Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp: “Bao đê” chặt, không để dịch lan rộng

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 08/08/2020 06:00 AM (GMT+7)
Sau 12 ngày (từ 25/7), “vệt” dịch Covid-19 từ Đà Nẵng đã lây lan ra 12 tỉnh, thành phố khác. Nếu như các tỉnh, thành phố không đẩy mạnh xét nghiệm, phát hiện sớm các ca bệnh, khoanh vùng, dập dịch thì nguy cơ dịch sẽ lan rộng hơn.
Bình luận 0

Tình hình dịch phụ thuộc vào hành động của chúng ta

Bộ Y tế cho biết, từ ngày 25/7 đến nay, trong 12 ngày, đã ghi nhận 335 trường hợp mắc Covid-19 (cao gần bằng 7 tháng trước đó), trong đó có 37 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài và 298 trường hợp lây nhiễm trong nước tại 13 tỉnh, thành phố (các trường hợp mới được phát hiện này đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch tại Đà Nẵng, F1 là 118 người).

Bộ Y tế cho biết, đợt dịch lần này với ổ dịch là TP.Đà Nẵng và tâm dịch lớn nhất tại Bệnh viện Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh với 186 trường hợp, đa số là bệnh nhân các khoa Nội Thận Tiết niệu, Hồi sức tích cực, Nội Thần kinh, người chăm sóc bệnh nhân, nhân viên y tế.

Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp: “Bao đê” chặt, không để dịch lan  rộng - Ảnh 1.

Lực lượng y tế tại Quảng Trị lấy mẫu xét nghiệm nhanh với người có nghi ngờ, sau khi tỉnh này có 2 ca bệnh Covid-19. Ảnh: NGỌC VŨ

Các tỉnh chuẩn bị phương án xét nghiệm diện rộng

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị tất cả các tỉnh, thành trong cả nước chuẩn bị nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cho tình huống dịch lan rộng. Các địa phương phải lên kế hoạch chi tiết các kịch bản, phân rõ cơ sở nào điều trị bệnh nhân dương tính, cơ sở nào để cấp cứu… đặc biệt, phải có phương án chuẩn bị nhân lực, đảm bảo phòng hộ cho nhân viên y tế. Sở Y tế 63 tỉnh, thành rà soát lại các cơ sở xét nghiệm trên địa bàn, chuẩn bị phương án có thể xét nghiệm trên diện rộng với các trường hợp nghi ngờ để kịp thời phát hiện sớm, ngăn chặn dịch kịp thời".

Ngoài ra, cũng đã xuất hiện nhiều ổ dịch nhỏ khác có nguy cơ lây nhiễm và bùng phát với 20 trường hợp được phát hiện ở Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác là các trường hợp đi tham quan, du lịch, làm việc tại Đà Nẵng trở về. Có thể nhận thấy, tốc độ lây lan của chủng virus lần này tại Bệnh viện Đà Nẵng nhanh và phát tán rộng hơn nhiều lần. Tính tới thời điểm hiện tại, dịch bắt nguồn từ Đà Nẵng và đã lan ra 12 tỉnh, thành phố.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 nhận định, nguy cơ dịch bệnh đang thường trực ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nguy cơ này trước hết là những người từ Đà Nẵng về địa phương. Do đó, các tỉnh, thành phố phải thực hiện thật nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, Ban chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế về theo dõi, cách ly người về từ Đà Nẵng theo đúng quy định.

Nhận định về tình hình dịch Covid-19, GS Nguyễn Anh Trí - Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa 14 cho biết, việc bùng phát dịch Covid-19 ở Việt Nam xảy ra hiện nay không có gì đáng ngạc nhiên, giật mình.

"Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có một hình ảnh so sánh rất hay, chúng ta đang ở vùng trũng, chung quanh nước cao, phải đắp đê chặt lại. Nhưng nước chung quanh to quá, thế giới mỗi ngày ghi nhận hàng trăm nghìn ca mắc thì sẽ bị "rò rỉ". Vừa qua, tôi cho là mới "rò rỉ" chứ không phải "vỡ đê". Tuy nhiên sự rò rỉ này là nghiêm trọng" - GS Trí nhận định.

GS Trí phân tích, dịch Covid-19 ở Việt Nam lần này nghiêm trọng là do virus SARS-Cov-2 ngoại lai đã biến thể, lây lan nhanh hơn trước nhiều. Dịch xảy ra ở một thành phố du lịch lớn, vào chính vụ du lịch và đặc biệt là sau một thời gian khá dài bị "giãn cách xã hội" nên nhu cầu đi du lịch tăng lên rất cao. Đặc biệt, nó đã xảy ra trước hết và nhiều nhất là trong các bệnh viện nơi có nhiều bệnh nhân nặng.

Vừa qua khi những người đi du lịch từ Đà Nẵng trở về các địa phương, việc cách ly, phân luồng, làm xét nghiệm đã có một chút chưa kịp thời và đúng cách; nên dẫn đến họ đã trở về nhà, về với cộng đồng vì vậy việc kiểm soát dịch có thể là khó khăn hơn. Thực tế thấy dần dần đã có nhiều tỉnh thành công bố có trường hợp dương tính với SARS-Cov-2, đó chính là hậu quả của chút chậm trễ ban đầu này.

"Việc "rò rỉ" này có trở nên "vỡ trận" hay không thì phụ thuộc vào chính thái độ, sự quyết tâm, sự đồng lòng của chúng ta trong giai đoạn này" - GS Trí khẳng định.

Nắm chắc "chìa khóa" ngăn chặn dịch

Sáng 7/8, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Khoanh vùng, cách ly xã hội nghiêm ngặt tất cả những nơi được coi là ổ dịch. Xét nghiệm nhanh, chính xác là chìa khóa ngăn chặn dịch lây lan. Các địa phương có dịch phải dành phương tiện, nguồn lực cho việc này.

Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp: “Bao đê” chặt, không để dịch lan  rộng - Ảnh 3.

Phong tỏa một khu phố ở phường Quảng Vinh, TP.Sầm Sơn (Thanh Hóa) nơi có một ca mắc Covid-19. Ảnh: Hữu Dụng

* Hà Nội xử phạt người không đeo khẩu trang tại nơi công cộng: Từ ngày 7/8, TP.Hà Nội triển khai các lực lượng xử phạt đối với những người không đeo khẩu trang tại các khu vực công cộng. Trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng về tình hình dịch bệnh và công tác xét nghiệm... TP.Hà Nội sẽ đề xuất các biện pháp mạnh mẽ hơn để tiếp tục phòng ngừa không để dịch lây lan trong cộng đồng.

* Quảng Trị phong tỏa 3 điểm liên quan đến 2 ca bệnh: Trưa 7/8, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, tỉnh đã thống nhất phong tỏa và giãn cách xã hội đối với 3 địa điểm liên quan đến 2 ca bệnh mắc Covid-19. Đó là: Khu phố 1, phường Đông Lễ, TP.Đông Hà, nơi sinh sống của bệnh nhân 750; thôn Đơn Duệ, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh - nơi thường trú của bệnh nhân 749; Khối nhà Trung tâm Y tế Dự phòng cũ huyện Vĩnh Linh - nơi có liên quan đến bệnh nhân 749.

L.A

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế điều phối, hỗ trợ kịp thời cả phương tiện, năng lực xét nghiệm, vật tư, nhân lực, chuyên môn cho các địa phương. Phải bảo đảm đủ thiết bị, vật tư y tế cho các địa phương có dịch, không để thiếu sinh phẩm, vật tư y tế...

Theo các chuyên gia y tế, đẩy nhanh xét nghiệm, truy vết Covid-19 là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn dịch. Vì xét nghiệm tìm được ca bệnh Covid-19 càng sớm thì việc khoanh vùng, cách ly càng nhanh hơn, chặn được dịch bệnh lây lan.

Do đó, ngay từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên (bệnh nhân 416) tại Đà Nẵng, Bộ Y tế đã đưa ra các phương án nâng cao năng lực xét nghiệm. Tốc độ xét nghiệm cao gấp gần 3 lần so với thời kỳ cao điểm hồi tháng 4/2020.

Riêng tại Hà Nội, trong những ngày qua đã xét nghiệm nhanh cho hơn 72.000 trường hợp, tất cả test dương tính đều cho kết quả âm tính khi xét nghiệm lại bằng kỹ thuật RT-PCR (xét nghiệm tại phòng thí nghiệm, cho kết quả xét nghiệm chính xác 100%) đối với những người về từ Đà Nẵng, trong đó đã tiến hành xét nghiệm RT-PCR cho 586 trường hợp, trong đó có 582 mẫu âm tính.

Tuy nhiên, do độ chính xác của xét nghiệm nhanh không cao nên thời gian qua, Hà Nội đã để "tuột" mất bệnh nhân 714, khi xét nghiệm nhanh cho kết quả âm tính. Bệnh nhân này không cách ly mà đi làm, sinh hoạt bình thường, sau đó bị ho, sốt và kết quả xét nghiệm PCR khẳng định người này mắc Covid-19. Do đó, số lượng F1, F2 liên quan đến bệnh nhân này khá lớn.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng thừa nhận, độ nhạy và độ chính xác của test nhanh cũng ở mức tương đối vì test chủ yếu tìm kháng thể. Chính vì thế, trường hợp của bệnh nhân 714 mặc dù đã được test nhanh có kết quả âm tính, nhưng khi xét nghiệm PCR vẫn có kết quả dương tính.

"Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của Hà Nội xác định test nhanh là giải pháp để kịp thời khoanh vùng những trường hợp dương tính, từ đó có những biện pháp chặt chẽ hơn, chứ không phải là biện pháp duy nhất để chúng ta xác định ca bệnh" - ông Chung nói.

Do đó, để khẳng định kết quả chính xác hơn, không bỏ sót đối tượng nguy cơ, từ ngày 7/8, Hà Nội giao tất cả các trạm y tế phường, xã đảm nhận, lấy mẫu dịch hầu và dịch họng để làm xét nghiệm PCR đối với các trường hợp đi từ Đà Nẵng từ ngày 15 -29/7. Phấn đấu từ ngày 7 đến 13/8, lấy được từ 60.000-65.000 mẫu. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem