Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Vừa qua, Công an xã Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh đã bắt giữ một chuyến hàng vận chuyển 72kg đỉa sấy khô cùng nhiều vật phẩm không rõ nguồn gốc. Trước thông tin về vụ việc này, nhiều người đã đặt câu hỏi về xuất xứ và nguồn tiêu thụ của đỉa sấy khô.
Theo tìm hiểu của PV, tại TP.HCM, đỉa sấy khô hiện đang được bán trong các tiệm thuốc bắc với giá cao ngất ngưỡng: 50.000 đồng/con, 4-5 triệu đồng/kg.
1 con đỉa sấy khô có giá 50.000 đồng tại TP.HCM.
Đánh giá về việc kinh doanh đỉa sấy khô với mức giá “khủng” như trên, ông Trần Đình Vĩnh - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản TP.HCM cho biết, hiện không có quy định cấm kinh doanh mặt hàng trên. Song nếu là hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc thì chắc chắn không được mang ra kinh doanh.
“Nếu nghiên cứu đỉa để làm thuốc thì tốt thôi. Cây cỏ, sinh vật trong tự nhiên mà ứng dụng được, phục vụ con người thì rất tốt”, ông Vĩnh nói.
Tuy nhiên, ông Vĩnh cho biết thêm, để đảm bảo an toàn ở đồng ruộng, các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra và không cho nuôi đỉa. Trước đó, vào năm 2011, đã có hiện tượng người dân tổ chức nuôi đỉa ở các khu vực Hóc Môn, Củ Chi (TP.HCM) để cung cấp cho thương lái Trung Quốc, khiến dư luận lên án.
“Khi có dư luận như thế thì cơ quan nhà nước chắc chắn sẽ có biện pháp khuyến cáo. Trong đó, cơ quan khuyến nông là cơ quan gần dân nhất nên sẽ có hành động cụ thể. Còn với người dân, đừng vì những cái lợi nhỏ mà sinh ra những cái hại lớn”, ông Vĩnh nói.
Theo ông Vĩnh, sau khi nắm thông tin về trào lưu nuôi đỉa hồi năm 2011, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM đã cử người tới thu gom và cấm nuôi đỉa từ đó.
Về giá trị chữa bệnh của đỉa, ông Vĩnh không bình luận nhưng cho biết theo kinh nghiệm: “Ngày xưa đi cấy, người ta phải quấn vải từ dưới lên trên để không cho đỉa bám vào, bởi nó hút máu ghê lắm. Khi bị mụn nhọt, người ta còn dùng đỉa để hút máu độc ra”.
Cũng theo ông Vĩnh, đỉa tươi băm ra chưa chắc chết, đốt cũng chưa chắc chết. Riêng đỉa sấy khô, nếu đang được bán ngoài thị trường để làm thuốc thì phải có hướng dẫn sử dụng.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản TP.HCM cho biết thêm, cơ quan này cũng sẽ phối hợp với các ban ngành liên quan để kiểm tra việc kinh doanh các mặt hàng gây xôn xao trong dư luận như thời gian qua.
72kg đỉa sấy khô vừa bị công an bắt giữ (Ảnh: Mai Linh/Tiền Phong)
Khi được cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh đỉa sấy khô ở TP.HCM như trên, ông Lê Văn Khải - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tây Ninh cho biết, ông chưa từng nghe thông tin này.
“Ở TP.HCM có bán đỉa sấy khô với giá đó thì giờ tôi mới biết, riêng ở Tây Ninh không có đâu! Mà nếu đúng đỉa sấy khô có bán trong các tiệm thuốc bắc như người dân nói, theo tôi cũng rất hiếm. Nếu nguồn gốc rõ ràng thì không có quy định nào cấm kinh doanh”, ông Khải nói.
Đồng thời, ông Khải cho biết, việc người dân nuôi đỉa, ốc bươu vàng rộ lên hồi năm 2011 đã khiến Tổng cục Thủy sản phải vào cuộc và cấm nuôi đỉa từ đó. Theo đó, Tổng cục Thủy sản đã phát hành công văn số 1862 ngày 2/12/2011 về việc Quản lý hoạt động, thu gom, nuôi đỉa và ốc bươu vàng.
“Thật ra, cấm nuôi đỉa là vì sợ dân nuôi ồ ạt, tới hồi không có người mua, đổ ra sông suối, phát tán ra môi trường thì có hại cho môi trường, ảnh hưởng tới gia súc, gia cầm. Nếu thật sự đỉa làm thuốc được thì tốt, chứ sợ là sợ người ta gây nuôi như trên”, ông Khải cho biết.
Công văn số 1862 ngày 2/12/2011 của Tổng cục Thủy sản nêu rõ: Thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước xuất hiện nhiều đầu nậu thu mua đỉa sống, ốc bươu vàng với giá cao, đã khiến người dân ồ ạt đi bắt đỉa, ốc bươu vàng về bán. Thậm chí ở một số nơi, đầu nậu thu mua đỉa từ Campuchia về Việt Nam tập kết. Điều này đã dấy lên mối lo ngại về khả năng thu gom và nuôi đỉa, ốc bươu vàng quy mô lớn, dẫn tới việc mất kiểm soát hai loại vật nguy hiểm này. Để quản lý chặt chẽ hoạt động thu gom đỉa, ốc bươu vàng về nuôi. Đồng thời ngăn chặn sự phát tán, ảnh hưởng tới môi trường, tác động xấu tới cuộc sống của người dân sản xuất nông nghiệp, Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông các tỉnh, thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ: - Nghiêm cấm các hoạt động nuôi đỉa, ốc bươu vàng tại địa phương. - Nghiêm cấm việc thu gom đỉa nhập lậu trái phép vào nước ta. - Kiểm tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp nuôi, thu gom đỉa, ốc bươu vàng tại địa phương. - Tiêu hủy đỉa sống, ốc bươu vàng tại các cơ sở nuôi. - Tiêu hủy đỉa thu gom nhập lậu trái phép tại địa phương. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.