Dịch Covid -19 bùng phát trong khu công nghiệp: Công nhân chồng chất khó khăn

Thùy Anh Thứ tư, ngày 19/05/2021 06:06 AM (GMT+7)
Dịch Covid -19 khiến nhiều công nhân, lao động đối mặt với tình trạng thiếu việc làm, giảm thu nhập. Nhiều người còn đối diện với nguy cơ nhiễm bệnh khi đi làm. Chưa bao giờ đời sống của công nhân lao động lại khó khăn như lúc này.
Bình luận 0

"Cái khó bó cái khôn"

Chị Nguyễn Thị N là công nhân của Công ty TNHH Hosiden Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang). Dù không thuộc diện F1 hay F2 phải cách ly tại nhà nhưng chị N vẫn phải nghỉ làm vì gia đình nơi chị ở Thuận Thành (Bắc Ninh) - nằm trong khu vực phong tỏa.

Dịch Covid -19 bùng phát trong khu công nghiệp: Công nhân chồng chất khó khăn - Ảnh 1.

Công nhân một công ty may ở TP.Hải Phòng thực hiện giãn cách trong lúc làm việc. Ảnh: P.V

Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quyết định dành kinh phí trên 1,5 tỷ đồng để tổ chức một số đợt thăm hỏi, tặng quà công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn hoặc bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19. Dự kiến tặng 1.550 suất quà trị giá 1 triệu đồng/suất. Đồng thời dành kinh phí 1 tỷ đồng hỗ trợ cán bộ công nhân, viên chức 10 bệnh viện đang bị cách ly, phong tỏa. Mỗi đơn vị 100 triệu đồng.

Chị N chia sẻ: "Trước đây mình đã phải giãn cách, nghỉ việc luân phiên vì dịch rồi, giờ lại nghỉ dịch do địa phương phong tỏa. Cuộc sống thì khó khăn. Nghỉ việc thu nhập giảm, lương của cả vợ chồng chỉ được hơn 10 triệu đồng/tháng. Nhà thuê, lại phải nuôi thêm 2 con ăn học khiến gia đình tôi kiệt quệ".

Cùng chung khó khăn, chị Đào Thị Giang (42 tuổi), công nhân Công ty TNHH Crystal Martin, KCN Quang Châu (Việt Yên, Bắc Giang) cũng không biết thời gian tới lấy gì sinh sống. Chị thuộc diện F1 phải đi cách ly bắt buộc. Chồng chị làm nghề tự do nhưng nay thuộc diện F2 cũng phải cách ly tại nhà. Không đi làm, không có thu nhập trong khi đó, anh chị còn phải nuôi 2 con nhỏ, một mẹ già.

Dự kiến số ca bệnh trong khu công nghiệp còn tăng

"Do đặc thù khu công nghiệp có số lượng đông công nhân lao động, lại có sẵn nguồn bệnh nên khả năng lây lan dịch rất cao. Theo thống kê của Bộ Y tế, từ ngày 27/4 đến nay dịch đã lây ra 26 tỉnh, thành phố trong cả nước với 1.177 ca mắc mới. Theo báo cáo từ các cấp công đoàn, đến 20 giờ ngày 17/5/2021 đã có 366 ca dương tính là công nhân lao động các doanh nghiệp và khu công nghiệp tại tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội (7 ca); Bắc Giang (310 ca); Bắc Ninh (11 ca); Hưng Yên (1 ca); Phú Thọ (1 ca); Đà Nẵng (36 ca). Dự báo số công nhân, lao động bị nhiễm Covid -19 sẽ còn tăng lên".

Bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động

(Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)

Kiến nghị đảm bảo tiền lương, hỗ trợ giáo viên tư thục

"Dịch khá căng thẳng, số công nhân lao động phải giãn việc, nghỉ việc cách ly khá nhiều. Nhiều công ty vẫn hỗ trợ trả lương cho người lao động, mức lương theo thỏa thuận. Tuy nhiên với giáo viên trường tư thục nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch thì không có lương.

Vì vậy chúng tôi kiến nghị ngoài hỗ trợ nhóm công nhân, lao động, đoàn viên công đoàn thuộc diện F0; F1; F2 và người đang nằm trong khu vực phong tỏa có hoàn cảnh khó khăn, Tổng liên đoàn nên có cơ chế hỗ trợ đoàn viên là giáo viên tại các trường tư thục mất việc do không đứng lớp. Hiện tại qua khảo sát, Bắc Giang có khoảng 1.600 - 1.800 người trong diện này".

Ông Nguyễn Văn Cảnh -

Chủ tịch Liên đoàn Lao động Bắc Giang

Trăn trở nỗi lo cơm áo, gạo tiền

"Mình vừa đi cách ly vừa lo không đi làm thì biết lấy đâu ra tiền. Nhà mình ở gần cuối Bắc Ninh, cả đi về mấy chục cây số, nhưng đó không phải vấn đề. Giờ mình lo nhất là nghỉ việc sợ không có lương, không có tiền lo cho các con. Trước đi làm, dù tăng ca có mệt, có ốm sốt, nắng mưa vẫn vui vì có tiền. Tháng trước đi làm vẫn nhận đủ lương, tháng này đi làm ít, lại phải cách ly không biết công ty có trả lương không. Cả nhà chỉ còn vài triệu đồng, vợ nhắn "để em lo", nhưng mình biết không phải thế. Hy vọng công đoàn và địa phương có hỗ trợ tiền để gia đình bớt khó khăn".

Anh Võ Văn Tân (35 tuổi) - Công ty Hoshiden Bắc Giang (KCN Quang Châu, Việt Yên, Bắc Giang)

"Nỗi lo bị bệnh chưa qua thì nỗi lo cơm áo, gạo tiền, điện nước... lại ập tới. Hôm qua chồng tôi còn tâm sự nhà hết đồ ăn, tiền cũng hết, anh mới phải gọi về quê vay gia đình mấy triệu sống qua dịch"- chị Giang chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Cảnh - Chủ tịch Liên đoàn Lao động Bắc Giang cho biết, tính tới 18/5, toàn tỉnh đã có 411 trường hợp là F0 (chủ yếu là công nhân); 136.000 công nhân lao động trong 4 khu công nghiệp đã phải nghỉ việc do cách ly hoặc tạm ngừng hoạt động liên quan đến dịch Covid -19.

Ông Cảnh nhận định Bắc Giang có nhiều khó khăn như số ca dương tính tăng nhanh, lượng công nhân lao động đông, yêu cầu xét nghiệm và sàng lọc lớn nhưng có bộ phận không nhỏ công nhân lao động không muốn xét nghiệm.

"Nguyên nhân là do đời sống công nhân lao động khó khăn, nhiều người sợ nghỉ việc không có lương nên không khai báo y tế trung thực, không muốn xét nghiệm. "Cái khó bó cái khôn" điều này khiến cho công tác phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn"- ông Cảnh thông tin.

Trước tình hình đó, từ 0 giờ ngày 18/5, UBND tỉnh Bắc Giang đã tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp để ngăn chặn đà lây lan dịch Covid -19, cụ thể là: Khu công nghiệp Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng.

Hỗ trợ toàn diện cho công nhân, lao động

Ngoài Bắc Giang, Bắc Ninh cũng là tỉnh trong vùng tâm dịch. Bà Nguyễn Thị Vân Hà - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh trăn trở: Cán bộ công đoàn cơ sở, khu công nghiệp và doanh nghiệp mấy tuần qua cũng căng mình để nắm địa bàn, hỗ trợ công nhân. Thế nhưng họ cũng chưa thể hỗ trợ hết vì số lượng công nhân cần hỗ trợ nhiều quá. Thống kê chưa chính thức, cả tỉnh Bắc Ninh có 5.271 công nhân, lao động thuộc 7 xã nằm trong diện phong tỏa không thể đi làm. Số này bao gồm cả các trường hợp là F1, F2, F3.

Nguy cơ nhiễm bệnh cao, nguy cơ giảm việc, giảm thu nhập càng cao hơn khiến công nhân đối mặt với nhiều khó khăn. Trước tình thế này, liên đoàn lao động tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp toàn diện để hỗ trợ công nhân, lao động.

"Ngày 15/5 vừa qua, chúng tôi đã trích nguồn quỹ tiết kiệm của công đoàn chi hỗ trợ với công nhân lao động thuộc diện F0 là 3 triệu đồng; ca F1 là 1 triệu đồng. Ngoài ra với những đối tượng trong diện cách ly phong tỏa tại nhà chúng tôi cũng hỗ trợ 5kg gạo"-bà Hà thông tin.

Tuy nhiên, cũng theo bà Hà, số tiền và hiện vật hỗ trợ đó còn quá ít ỏi, chưa thể giải quyết hết khó khăn của phần đa công nhân lao động. Liên đoàn lao động tỉnh cũng đang tiếp tục làm việc với các đơn vị, chủ nhà trọ... kêu gọi thêm nguồn lực hỗ trợ, giảm tiền điện, nước, tiền nhà trọ, nguồn thực phẩm... cho công nhân.

"Chúng tôi kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động sớm có quyết định hỗ trợ công nhân lao động là F0; F1; F2, tạo điều kiện công nhân, lao động yên tâm thực hiện cách ly phòng dịch. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tăng đàm phán với công ty để công ty có chính sách hỗ trợ công nhân, lao động, đảm bảo tuyệt đối không để doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động, nhất là từ nay tới lúc bầu cử"- bà Hà nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem