Dịch Covid – 19 lần 2: DN chọn cách “ngủ đông” sẽ không thể "tỉnh dậy"

Thanh Phong Thứ hai, ngày 17/08/2020 18:36 PM (GMT+7)
Theo chia sẻ của một số đại diện doanh nghiệp (DN) sản xuất, làn sóng dịch Covid – 19 lần 2 đang gây ra nhiều hậu quả khó lường. Tuy nhiên, các DN vẫn phải chọn cách cố gắng duy trì, không thể “ngủ đông”, dừng hẳn hoạt động như đợt dịch lần thứ nhất.
Bình luận 0

Dịch Covid-19 lần 2: Giảm công suất, bán máy móc để duy trì

Theo chia sẻ của đại diện Công ty Cổ phần Thời trang Thảo Quyền Quý (Cty Thảo Quyền Quý), sau khi đợt dịch Covid – 19 lần thứ nhất được kiểm soát, đơn vị này có thể hoạt động với 4 tổ máy và hơn 100 công nhân.

Tuy nhiên, ngay khi làn sóng Covid – 19 lần thứ 2 trở lại đến nay, đặc biệt, hoạt động sản xuất vụ Thu Đông đang bước vào cao điểm thì máy móc được phủ kín, dừng hoạt động hoàn toàn.

Ông Nguyễn Huy Chúc, Giám đốc Cty Thảo Quyền Quý cho biết, cuối tháng 7, khi có thông báo ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng tại Đà Nẵng, 70% đơn hàng may mặc tháng 8 và tháng 9 của DN đã bị hủy. Ngoài ra, những đơn hàng đang đàm phán ký hợp đồng cũng bị dừng lại.

Làn sóng dịch Covid – 19 lần 2, DN chọn cách “ngủ đông” sẽ không thể "tỉnh dậy" - Ảnh 1.

Nhiều DN đã phải giảm hoạt động, bán máy móc vì ảnh hưởng làn sóng dịch Covid - 19 lần thứ 2.

Theo ông Chúc, hiện tại, DN đã mang sẵn trong mình nhiều "bệnh nền" do ảnh hưởng từ đợt dịch trước. Đợt dịch thứ 2 sẽ khiến khả năng tài chính của khách hàng càng giảm, các DN đều lo ngại sức mua chưa kịp phục hồi sẽ bị nhấn chìm thêm một lần nữa. Song cũng không thể chọn cách "ngủ đông" như lần giãn cách xã hội trước đó, bởi một khi đã "ngủ" thì không dễ gì "dậy" nổi", ông Chúc chia sẻ.

Cũng theo nhận định từ phía ông Chúc, trong bối cảnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ vẫn chưa thực sự đến tay doanh nghiệp, thì việc cắt giảm tối đa tất cả chi phi cố định là điều duy nhất có thể làm lúc này.

Nếu như trước đây, người lao động nghỉ việc vì Covid-19 sẽ được công ty phát nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, mỳ… mỗi tuần, nhưng đợt dịch này chính sách trợ cấp chắc chắn phải cắt giảm. Cùng với đó, công ty cũng giảm từ 4 tổ máy xuống còn 2 tổ máy; 100 công nhân còn 70 chia nhau làm việc theo ca.

Không chỉ với DN của ông Chúc, nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng đã "ngấm đòn", làn sóng Covid – 19 lần 2. Ông Dương Văn Đông, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất két sắt Việt Tiệp và An toàn kho quỹ (Đại Từ, Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, DN này đã phải quyết định bán bớt một nhà xưởng để lấy chi phí duy trì nhà xưởng còn lại.

Theo thông tin từ ông Đông, tình trạng DN không có đơn hàng đã diễn ra gần một tháng. Trong khi đó, chi phí hoạt động mỗi tháng hàng chục đến cả trăm triệu đồng.

Không có đơn hàng mới, nhưng máy móc vẫn phải chạy để giữ nhân công và giảm hỏng hóc. Ông Đông cho hay, quỹ phòng rủi ro hay tiền vốn xoay vòng gần như cạn. Nếu không quyết định giảm công suất, bán bớt xưởng, máy móc để thu hồi vốn thì có khả năng sẽ mất trắng.

"Hiện tại, số công nhân còn 20 người, giảm đến 60% so với trước, mức lương cũng giảm xuống mức tối đa khi cắt giảm mọi trợ cấp. Trong khi, máy móc thiết bị cũng đành "đắp chiếu" nên Công ty đã quyết định rao bán số máy không hoạt động dù biết sẽ bị ép giá trong thời điểm này nhưng dù gì cũng còn có thêm khoản vốn duy trì thêm thời gian hoạt động khi đầu ra không có.

Mấy hôm nay, nhiều lượt người đến mua máy, nhưng giá rẻ quá so với đầu tư nên tôi vẫn gắng để thỏa thuận giá cao hơn. Trước mắt, số tiền bán máy có thể giúp doanh nghiệp trụ được khoảng vài tháng, còn hơn nữa thì chúng tôi chưa biết sẽ như thế nào", ông Đông thông tin.

"Giảm đau" cho DN như thế nào?

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, tổng chung các gói hỗ trợ Việt Nam đã và đang triển khai từ ngày đầu dịch Covid-19 bùng phát tới nay tương đương khoảng 2,8% GDP.

"Như vậy, có thể nói Việt Nam vẫn còn dư địa để hỗ trợ. Đặc biệt trong bối cảnh nợ công hiện giảm còn 54%, thấp hơn trần nợ công cho phép (65%). Do đó, nếu cần vẫn có thể huy động nợ công để đưa vào kích thích nền kinh tế. Vấn đề ở đây, chúng ta đặt mục tiêu phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe người dân, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm sốc và tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi năm sau.

Làn sóng dịch Covid – 19 lần 2, DN chọn cách “ngủ đông” sẽ không thể "tỉnh dậy" - Ảnh 2.

Vẫn còn dư địa để hỗ trợ DN vượt khó khăn vì dịch Covid - 19.

Chính vì vậy, nếu bơm tiền ra thông qua nợ công, cần tính toán kỹ cho dự án nào, ngành nào thực sự đang cần, và có tính lan tỏa, giải quyết nhiều lao động. Hàm mục tiêu đặt ra cho chính sách mới nếu có sẽ là đa mục tiêu, chấp nhận bội chi nhưng ở mức độ trong 1 năm hay 2 năm để không ảnh hưởng kinh tế vĩ mô và giá trị đồng nội tệ; không gây áp lực cho xuất nhập khẩu nhưng lại hỗ trợ cho doanh nghiệp có tính thanh khoản tạo ra dòng tiền, đồng thời lại hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống trong thời kỳ khó khăn", ông Kiên cho hay.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN cho biết thêm, bên cạnh việc chờ đợi sự hỗ trợ, DN cũng cần chủ động thay đổi để thích ứng, tránh nằm trong danh sách bị "khai tử".

"Doanh nghiệp đang chịu tác động kép từ làn sóng dịch lần 2, nếu xét theo ngành nghề thì sự tác động sẽ không nhiều thay đổi so với trước đó bởi trên thế giới làn sóng này vẫn diễn biến phức tạp. Cơ hội tiếp tục được trao cho những doanh nghiệp đã chuyển mình được trước đó để tận dụng cơ hội nhưng đó là con số nhỏ… Bởi lẽ đó, chúng ta sẽ tiếp tục đối diện với con số khai tử tăng chóng mặt", ông Thân cho hay.

Mới đây, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) cho hay, trong 7 tháng đầu năm 2020, có 63.461 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 10,9% so với cùng kỳ 2019. Tính trung bình mỗi tháng có 9.065 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường và mỗi ngày có hơn 300 doanh nghiệp "khai tử". Đây cũng là con số doanh nghiệp đóng cửa cao nhất trong vòng 5 năm qua mà nguyên nhân chính được xác định bởi dịch bệnh Covid-19.

Đáng lưu ý, số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh ở tất cả 17 lĩnh vực. Trong đó, đứng đầu là bất động sản, tăng 98,5%; tiếp theo là dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 71,4%, vui chơi giải trí tăng 69,9%...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem