22 ca tử vong do sốt xuất huyết, dấu hiệu nhận biết biến chứng nguy hiểm cần đi viện

Diệu Linh Chủ nhật, ngày 12/06/2022 06:08 AM (GMT+7)
Bộ Y tế cho biết, hiện đã có 22 ca tử vong (tăng 17 ca so với cùng kỳ năm 2021). Hầu hết các ca sốt xuất huyết sẽ tự khỏi, tuy nhiên, 1 số ca biến chứng mà người dân cần nhận biết dấu hiệu nguy hiểm để đi viện.
Bình luận 0

Sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng mạnh

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm đến nay (ngày 11/6) cả nước ghi nhận 43.628 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 22 trường hợp tử vong tại TP Hồ Chí Minh (6), Bình Dương (5), Tây Ninh (3), Đồng Nai (3), Đồng Tháp (1), Sóc Trăng (1), Bạc Liêu (1), Long An (1), Bình Phước (1).

So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 53%, tử vong tăng 17 trường hợp. Trong đó, số mắc và tử vong tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam.

22 ca tử vong do sốt xuất huyết, dấu hiệu nhận biết biến chứng nguy hiểm cần đi viện  - Ảnh 1.

Số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng cao. Diệt muỗi là cách tốt nhất để bảo vệ khỏi mắc sốt xuất huyết. Ảnh minh họa BYT

Bộ Y tế cảnh báo hiện nay đang là cao điểm mùa dịch số mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây, dự báo số mắc thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản đề nghị ngành y tế các tỉnh, thành thực hiện mạnh mẽ chiến dịch truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 12 (ngày 15/6/2022) với chủ đề "Đẩy lùi bệnh sốt xuất huyết".

Tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng chống sốt xuất huyết; Tuyên truyền để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt;

Tổ chức tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ y tế làm công tác điều trị tại tất cả các tuyến đồng thời tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt lăng quăng (bọ gậy), xử lý ổ dịch... cho cán bộ y tế dự phòng.

22 ca tử vong do sốt xuất huyết, dấu hiệu nhận biết biến chứng nguy hiểm cần đi viện  - Ảnh 2.

Những vật có thể chứa nước làm ổ cho muỗi đẻ trứng, phát triển cần phải dẹp bỏ. Ảnh minh họa BYT

3 sai lầm khiến người mắc sốt xuất huyết diễn biến nặng

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hiệp, Khoa A4B (Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Quân đội 108), phần lớn các trường hợp bệnh diễn tiến nặng do người bệnh chủ quan, tự điều trị tại nhà.

Bác sĩ Hiệp cho biết, người mắc sốt xuất huyết thường có 3 sai lầm:

Sai lầm 1: Chủ quan không đi khám bệnh

Sốt xuất huyết được chia thành 3 mức độ: nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Mặc dù mức độ nhẹ có thể được chỉ định theo dõi tại nhà nhưng người bệnh vẫn cần đi khám để được chẩn đoán và theo dõi vì bệnh có thể tiến triển từ mức độ nhẹ sang nặng.

Đối với sốt xuất huyết ở mức độ nặng có thể gây ra biến chứng nặng như xuất huyết nội tạng, tổn thương não, tổn thương gan thận, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời.

Sai lầm 2: Hết sốt là khỏi bệnh

Sự thực là sau giai đoạn sốt cao lại chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh. Sau 2-7 ngày, phần lớn người bệnh đã hết sốt và cảm thấy dễ chịu hơn nhưng đây lại là giai đoạn tiểu cầu giảm nặng và thoát huyết tương.

22 ca tử vong do sốt xuất huyết, dấu hiệu nhận biết biến chứng nguy hiểm cần đi viện  - Ảnh 3.

Những triệu chứng mắc sốt xuất huyết. Ảnh minh họa BYT

Triệu chứng bắt đầu nhận rõ như: xuất huyết dưới da, chảy máu cam,… Tùy vào mức độ cũng như biến chứng của bệnh có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, sốc dengue, thậm chí tử vong.

Chính vì vậy, đây là giai đoạn cần được bác sĩ theo dõi sát sao và bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tuyệt đối, hạn chế vận động nặng, đi lại nhiều.

Sai lầm 3: Sốt xuất huyết chỉ mắc bệnh 1 lần trong đời

Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 týp, ký hiệu là D1, D2, D3, D4. vì vậy có thể hiểu rằng: một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời với 4 týp virus khác nhau.

Bác sĩ Hiệp khuyến cáo, khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Trong 3-4 ngày đầu, nếu có chỉ định theo dõi tại nhà, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ những lời khuyên sau:

- Nằm nghỉ ngơi;

- Ăn thức ăn dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa; uống nhiều nước, có thể cho bệnh nhân uống dung dịch Oresol, nước trái cây càng tốt;duy trì 1500-2500ml nước / ngày

- Uống thuốc hạ sốt, lưu ý chỉ được hạ sốt bằng paracetamol chứ không được dùng Ibuprofen hoặc Aspirin vì có nguy cơ gây chảy máu đồng thời chườm mát cho người bệnh;

- Theo dõi liên tục, nếu thấy bệnh nhân có diễn biến nghiêm trọng hơn như li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều thì cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế.

- Nếu không có diễn biến bất thường cũng cần đến khám lại theo hẹn của bác sỹ.

Mời các bạn xem video: Cách phát hiện sớm các dấu hiệu mắc sốt xuất huyết.

Cách phát hiện sớm các dấu hiệu mắc sốt xuất huyết. Nguồn HCDC

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem