Đi tìm Chủ tịch FIFA: “Ngư ông” Salman đắc lợi

Thái Hà Thứ hai, ngày 19/10/2015 08:00 AM (GMT+7)
Cuộc họp thường vụ Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) khẩn cấp sẽ diễn ra ngày 20.10. Nhân vật tâm điểm của kỳ họp này là Hoàng thân vương quốc Bahrain, Phó Chủ tịch FIFA Salman bin Ebrahim al-Khalifa (50 tuổi) – ứng viên số 1 cho vị trí Chủ tịch FIFA sẽ được bầu ngày 26.2.2016.
Bình luận 0

Thời thế tạo… Chủ tịch FIFA

Sau khi các ứng viên như Michel Platini và Chung Mong Joon bị Ủy ban Đạo đức FIFA đình chỉ tham gia các hoạt động trong bóng đá, Salman bin Ebrahim al-Khalifa “vô tình” trở thành ứng viên sáng giá nhất. Hiện mới chỉ có một người khác tuyên bố sẽ ra ứng cử là hoàng tử xứ Jordan  Ali Bin al Hussein (đã thua ông Sepp Blatter trong cuộc bầu cử Chủ tịch FIFA hồi tháng 5.2015). Hạn chót tiếp nhận hồ sơ ứng cử là ngày 26.10.

img

Phó Chủ tịch FIFA Salman bin Ebrahim al-Khalifa (giữa) đang là ứng viên sáng giá cho chức Chủ tịch FIFA.  Ảnh: I.T

Hoàng thân Salman là một người mềm mỏng, ông là Chủ tịch LĐBĐ Bahrain từ năm 2002. Đến năm 2013, ông đắc cử chức Chủ tịch LĐBĐ châu Á (AFC) và nghiễm nhiên có một chân phó chủ tịch FIFA từ đó. Salman được Blatter cử đi giải quyết một số việc khó khăn. Ông thuyết phục các nước AFC ủng hộ Platini lên chức Chủ tịch FIFA và ông cũng là người thân cận với Hoàng thân Ahmad al-Fahad al-Sabah của xứ Kuwait. Hoàng thân Ahmad là một tay môi giới cỡ bự trong làng thể thao, quen biết rất nhiều nhân vật thế lực và có tầm ảnh hưởng lớn đến các cuộc bầu cử.

Biến cố xảy đến với Blatter và Platini ngoài dự liệu đưa ông Salman vào ghế đầu trong cuộc đua chức chủ tịch FIFA. Trong cuộc họp thường vụ LĐBĐ châu Âu (UEFA) tuần qua, đa số đại diện của bóng đá châu Âu coi Salman là “phương án B” thay cho “phương án Platini”. Như vậy thì Salman sẽ có sự ủng hộ của châu Á, châu Âu, và thêm vào đó là Nam Mỹ, châu Phi vốn cũng ủng hộ Platini từ trước. Với sự ủng hộ này, Salman không khó để giành phần nhiều trong tổng số 209 phiếu bầu từ các nước.

Cuộc “cách mạng” Salman?

"Nếu bóng đá không thể giới thiệu ra một ứng cử viên thích hợp vào vị trí  chủ tịch FIFA thì đó thực sự là vấn đề lớn với bóng đá”.
Gianni Infantino - Tổng Thư ký UEFA 

Nhưng cũng trong cuộc họp của UEFA, một số người vẫn hy vọng vào việc Platini trở lại đường đua, một số thì muốn có một ứng cử viên người châu Âu khác như Chủ tịch LĐBĐ Hà Lan Michael van Praag. Platini đã nộp đơn kháng án “đình chỉ hoạt động bóng đá trong 90 ngày đối với ông” lên Ủy ban Khiếu nại FIFA. Nếu Ủy ban này bác đơn, Platini sẽ nộp kháng án lên Tòa án Thể thao quốc tế (CAS). Người châu Âu vận động để hạn chót nộp hồ sơ tranh cử chủ tịch FIFA là ngày 26.10 được lùi lại không khó.

Salman đến trụ sở FIFA ở Zurich, Thụy Sĩ từ hôm nay, gặp gỡ một số nhân vật và lắng nghe sự ủng hộ của họ đối với mình để quyết định có ra tranh cử hay không. Salman vẫn có thể bước vào cuộc đua với thỏa thuận cùng người châu Âu: Nếu Platini kháng án thành công và có thể bước vào cuộc tranh cử thì Salman khi đó sẽ rút lui; còn nếu Platini không thể bước vào tranh cử thì Salman được ủng hộ tuyệt đối.

Còn một khả năng khác có thể diễn ra ở cuộc họp thường vụ FIFA (hiện gồm 23 người): Hoãn lại cuộc bầu cử ngày 26.2.2016. Các ủy viên thường vụ có quyền quyết định việc này qua lá phiếu biểu quyết của họ. Nhưng một số người trong FIFA không thích khả năng này, họ muốn nhanh chóng có tân chủ tịch.

Các tổ chức như Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), Tổ chức Minh bạch quốc tế… đang kêu gọi FIFA phải mở cửa cho một ban lãnh đạo gồm những người ngoại đạo với bóng đá bước vào cải tổ toàn bộ FIFA. Lời kêu gọi này có thể biến thành phong trào mạnh trên khắp thế giới và buộc FIFA phải làm như vậy. Hoàng thân Salman có là người thích hợp? Một số người nói ông mới tham gia Ban thường vụ FIFA năm 2013 nên chưa bị nhiễm thứ văn hóa lạm quyền và “ăn bẩn” ở đó, nên thích hợp để làm một cuộc cải tổ ở FIFA.

Nhưng nhiều người nói, Salman sẽ chẳng làm cuộc cải tổ gì vì ông ta thân với Blatter, Platini, sẽ có cuộc trao đổi mua bán giữa họ: Tôi ủng hộ anh lên chủ tịch, đổi lại anh xếp lại các hồ sơ cũ và cho qua mọi chuyện. Salman cũng xuất thân từ một nước quân chủ nên không thích hợp cho cuộc cải tổ nào hết. Năm 2011, ông bị Tổ chức Nhân quyền thế giới cáo buộc tham gia đàn áp phong trào ủng hộ dân chủ ở Bahrain. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem