Mướt mồ hôi giữa nghĩa trang
Tôi theo chân những sinh viên nghèo, không về quê ăn Tết “dấn thân” vào việc làm thuê hơi kỳ lạ này. Tại nghĩa trang Gò Cà (Hòa Khương, Hòa Vang) - nghĩa trang lớn nhất TP.Đà Nẵng, có một số người thầu công việc này. Ai muốn sửa sang phần mộ thì đến gặp họ, chúng tôi đi xin việc cũng phải gặp giới này.
Chúng tôi đến gặp và được Nguyễn P (xin không nêu tên) - một “trùm” sửa mộ ở Gò Cà, nhận lời: “Mỗi ngày trăm hai (120.000 đồng), cơm nước tao lo”.
|
Những người làm nghề tảo mộ thuê tại nghĩa trang Gò Cà (Đà Nẵng). |
Công việc của chúng tôi là phải dọn sạch những vết bẩn, cây cỏ bám trên mộ, hết cái này đến cái khác, sau đó thắp hương. Cũng có gia đình thuê làm luôn việc cắm hoa, bày trái cây, thay rửa ly nước… Nghe thì có vẻ nhẹ nhàng nhưng làm đến chục cái mộ là hoa cả mắt. Từng chút một, chúng tôi phải dùng bàn chải sắt đánh meo mốc bám trên mộ cho đến khi trắng ra mới thôi, chủ thầu P luôn đứng bên để giám sát.
Mỗi ngôi mộ, có khi 2-3 người cùng đánh meo mốc cả buổi chưa xong. Cuối năm, trời lạnh buốt, tay phải cọ xát liên tục với phần tường mộ nên tấy đỏ, đau rát. Nhiều lúc, để làm trắng những ngóc ngách, phải bò lê, tê cứng cả người…
Không thuê làm cũng dọn
“Nghề” tảo mộ thuê ra đời ở Đà Nẵng từ vài năm trước. Ban đầu, một vài người sống gần nghĩa trang được chủ mộ thuê cuốc đất, dọn cây cỏ dại quanh mộ vào dịp chạp mả (còn gọi là tảo mộ, có thể là dịp cuối năm hoặc ra Giêng). Gia chủ khỏi mất công đi dọn, còn những người được thuê thì thêm thu nhập, từ đó hình thành nghề tảo mộ thuê mà người dân quen gọi “kiếm tiền trên đất chết”. Phần lớn những người đi tảo mộ thuê đều không khá giả gì, họ là nông dân, công nhân, sinh viên..., cốt kiếm ít tiền ăn Tết.
Chị Sương - công nhân quê Đại Lộc, Quảng Nam, có thâm niên nhiều năm đi tảo mộ thuê, kể: “Ban đầu thì chỉ có vài người làm, sau thấy kiếm ra tiền nên nhiều người cùng vào làm. Trước và trong Tết, có hơn mấy trăm người đến nghĩa trang Gò Cà để làm việc này. Ở làng tôi có nhiều người đi tảo mộ thuê lắm”.
Theo chị Sương, làm công nhân mỗi tháng 1,5 triệu đồng, chẳng thấm vào đâu. Chị tranh thủ làm thêm mấy ngày Tết để mong có tiền trang trải thêm. Tuy nhiên, để làm công việc này, những người đi làm thuê phải phụ thuộc vào những ông chủ thầu ở nghĩa trang.
Mấy ngày làm tại đây, chúng tôi cũng nhận thấy điều lạ, nhiều chủ mộ không yêu cầu, nhưng chủ thầu vẫn thuê người dọn dẹp tất cả những ngôi mộ trong khu vực của mình. Người đi thăm mộ ông bà tổ tiên, nhìn thấy mộ sạch sẽ khang trang thì họ tiếc gì tiền. Ít thì 50 nghìn, nhiều thì vài trăm nghìn đồng, biếu cho chủ thầu. Và tất nhiên, với hàng ngàn ngôi mộ thì số tiền họ thu về không phải là nhỏ.
Vũ Vân Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.