Kể từ sau Tết Nguyên Đán, miền Bắc bước vào đợt mưa rét kỷ lục trong những năm gần đây và dự báo sẽ kéo dài đến hết tháng 2/2022. Hiện tượng thời tiết cực đoan, kèm với đó là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khi mỗi ngày ghi nhận 5 - 7 nghìn ca tại Hà Nội và giá xăng tăng đã ảnh hưởng lớn đến giá cả thực phẩm tại thủ đô.
Giá rau tăng 2-3 lần, các loại thịt tăng nhẹ
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các chợ dân sinh như Nghĩa Tân, Xuân Đỉnh… ngày 24/2, các loại rau, củ đều tăng cao.
“Từ cuối tuần trước khi mưa rét kéo dài, giá rau tăng cao hơn những ngày thường gấp 2-3 lần so với thời điểm này của năm trước. Đồng thời, hàng cũng không có nhiều nên giá cứ thế tăng mạnh. Tiểu thương như chúng tôi, lãi vẫn vậy mà giá tăng cao người dân kêu quá!”, chị Hà - tiểu thương tại chợ Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm) chia sẻ với phóng viên Dân Việt.
Cụ thể, các loại rau xanh như cải cúc 10.000đ/bó, rau cần giá 15.000đ/bó, rau diếp thơm 28.000đ/kg, rau bắp cải trắng, cải thảo có giá 26.000đ/kg. Hành lá hiện có giá 15.000đ/kg, rau thơm khoảng 45.000đ/kg, giá cà chua 30.000đ/kg. Riêng rau súp lơ xanh có giá cao nhất 50.000đ/kg.
Do dịch Covid-19 tăng cao ở Hà Nội nên giá các loại nguyên liệu xông cũng đắt đỏ và thậm chí một số không có hàng để bán.
Trong đó, củ sả hiện nay có giá dao động 40.000 - 50.000đ/kg, gừng là 40.000đ/kg, rau tía tô cũng tăng lên 50.000đ/kg. Đặc biệt, tiểu thương còn bán gừng, sả, rau tía tô theo bó chỉ việc xông với giá 50.000đ.
Chị Trần Thị Lý - tiểu thương bán rau tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) cho biết, thời điểm này nguồn hàng khan hiếm, tiểu thương phải cam kết nhập số lượng đều mỗi ngày thì mới có hàng để bán, giá tăng cao nhưng không dễ nhập hàng.
Không chỉ giá rau tăng mà thịt lợn được bán ở những chợ dân sinh cũng tăng nhẹ so với thời điểm này của năm trước. Theo đó, thịt lợn ba chỉ hiện có giá cao nhất đến 190.000đ/kg, chân giò 170.000đ/kg, thịt nạc 150.000đ/kg. Thịt bò gần như là mặt hàng bình ổn nhất ở thời điểm hiện tại với giá dao động từ 240.000 - 310.000đ/kg.
Trong khi đó, ở một số siêu thị như Vinmart, BigC giá rau củ và thịt lợn vẫn được giữ bình ổn. Tuy nhiên, những mặt hàng này ở siêu thị thường có giá cao hơn chợ dân sinh nên thời điểm này gần như chợ và siêu thị giá các mặt hàng thực phẩm cao như nhau.
“Từ sau Tết, ngày nào tôi cũng đi chợ để mua thức ăn, nhưng trong khoảng 1 tuần trở lại đây, giá rau ở Hà Nội thực sự leo thang mạnh. Thậm chí, nếu đi chợ muộn nhiều loại rau không có hàng, phải chuyển loại khác giá cao hơn. Rau vẫn phải mua hàng ngày vì không để tủ đá được như thịt, dù giá cao vẫn phải chấp nhận mua, chỉ có điều số lượng giảm bớt thôi”, chị Nguyễn Cúc (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Như vậy, có thể thấy, rau gần như là loại thực phẩm không thể thay thế nên mức giá tăng cao gấp 2-3 lần người dân vẫn phải lựa chọn. Trong khi đó, nếu thịt tăng quá cao, tâm lý người dân sẽ chuyển sang mua cá hoặc tôm hay những thực phẩm đóng hộp thay thế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.