mô hình “3 nhà” gồm: Nhà nước, nhà đầu tư (là các mạnh thường quân) và nhà thi công. Với mỗi cây cầu như vậy, chính quyền sẽ hỗ trợ 50% kinh phí để mua vật liệu, thiết bị xây cầu, còn lại là tiền đóng góp của nhân dân và tiền tài trợ. Toàn bộ phần kinh phí thi công, tổ xây cầu... miễn phí!

Anh Nguyễn Thành Tiến (xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò) thành viên đội cầu kể, việc làm đầy ý nghĩa của ông Đâu đã làm anh khâm phục nên tình nguyện theo phụ. “Đi làm với chú không chỉ học được kinh nghiệm chuyên môn mà còn học được nhiều điều hay lẽ phải. Chú thường nhắc nhở anh em: Làm việc chung nhưng phải kỹ lưỡng từng chút, phải xem như việc nhà của mình thì công trình mới đảm bảo chất lượng. Sau này, tôi quyết nối tiếp việc làm của chú ấy”- anh Tiến kể.

Ông Bảy Thành - một đội viên cho biết: “Ban đầu đội chỉ có vài người, hoạt động lòng vòng trong xã. Qua sự vận động của anh Đâu, đội thu hút nhiều người tham gia, đến giờ, được hơn 30 thành viên chính thức thường xuyên làm việc, chưa kể số người làm việc không thường xuyên”.

Trọn đời nhân nghĩa

img

Một cây cầu trị giá gần 500 triệu đồng do người dân tự góp tiền xây dựng ở Đồng Tháp.  Ảnh: H.D

Do đội làm cầu chắc chắn, lại không lấy tiền công nên nhiều địa phương khác thông qua Hội Chữ thập đỏ đến gặp ông Đâu nhờ xây cầu. Có lần, cùng thanh niên khiêng cột bê tông to, anh em mất đà, té ngã; một số bị thương, ông Đâu giập xương 2 ngón tay, phải tháo khớp cả 2 ngón. Mọi người lo lắng thì vài ngày sau lại thấy ông Mai Văn Đâu bàn tay bó gạc xuất hiện ở công trường. Khi bàn tay ông kéo da non cũng là lúc cây cầu hoàn thành trong niềm vui của bà con.

Không chỉ vận động mạnh thường quân trong tỉnh, ông Đâu còn lên tận TP.Hồ Chí Minh gặp những người con Đồng Tháp làm ăn thành đạt xin tiền hỗ trợ người dân quê xây cầu. Nhiều mạnh thường quân khi góp tiền xây cầu còn đích thân vận động bạn bè, sau đó rủ nhau về Đồng Tháp “xem cầu ông Đâu”.

Trong bức thư, Bí thư Lê Minh Hoan cảm ơn ông Đâu không chỉ việc xây cầu mà còn là chuyện ông vận động hàng chục tỷ đồng xây nhà tình thương, chăm lo người nghèo. Với tấm lòng chân thành của ông, hàng chục ngàn lượt người đã cùng đóng góp ngày công lao động, gạo, tiền cho bệnh nhân nghèo, tham gia phục vụ cơm tại bệnh viện, xe chuyển viện cấp cứu; mỗi năm ông sưu tầm từ 40-50 tấn thuốc nam ở các tỉnh khác mang về cấp cho bà con nghèo trong và ngoài xã. Nhờ có tấm lòng trong sáng, hết mình phục vụ mọi người mà không tính công, lại luôn công khai, minh bạch, rõ ràng mỗi khi nhận sự đóng góp của nhân dân, mọi người luôn tin yêu, quý mến và nhiệt tình ủng hộ việc làm nhân nghĩa của ông. 

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp:

Ngọn cờ đầu của phong trào thiện nguyện 

Rồi thì điều không ai mong chờ cũng đã đến: Chú Mai Văn Đâu - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp - một trong những ngọn cờ đầu tiêu biểu của phong trào thiện nguyện của tỉnh nhà đã vĩnh viễn chia tay gia đình, người thân và tất cả chúng ta trong niềm tiếc thương vô hạn. Thay mặt lãnh đạo tỉnh và với tình cảm cá nhân, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc và lời tri ân chân thành nhất đến gia đình chú. Mọi sự ra đi vĩnh viễn đều đem lại sự đau lòng cho những người ở lại, nhưng sự ra đi này là nỗi đau buồn khôn xiết cho cả xóm làng và mảnh đất này.Dù chưa được học qua trường lớp nào về cầu đường, nhưng bằng sự cần cù, chịu khó tự tìm tòi học hỏi, chú Hai đã cùng bà con mình bắc trên 70 cây cầu gỗ và xây trên 70 cây cầu bê tông qua những con sông, rạch chằng chịt ở quê hương và trên nhiều nẻo đường của tỉnh nhà, giúp cho người dân đi lại thuận tiện, đổi mới bộ mặt nông thôn, góp phần phát triển kinh tế, xã hội mà không quản công sức, không nhận về mình một đồng tiền công nào.
Một ngày cuối năm 2010, tôi cùng với chú tham dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ VIII tại Hà Nội. Biết chú khó có dịp trở ra miền Bắc lần nữa nên tôi gợi ý chú nên ở lại đi tham quan các danh lam thắng cảnh. Tôi nói sẽ thu xếp công việc để ở lại đi cùng cho vui. Suy nghĩ hồi lâu, chú trả lời dứt khoát: "Thôi, tôi phải trở về liền vì ở nhà đang đóng nọc trụ cầu, lo mấy cháu làm không chắc chắn, rồi không kịp để bàn giao cho bà con!". Vậy đó, không một ngày nghỉ ngơi đúng như tâm sự của Chú: "Làm riết rồi quen, ngày nào không đến công trình lại thấy buồn không chịu được!". Tình người và tình quê, chân chất và đôn hậu, đã thắm đẫm trong tâm tưởng của chú, chú Hai Đâu kính mến!
Sự ra đi của chú để lại niềm tiếc thương vô hạn cho người thân, gia đình, cộng sự, cán bộ, đảng viên và bà con nhân dân tỉnh nhà. Vì bận dự Hội nghị Trung ương không đến viếng được, tôi xin gửi vài dòng chia buồn cùng Gia quyến với sự tri ân sâu sắc để tiễn đưa Chú về nơi an nghỉ cuối cùng!
Xin kính cẩn nghiêng mình trước một tấm gương lớn: Chú Hai Đâu! 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem