Đi dọc sông Hương "săn" thứ măng tre vàng, có vài trăm ngàn/ngày

Thứ ba, ngày 05/11/2019 07:00 AM (GMT+7)
Không đến mức trèo đèo lội suối, nhưng những chuyến “ăn” măng dọc biền sông cũng tướt mồ hôi khi phải chui ra luồn vào giữa những bụi tre rậm rịt cùng hàng chục ký măng tươi nặng trịch bên cạnh.
Bình luận 0

Nếu như măng của tre xanh chỉ rộ vào tầm tháng 4 thì măng của tre vàng ở Huế lại có quanh năm, nhờ vậy, kể cả khi măng vào mùa (giá thương lái thu tại nhà chỉ 6-7 ngàn đồng/kg) giúp người hái kiếm khá tiền sau một buổi lao động.

img

Bẻ măng - nghề tay trái hái ra tiền.

Ông Hồ Thanh Lam, người thôn Hòa An (Hương Thọ - Hương Trà) không nhớ đã theo cái nghề tay trái này bao lâu, chỉ biết mấy sào đất toàn những tre của gia đình ở mé sông phía thượng nguồn dòng Hương hằng năm giúp gia đình ông có được khoản thu nhập kha khá.

"Trung bình mỗi bụi tre cho 2-3 mụt măng, cá biệt có bụi 5 mụt, mỗi mụt từ 1-3kg, cứ bẻ xong thì tuần sau lại đến bẻ tiếp. Đến tháng 4 hằng năm, khi bẻ thì trừa lại 1 mụt măng đẹp để làm giống, 5 tháng sau mụt măng thành cây tre lớn, sau đó lại tiếp tục ra măng. Nói chung cây tre cho măng cả đời. Vào mùa, măng giá 6-7 ngàn đồng/kg nhưng vào tầm tháng 1-3, giá từ 10-15 ngàn đồng/kg tùy loại măng", ông Lam nói.

Để đi bẻ măng chỉ cần dậy sớm, chuẩn bị đồ nghề đơn giản, gồm đôi găng tay, giỏ đựng, một cuốc chim và cây rựa, sau đó khoác thêm áo dài tay, cầm theo chai nước là có thể bắt đầu buổi luồn biền “ăn” măng.

Nghe qua thấy nhẹ nhàng, nhưng có đi mới biết cũng gian nan, vất vả khi phải “chui bờ lủi bụi”, phải trân mình chịu đựng gai, lá, nè tre khô sắc như dao lướt qua da, phải cẩn thận tránh rắn, tránh ong, tránh nơi biền đất có nguy cơ đổ ầm xuống sông bất cứ khi nào do nạn khai thác cát sỏi trái phép.

Không tính những mụt măng mọc trồi cao khỏi mặt đất, để tránh bỏ sót, người bẻ phải tinh mắt, phải chịu khó xáo xới những đám lá khô mục phủ dày - nơi mụt măng đang náu mình. Những bụi tre tồn tại hàng chục, thậm chí hàng trăm năm, ngoài che bóng, giữ đất, tre còn cho măng, cho người thêm thu nhập, dù khi ít khi nhiều nhưng quanh năm suốt tháng. Vậy nên, những người “ăn” măng dọc biền sông Hương vẫn sống thong dong nhờ cái nghề tay trái nhưng hái ra tiền này.

Hình ảnh người dân “ăn” măng phía thượng nguồn sông Hương PV ghi được:

img

Dọc biền sông phía thượng nguồn sông Hương là nơi nhiều người dân "ăn" măng.

img

Dụng cụ thu hoạch măng chủ yếu là rựa và cuốc chim.

img

Khi thu hoạch, phải chặt măng sát gốc, nếu không lứa măng mọc tiếp theo sẽ nhỏ hơn.

img

Trong một buổi sáng ở khu vực ngã ba khe Đầy, chị Nguyễn Thị Sắt (thôn Hòa An - Hương Thọ - Huong Trà) có thể bẻ được hơn 1 tạ măng tươi.

img

Thương lái đến thu mua tại nhà ông Hồ Thanh Lam. Do đây là thời điểm măng nhiều nên măng ngang vỏ được thu mua với giá 6.500 đồng/kg. Dẫu vậy, với hơn 1 tạ măng, trong buổi sáng ông Lam đã có 600-700 ngàn đồng.

img

Mùa này chủ yếu là măng vàng nhưng thỉnh thoảng vẫn có măng xanh - loại măng ít đắng, giòn và ngọt với giá hơn 10 ngàn đồng/kg.

img

Tuy không bằng măng xanh, nhưng bù lại măng vàng có quanh năm, cho mụt to hơn, kinh tế hơn. Trong ảnh là 2 mụt măng có trọng lượng đến 6kg.

img

Khi sơ chế, măng tươi được róc bỏ lớp vỏ ngoài. Sau đó tiếp tục bóc cho đến khi còn lõi non. Trong khi róc và bóc vỏ, chú ý tránh lông măng dính vào da. 

img

Măng tươi, măng chua giúp bữa ăn gia đình có thêm một thực phẩm sạch 

Hàn Đăng (Báo Thừa Thiên Huế)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem