Dịch sốt xuất huyết nóng từng ngày, các địa phương "khóc ròng" vì thiếu thuốc

Bạch Dương Thứ hai, ngày 20/06/2022 10:48 AM (GMT+7)
Số ca mắc sốt xuất huyết tại khu vực phía Nam đang tăng lên từng ngày. Nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng là rất lớn nhưng các địa phương gặp khó từ hóa chất diệt muỗi đến dịch truyền điều trị và nhân sự.
Bình luận 0
Dịch sốt xuất huyết nóng từng ngày, các địa phương "khóc ròng" vì thiếu thuốc - Ảnh 1.

Các ca sốt xuất huyết nặng tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. Ảnh: B.D

Cố gắng cầm cự

Tháng 9/2019, nhiều bệnh viện ở Đồng Nai, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu "kêu cứu" vì thiếu dung dịch cao phân tử điều trị sốt xuất huyết. Thời điểm đó, đơn vị nhập khẩu phản hồi với các bệnh viện, họ không thể cung cấp thuốc do hết hạn đăng ký visa.

Tháng 6/2022, dịch sốt xuất huyết ngấp nghé bùng phát với gần 40 người tử vong, tập trung ở các tỉnh phía Nam. Dung dịch cao phân tử lại thiếu và thực tế đã thiếu trong 2 năm (2021, 2022). Tình trạng này xảy ra trên toàn quốc.

Theo phác đồ của Bộ Y tế, bệnh nhân sốc sốt xuất huyết nặng được truyền dung dịch cao phân tử gồm Dextran 40, Dextran 70, HES 200.000 dalton. Nhưng 3 loại dịch truyền trên đều khan hiếm. Bộ Y tế cho phép cơ sở y tế sử dụng HES 130.000 dalton để thay thế.

Nhiều bác sĩ khẳng định, HES 130.000 không thể hiệu quả bằng Dextran 40, 70 và HES 200.000. Dù vậy, họ không còn phương án khác.

Tại Đồng Nai đã ghi nhận 5 ca tử vong, chỉ sau Bình Dương và TP.HCM, hiện Bệnh viện Nhi Đồng Nai đang điều trị cho 130 bệnh nhi sốt xuất huyết với 30 ca sốc, tụt huyết áp. Bệnh viện này cũng đang phải sử dụng HES 130.000.

Tại TP.HCM, nhiều bệnh viện cũng đều dùng HES 130.000 dalton cho bệnh nhân sốc sốt xuất huyết. Dược sĩ Lê Phước Thành Nhân, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho hay, thuốc đã cạn nguồn cung ứng 2 năm qua. Mới đây, bệnh viện còn phải tiêu hủy vài chục chai Dextran 40 vì hết hạn sử dụng.

"Khi có thuốc thì không có người bệnh sốt xuất huyết nặng, thuốc bỏ không. Khi dịch bùng phát, thuốc lại khan hiếm. Sở Y tế TP.HCM đã đăng ký mua Dextran 40 cho các bệnh viện nhưng phải chờ đặt hàng từ 6-8 tháng để đơn vị sản xuất cung ứng", bác sĩ chia sẻ.

Cũng ở An Giang, dịch truyền cao phân tử cho bệnh nhân sốt xuất huyết chỉ cầm cự trong 1-2 tháng nữa. Đây là điều rất nguy hiểm vì theo dự báo của địa phương, khoảng hơn 1 tháng nữa dịch sốt xuất huyết sẽ vào cao điểm, ca nặng tăng, dịch truyền cần nhiều.

Đây là khó khăn chung trên cả nước. Theo Viện Pasteur TP.HCM, ở 5 địa phương Viện khảo sát thì các trung tâm y tế huyện đều thiếu dịch truyền cao phân tử. "Các Trung tâm y tế không có vũ khí chăm sóc bệnh nhân ngay từ giây phút đầu tiên", bác sĩ Lương Chấn Quang lo ngại.

TS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng, dung dịch HES 130.000 dalton đang dùng khó có thể đảm bảo hiệu quả như các cao phân tử cũ (Destran 40, 70, HES 200.000), nhưng đây là tình thế bắt buộc.

Hiện nay, chỉ có Thái Lan sản xuất dung dịch cao phân tử Dextran 40, 70. Thời gian từ đặt hàng đến cung ứng kéo dài, sớm nhất tháng 12/2022 mới có thể có thuốc.

Điểm khó là, dịch truyền này chỉ dùng riêng cho bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, không thể điều chuyển điều trị bệnh lý khác. Hạn sử dụng ngắn, khi không có bệnh nhân nặng cần dùng, sẽ phải tiêu hủy thuốc vì hết hạn.

Một chuyên gia hồi sức nhi đề xuất, nên tính toán cơ chế đặc biệt với dung dịch cao phân tử này. Ví dụ, mua thuốc với mục tiêu chống dịch rồi xây dựng một kho thuốc chống dịch chung cho các cơ sở y tế. Thay vì hiện nay, bệnh viện phụ thuộc vào các công ty nhập khẩu, tốn thời gian đặt hàng nhưng công ty không mặn mà. Họ lo ngại, nếu hết dịch thuốc bị dồn ứ thì sẽ lỗ.

Dịch sốt xuất huyết nóng từng ngày, các địa phương "khóc ròng" vì thiếu thuốc - Ảnh 3.

Kiểm tra các điểm nóng sốt xuất huyết tại huyện Hóc Môn. Ảnh: P.V

Thiếu cả hoá chất diệt muỗi lẫn con người

Bác sĩ Lương Chấn Quang, Viện Pasteur TP.HCM cho biết, tính đến thời điểm này, khu vực phía Nam ghi nhận gần 40.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết nhập viện, gần 40 ca tử vong. Đặc biệt, số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh trong 4 tuần trở lại đây, chiếm gần 50% số ca mắc và 45% ca tử vong từ đầu năm. Đại diện Viện Pasteur cho hay, năm 2022 có rất nhiều nguy cơ có thể dẫn đến bùng dịch sốt huyết. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch ở cơ sở gặp rất nhiều khó khăn.

Cụ thể, các địa phương thiếu mức chi tiền công diệt lăng quăng, thuê phun hóa chất, không được duyệt kinh phí này. Để khắc phục, các Trung tâm Y tế sử dụng xe phun xịt công suất lớn để giảm tiền thuê người. Thế nhưng, bất lợi là xe không thể di động vào từng hộ gia đình xịt hóa chất diệt muỗi.

Về nhân sự y tế, sau dịch Covid-19, nhân viên y tế xin nghỉ nhiều nên cán bộ chuyên trách phòng chống sốt xuất huyết đều mới, không có kinh nghiệm. Thực tế này diễn ra tại tỉnh Bình Dương và nhiều nơi khác. Theo đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Bình Dương, tỉnh hiện ghi nhận hơn 4.000 ca sốt xuất huyết, 8 ca tử vong. Nhân sự trạm y tế xã phường trên toàn tỉnh thiếu hơn 500 biên chế.

Trong khi đó, trạm y tế vừa chống dịch sốt xuất huyết, vừa phải lo tiêm vắc xin, không thể khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, kéo theo không có kinh phí hoạt động. "Đó là vòng luẩn quẩn, rất tội cho anh em 91 trạm y tế hiện nay", đại diện CDC Bình Dương nói.

Hầu hết các địa phương đang gặp khó về hoá chất diệt muỗi. Thạc sĩ Quang cho hay, nhiều nơi, hóa chất dự trù năm 2022 chỉ hoàn toàn nằm trên giấy.

Về nội dung này, đại diện CDC An Giang chia sẻ, hóa chất diệt muỗi đã bắt đầu thiếu. Việc đấu thầu đã được thực hiện nhưng phải hủy thầu do không đạt. Để giải quyết trước mắt, các huyện được chỉ định thầu rút gọn (giá trị dưới 100 triệu) để tự xử lý, tuy nhiên các địa phương đang có tâm lý… sợ đấu thầu.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã đề nghị Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý dược giải quyết khẩn trương việc mua thuốc, dịch truyền cung cấp cho các tỉnh thành. Bà cũng đồng ý thành lập Ban chuyên môn kỹ thuật phòng chống sốt xuất huyết khu vực phía Nam.

Ngày 20/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, trong tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết vẫn đang có xu hướng gia tăng. Tính đến ngày 16/6, thành phố ghi nhận 16.057 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 117,3% với cùng kỳ năm 2021, số ca nặng là 274 ca. Trong tuần ghi nhận 1 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay lên 9 ca.

Số ca sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao ở tất cả các quận huyện và TP.Thủ Đức. Những phường xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường Tân Hưng Thuận, Thạnh Lộc (quận 12); phường Linh Xuân (TP.Thủ Đức); xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh); xã Trung Chánh (huyện Hóc Môn).

Đến 16/6, toàn thành phố ghi nhận 136 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 77 phường, xã thuộc 16/22 quận huyện và TP.Thủ Đức, tăng 13 ổ dịch mới so với tuần trước. Tổng số ổ dịch được xử lý phun hoá chất trong tuần là 257 ổ dịch và có 1 phường, xã xử lý ổ dịch diện rộng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem