Thấy sang bắt quàng làm… thương hiệu
Đầu năm 2016, một dự án chung cư được hình thành tại quận 8, TP.HCM mang tên Pega Suite được tiếp thị rình rang trên mạng với nhiều mức giá khác nhau. Dự án được giới thiệu hoành tráng từ đơn vị thi công, ngân hàng cho vay vốn. Đặc biệt là đơn vị chủ đầu tư dự án luôn được niêm yết với cái tên PV Comland.
Chủ đầu tư đã rất khéo léo “sắp xếp” thương hiệu để dễ tạo sự liên tưởng. Thực chất, không hề có sự liên quan giữa hai thương hiệu này. Theo tìm hiểu của Dân Việt, PV Comland là tên viết tắt của Công ty Cổ phần đầu tư Phương Việt, một tên tuổi thuộc vào hàng lạ lẫm của thị trường địa ốc. Thậm chí, doanh nghiệp này còn không có trang web niêm yết thông tin. Sức khỏe tài chính của công ty này cũng rất… bí ẩn.
Vietcombank, có lẽ là cái tên ngân hàng bị “ké” nhiều nhất. Trên mạng từ lâu đã xuất hiện hẳn thương hiệu Vietcomland, một trang môi giới, giao dịch bất động sản hoạt động công khai nhiều năm nay mà không có sự liên quan gì đến ngân hàng này.
Một tên tuổi khác, là Vietcomreal thậm chí có logo, màu sắc gần như rập khuôn thương hiệu Vietcombank. Đây là thương hiệu của Công ty Cổ phần Địa Ốc Việt. Quá trình xây dựng tên na ná ngân hàng của doanh nghiệp này “ngoạn mục” hơn nhiều. Đại gia bất động sản này được thành lập năm 2007, khi đó vốn điều lệ ban đầu của Vietcomreal là 100 tỷ đồng, trong đó Vietcombank góp 11 tỷ đồng – tương ứng 11% vốn. Đến năm 2015, ngân hàng này đã thoái toàn bộ vốn tại Vietcomreal và không còn sự liên quan nào giữa hai bên.
Dự án Jamona City của Sacomreal, một thương hiệu không còn liên quan đến Sacombank
Tuy nhiên, Vietcomreal cho thấy rõ sự toan tính khôn ngoan bằng cách lôi kéo được ông lớn ngân hàng để xây dựng và thừa hưởng được một thương hiệu vô cùng ấn tượng. Giá trị thương hiệu của Vietcomreal nằm ở dự án “khủng” khu căn hộ cao cấp Riva Park tại quận 4 – TP Hồ Chí Minh cùng Aqua Luxury trong thời gian gần đây.
Chiếc áo không làm nên nhà sư
Một tên tuổi khác từng có sự liên quan đến ngân hàng ngay từ đầu là Sacomreal. Lúc đầu, pháp nhân này có liên quan đến Sacombank và các thành viên gia đình đại gia Đặng Văn Thành. Sau cuộc thoái vốn của Sacombank, Sacomreal loay hoay trong cuộc thanh toán các khoản nợ, trong đó có khoản nợ 500 tỷ đồng của đại gia này. Sau kế hoạch phát hành cổ phiếu, giữa năm 2015, Sacomreal đã phải chuyển nhượng dự án Khu đô thị Celadon City cho đối tác Gamuda Land Viet Nam với mức giá được cho là 1.400 tỷ đồng. Hiện tại, cơ cấu vốn của Sacomreal hoàn toàn không có sự liên quan đến ngân hàng Sacombank.
Tổng dư nợ 2015 của Sacomreal là 1.900 tỷ đồng trong khi doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 2016 khá khiêm tốn là 165 tỷ đồng. Sacomreal cũng là một trong những ông lớn có lượng tồn kho “khủng” lên đến gần 2.740 tỷ đồng, chiếm 55% tổng tài sản.
Dự án gần đây nhất của Sacomreal là dự án nhà ở xã hội Luxury Home tại quận 7 gặp “sự cố” với gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng. Theo phản ánh của các hộ dân, khi mở bán, các nhân viên sales hứa sẽ giúp họ tiếp cận gói vay này. Tuy nhiên, đến cuối cùng, rất nhiều hộ bị “mắc kẹt” bên trong dự án do không vay được gói 30 nghìn tỷ, không có khả năng thanh toán theo lãi suất thương mại, cũng không thể rút lui vì đã ký hợp đồng.
Dự án này thuộc diện nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp với nhiều ràng buộc về đối tượng đủ điều kiện. Nếu chủ đầu tư bán theo diện nhà ở thương mại, có thể sẽ gặp rắc rối về thủ tục pháp lý. Ngoài ra, Luxury Home là một phần trong Jamona City, dự án đang nằm trong danh sách thế chấp ngân hàng, tương tự như dự án Khu dân cư phía Bắc Rạch Bà Bướm của chủ đầu tư này.
Trong nỗ lực tiêu thụ căn hộ dự án Luxury Home, chủ đầu tư vừa thông báo mức chiết khấu lên đến 10,6%. Điều này cho thấy sức ép “dòng tiền” của Sacomreal trong thời điểm hiện tại là rất lớn. Và thương hiệu gốc gác ngân hàng, chưa bao giờ là sự bảo chứng cho năng lực tài chính của doanh nghiệp này.
Một chuyên gia tài chính phân tích với Dân Việt: Luật Các tổ chức tín dụng đã quy định rõ, các tổ chức tín dụng không được kinh doanh lĩnh vực bất động sản. Các chính sách của nhà nước gần đây cũng buộc các ngân hàng và tổ chức tín dụng thoái vốn ra khỏi các doanh nghiệp bất động sản. “Điều này có nghĩa là các thương hiệu na ná ngân hàng hoàn toàn không liên quan gì đến các ngân hàng và không thể bảo chứng cho năng lực của doanh nghiệp bất đóng sản đó. Người mua nhà cần thẩm định kỹ năng lực của chủ đầu tư để tránh rủi ro chứ không nên cảm tính lựa chọn dựa vào tên thương hiệu”- vị này nói.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.