Ông Phạm Thanh Trực, Phó trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp cho biết, trong quá trình triển khai công tác phòng, chống dịch, các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp, khu chế xuất đã phát hiện nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2. Các trường hợp này đều được báo cáo, xử lý theo quy định. Đến nay, số lượng ca nhiễm đã giảm trung bình còn 30 ca/ngày.
Theo ông Trực, tính đến ngày 21/7, có 618/2.100 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất theo phương châm "3 tại chỗ", "2 địa điểm - 1 cung đường". Các cơ quan chuyên môn đã thẩm định đối với 479 doanh nghiệp. Kết quả có 414 doanh nghiệp đủ điều kiện và 56 doanh nghiệp phải dừng hoạt động.
Theo ông Trực, thời gian đầu thực hiện quy định "3 tại chỗ", các công nhân đa phần chấp thuận nhưng thời gian sau đó, nhiều người có ý định muốn ra ngoài. Ban Quản lý đã phối hợp với ngành y tế để có quy định yêu cầu các công nhân này muốn về địa phương phải đảm bảo không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng cũng như việc doanh nghiệp muốn đưa công nhân từ bên ngoài vào để thay thế lượng công nhân đã ra về.
Phó trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp cũng cho biết hiện nay có tình trạng công nhân thực hiện "3 tại chỗ" nhưng chủ doanh nghiệp đi về hàng ngày. Đây cũng một trong những nguy cơ gây lây lan dịch bệnh từ bên ngoài vào nơi sản xuất và ngược lại.
"Chúng tôi không đồng ý vấn đề này. Chủ doanh nghiệp phải bắt buộc cùng ăn cùng ở với người lao động. Chúng tôi cũng phối hợp với Sở Y tế để hướng dẫn", ông Phạm Thanh Trực nói.
Ngày 21/7, tổ công tác Bộ Y tế cũng đã đi kiểm tra doanh nghiệp có nhiều ca nhiễm nhất vừa phát hiện tại Khu chế xuất Linh Trung 2 (TP.Thủ Đức). Theo lãnh đạo doanh nghiệp, đơn vị này có hơn 400 lao động đăng ký làm việc. Từ ngày 15-19/7 qua xét nghiệm đã phát hiện ra 87 ca mắc Covid-19, những ca này đã được đưa đi cách ly theo dõi sức khỏe. Doanh nghiệp tạm thời dừng hoạt động để ứng phó.
PGS.TS Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, thành viên tổ công tác nhận định, việc ở chung, vệ sinh chung, ăn chung, 87 ca dương tính rải rác trong tất cả các phân xưởng trở thành nguy cơ lây nhiễm rộng là rất cao. Doanh nghiệp phải khẩn cấp yêu cầu người lao động nghiêm túc thực hiện 5K, phân xưởng nào ở yên phân xưởng đó. Nếu các F1, F2 sau 14 ngày có xét nghiệm PRC âm tính thì có thể đi làm trở lại trong điều kiện doanh nghiệp phải cam kết an toàn phòng chống dịch.
Tại nhiều doanh nghiệp khác trong Khu chế xuất Linh Trung 2 xuất hiện lẻ tẻ vài ca nhiễm nhưng đã được đưa đi cách ly, điều trị, F1 cách ly tại phòng riêng ở doanh nghiệp, ông Sơn đề xuất nếu F1 đã được cách ly và xét nghiệm âm tính thì có thể để doanh nghiệp hoạt động trở lại, tuy nhiên cần phối hợp giám sát chặt chẽ. Kế hoạch phòng, chống dịch phải được chuẩn bị chi tiết, phân công cụ thể nhiệm vụ từng cá nhân trong Tổ Covid-19 của công ty.
Tại doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu nhưng vẫn sử dụng xe đưa đón lao động từ chỗ ở đến chỗ làm, ông Sơn đặc biệt lưu ý doanh nghiệp phải kiểm soát chặt chẽ cả lúc công nhân về chỗ nghỉ. Khi lên xe đưa đón lên theo thứ tự, đảm bảo đầy đủ 5K. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm kết nối, giám sát việc thực hiện quy định phòng, chống dịch trong lao động của mình khi đưa họ về các khu nhà nghỉ, nhà trọ. Định kỳ tổ chức xét nghiệm, khi phát hiện có ca nhiễm phải kích hoạt phương án phòng, chống dịch đã lập sẵn ngay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.