Đi lại dịp Đại lễ: Cần nắm rõ giờ, đường cấm...

Thứ sáu, ngày 01/10/2010 12:41 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Người dân các tỉnh và người dân Hà Nội đi lại thế nào trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đang là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm nhất hiện nay.
Bình luận 0
img
Liệu du khách các tỉnh về dự Đại lễ có phải chịu cảnh tắc đường vẫn diễn ra thường xuyên tại Hà Nội?

NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Tân - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội...

Thưa ông, nhiều người dân các tỉnh rất háo hức về dự Đại lễ. Hiện việc chuẩn bị đón tiếp, lo việc đi lại bà con các tỉnh về dự lễ được tổ chức thế nào?

- Ngày 23-9, Sở GTVT ban hành phương án phân luồng, tổ chức giao thông trong hơn 10 ngày diễn ra Đại lễ. Ngày 27-9, chúng tôi tiếp tục ban hành phương án điều chỉnh, bổ sung. Trong các phương án này, chúng tôi đặc biệt chú ý đến việc phân luồng để đón tiếp người dân các tỉnh về Hà Nội dự Đại lễ.

Nếu người dân các tỉnh về Hà Nội bằng xe khách thì vẫn đi đến các bến xe bình thường rồi từ đó đến các địa điểm lễ hội. Nếu bà con đi bằng ô tô du lịch loại 16 chỗ trở lên không có giấy phép vào nội đô thì gửi xe tại 8 bãi gửi xe trung chuyển ở khu vực ngoại thành là: Mỹ Đình I, Mỹ Đình II, đoạn đường trước Công viên Yên Sở, bãi đỗ xe Đền Lừ, bãi Gia Thụy, bãi Hải Bối, điểm đỗ xe đường Hồng Hà, bãi đỗ xe Dịch Vọng. Từ đây sẽ có xe trung chuyển miễn phí đưa khách vào các khu vực nội thành theo các tuyến thông báo tại các bến đỗ.

Khi đến các địa điểm diễn ra Đại lễ, như lễ khai mạc ở hồ Hoàn Kiếm (1-10), mít tinh, diễu binh ở Quảng trường Ba Đình (sáng 10-10) và bế mạc tại sân vận động Mỹ Đình (tối 10-10), người muốn tham gia gửi phương tiện tại các bãi gửi xe xung quanh khu vực. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các bãi gửi xe này không nhận trông giữ các xe tải để dành chỗ phục vụ cho xe của khách về tham dự Đại lễ.

Hiện Sở đã chuẩn bị bao nhiêu xe để chở miễn phí từ 8 bãi đỗ xe nói trên?

- Các xe trung chuyển miễn phí này đã được cho hoạt động từ 28-9 đến hết 10-10. Các xe này được huy động theo hình thức xã hội hoá, nhiều đơn vị tham gia. Tuỳ theo tình hình thực tế, chúng tôi sẽ bố trí số lượng xe thích hợp. Số lượng xe có thể lên đến hàng trăm.

Thưa ông, nhiều người dân, công nhân viên chức và học sinh tại các khu vực đường bị cấm đi lại trong dịp Đại lễ đang rất lo lắng về việc đi lại. Phương án dành cho họ thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi rất chia sẻ khó khăn đối với những người sống và làm việc tại các đường cấm và rất mong mọi người ủng hộ Đại lễ. Tuy nhiên, với những người tại khu vực này, thời gian để cấm đường kéo dài chỉ vài tiếng đồng hồ và tối đa là 1 ngày. Tại các khu vực cấm cũng không nhiều trường học nên số lượng học sinh bị ảnh hưởng là không quá nhiều.

Người dân tại khu vực này nên nắm rõ các thông tin về ngày, giờ cấm mà chúng tôi đã thông báo rộng rãi để chủ động trong công việc. Còn muốn vào khu vực cấm, người dân phải gửi xe ở ngoài sau đó đi bộ vào. Khi đi bộ vào, người dân cần mang theo chứng minh thư để trình báo cho lực lượng bảo vệ. Còn học sinh, căn cứ vào đồng phục của các em, lực lượng bảo vệ sẽ cho vào.

Xin cảm ơn ông!

Các mạng di động lên kế hoạch đảm bảo liên lạc

Ngày 30-9, đại diện các mạng điện thoại di động trên địa bàn Hà Nội đều khẳng định sẽ đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong thời gian diễn ra Đại lễ.

Theo đó, tại các điểm tập trung đông người, MobiFone sẽ huy động các xe thu phát sóng lưu động để tránh nghẽn mạng. Mạng VinaPhone đã lắp đặt và hoà mạng mới 340 trạm BTS 2G, 140 trạm BTS 3G và trang bị thêm 50 xe phát sóng lưu động. Viettel cũng xây dựng, lắp đặt mới 21 trạm phát sóng BTS, 53 trạm BTS 2G, 24 trạm BTS 3G và trang bị 60 xe cơ động phục vụ tại các địa điểm diễn ra sự kiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem