Sinh ra tại một vùng quê thuộc xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ (Nghệ An), cậu bé Vi Văn Ngữ đã có những tháng ngày tuổi thơ êm đềm bên dòng suối mát lành. Thế nhưng, cũng chính bên dòng suối mang lại cuộc sống ấm no cho bà con dân tộc Thái ấy, mùa hè năm 1986, một trái bom thời chiến còn sót lại đã thức giấc để rồi Ngữ bị tàn phế suốt đời.
|
Chuẩn bị đồ nghề trước lúc lên đường đi hát rong. |
Tiếng nổ oan nghiệt
Đã qua hàng chục năm nhưng nỗi đau về ngày định mệnh ấy chưa bao giờ chịu ngủ yên trong Ngữ. Ngày đó, Ngữ cùng chúng bạn lùa đàn trâu ra bãi chăn thả. Cả nhóm đang chơi vui vẻ trên bãi cát thì một tiếng nổ rung chuyển cả xã Nghĩa Bình. Tiếng nổ đó làm Ngữ mất cánh tay phải, hỏng hẳn đôi mắt.
Tỉnh lại sau tai nạn kinh hoàng, Ngữ đau đớn bởi thân thể không còn nguyên vẹn. Nước mắt chưa kịp khô thì chàng trai bất hạnh lại thêm một lần tuyệt vọng khi bố mẹ anh vì bạo bệnh mà lần lượt qua đời.
Nhiều lần anh đã muốn quyên sinh nhưng được sự động viên giúp đỡ của bà con, chòm xóm, Ngữ lại vực lên để ở lại với đời.
Cuộc sống của chàng trai tật nguyền cứ trôi đi trong nỗi buồn tê tái, cho đến khi anh tham gia Hội Người mù huyện Tân Kỳ. Tại đây, gặp những người cùng cảnh ngộ, được sẻ chia, cảm thông... niềm vui đã trở lại với Ngữ.
Với giọng ca trầm ấm trời cho, với tài năng chơi guitar từ ngày chưa gặp nạn, dù chỉ còn một tay, nhưng Ngữ vẫn quyết tâm nối lại những nốt nhạc, dây đàn. Một tay vừa gẩy đàn, vừa bấm phím, khỏi phải nói Ngữ đã khó khăn đến thế nào. Thế nhưng, sau bao nhiêu công luyện tập, cuối cùng Ngữ cũng làm được điều tưởng như không thể. Anh trở thành “ngôi sao” của Hội Người mù huyện Nghĩa Đàn với tài đàn - hát điêu luyện, ngọt ngào.
Năm 2001, Ngữ được Hội Người mù tỉnh Nghệ An cử tham gia Liên hoan Tiếng hát từ trái tim do Hội Người mù Việt Nam tổ chức, và giành giải nhất. Sau cuộc thi đó, Ngữ trở nên nổi tiếng và càng được mọi người mến phục. Hai năm sau, anh lại đoạt Huy chương vàng tại Liên hoan Nghệ thuật quần chúng do Bộ LĐTBXH tổ chức. Từ đây âm nhạc trở thành người bạn tri kỷ chia sẻ mọi niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống với anh.
Mưu sinh bằng tiếng hát, điệu đàn
Thành tích lớn nhất mà Vi Văn Ngữ giành được sau hai cuộc thi âm nhạc không phải là giải thưởng mà là… tình yêu. Rất tình cờ, lần xuống Vinh đi thi, anh Ngữ đã gặp chị Nguyễn Thị Hương, người cũng là thí sinh tham gia liên hoan. Sau những buổi tập văn nghệ cùng nhau, những trao đổi tâm tình… hai con người có chung sự bất hạnh đã tìm thấy ở nhau sự đồng điệu trong tâm hồn. Để rồi từ đó, hai trái tim đã cùng chung nhịp đập.
Khi biết Hương yêu Ngữ, mẹ Hương - một người cũng hỏng mắt, đã hết sức phản đối bởi bà là người thấm thía hơn ai hết sự vất vả. Chồng mù, sinh 3 người con thì 2 người bị mù, cả cuộc đời bà phải lăn lộn mưu sinh lo cho cả nhà. Giờ 2 người hỏng mắt lấy nhau thì không biết sẽ sống kiểu gì.
Bỏ qua tất cả mọi lời can ngăn, Ngữ và Hương vẫn quyết định cưới rồi dắt díu nhau về Tân Kỳ làm nghề bán tăm dạo. Thế nhưng cái nghề này chẳng thể nuôi sống được họ. Vợ chồng Ngữ thường bị những kẻ xấu lừa lấy hết tiền, thậm chí có lần còn bị con nghiện cướp trắng trợn.
Nhờ những đồng tiền có được từ đi hát rong, mới đây vợ chồng anh Ngữ đã cất được một ngôi nhà. Và điều khiến anh chị hạnh phúc nhất chính là 2 đứa con. Cả hai cháu đều ngoan ngoãn, học giỏi và may mắn các cháu đều có những cặp mắt sáng trong. Đó là nguồn động viên rất lớn giúp anh chị có thêm nghị lực, sức mạnh để sống, để ngày ngày rong ruổi ca hát...
Bỏ nghề bán tăm, hai vợ chồng bao nhiêu đêm trằn trọc suy nghĩ, nhưng chẳng thể nghĩ ra được nghề gì để mưu sinh. Bí bách, một hôm chị Hương đánh liều bàn với chồng đi hát rong xin tiền. Chồng hát hay đàn giỏi, vợ cũng hát không đến nỗi nào, đây sẽ là cách kiếm tiền tốt nhất...
Thế nhưng, kế hoạch của vợ vừa đưa ra đã bị anh Ngữ xua tay. Anh không đồng ý bởi lòng tự trọng, sĩ diện trong con người anh còn lớn lắm. Không nản lòng, nhiều đêm chị Hương nằm tỉ tê thuyết phục, cuối cùng anh Ngữ cũng gật đầu.
Sắm đồ nghề đầy đủ, hai vợ chồng dìu dắt nhau xuống TP.Vinh bắt đầu cuộc đời hát rong. “Lần đầu tiên đi hát xấu hổ lắm, vừa hát vừa run, hát được buổi sáng, buổi chiều bỏ về, hai vợ chồng ôm nhau khóc vì tủi cho cái phận mình” - anh Ngữ nhớ lại.
Thế nhưng, vì miếng cơm manh áo, hôm sau hai vợ chồng lại lên đường. Vậy là việc đi hát rong đã thành nghề của họ. Đã 2 năm nay, người dân Vinh quen thuộc với hình ảnh đôi vợ chồng mù hát rong. Những bài dân ca ngọt ngào sâu lắng từ chị, những bài hát hừng hực khí thế từ anh…
Tiếng hát, lời ca đã xóa tan những ngày tháng buồn tủi trong cuộc đời đôi vợ chồng mù. Họ đã tìm thấy niềm vui, niềm tin yêu cuộc sống.
Linh Huệ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.