Điểm 10 văn và "Đại gia Gatsby"

Nguyễn Hoàng Diệu Thủy Thứ sáu, ngày 28/08/2020 11:30 AM (GMT+7)
Thật kỳ lạ, người ta vừa ca tụng môn văn và làm cho nó thành sang chảnh, nhưng đồng thời cũng rẻ rúng nó. Ví dụ, điểm 10 văn thì tung hô, nhưng nếu cô cậu bé nào đó muốn đi theo nghiệp văn, thì sẽ bị cấm cản vì lý do, làm văn thì lấy gì mà sống.
Bình luận 0

Cứ mỗi lần ở đâu đó xuất hiện một điểm 10 môn văn là y như rằng xã hội nháo cả lên, báo chí lao đi phỏng vấn, cả chủ nhân của điểm 10 và trường lớp làng xóm cũng đều được kéo ra phát biểu, mạng xã hội cũng lời ra tiếng vào. Môn toán, môn Anh hầu như không được hưởng diễm phúc này, nhưng ở một góc khác thì cũng đỡ phải gánh thị phi. Cho nên điểm 10 văn tốt nghiệp phổ thông năm nay của cô bé An Giang gây chú ý cũng không có gì lạ.

Cũng thật kỳ lạ, người ta vừa ca tụng môn văn và làm cho nó thành sang chảnh, nhưng đồng thời cũng vô cùng rẻ rúng nó. Ví dụ, điểm 10 văn thì tung hô, nhưng nếu cô cậu bé nào đó muốn đi theo nghiệp văn, viết lách hoặc nghiên cứu, thì y như rằng sẽ bị cấm cản vì lý do, làm văn thì lấy gì mà sống.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng kể chuyện với tôi, khi ông đi khám tim ở chỗ một bác sỹ nổi tiếng và giới thiệu “Tôi là nhà văn”, thì ông bác sỹ bèn nhìn với ánh mắt vô cùng thương xót “Thế ông sống bằng gì?”.

Bài văn điểm 10 thi tốt nghiệp phổ thông của cô bé An Giang gây cho tôi rất nhiều suy nghĩ. Cô bé bị cười vì liên hệ nhầm nội dung của Đại gia Gatsby. Và vì chẳng ai được đọc bài văn đó ra sao nên tất cả chỉ là suy đoán. Mà kể cả nếu bài văn được công khai (tất nhiên tôi không mong điều này, nó vi phạm quyền riêng tư) thì cũng sẽ có một núi ý kiến khác nhau. 

Điểm 10 văn và "Đại gia Gatsby" - Ảnh 1.

Nhưng tôi tin là nếu bài viết thực sự không có gì đó khác biệt, thì các thầy cô chấm thi cũng khó mà dám đặt bút như thế, dù ở một hội đồng khác, có thể người ta có thể chấm cho em thấp điểm hơn. Theo tôi được biết việc hội đồng chấm thi thường là 2 người chấm 1 bài, và những bài điểm 10 thì chắc phải thông qua cả hội đồng, mà được nhất trí cao như thế, thì là hội đồng dũng cảm hay là bệnh thành tích? Hoặc là cả một combo bài văn tốt + dũng cảm + thích thành tích?

Hội đồng chấm thi thì bị chỉ trích te tua vì không ai đọc cuốn sách ấy, thật ra mình cũng khá thông cảm. Mỗi năm nơi tôi làm việc ra vài trăm đầu sách, các nhà xuất bản khác cũng vậy hoặc hơn, và cuốn nào nghe cũng thấy kinh khủng kinh điển cả, thực sự chỉ đọc được lỗ chỗ. Rất có thể cả thầy cô hội đồng chấm thi đó đã đọc những cuốn khác, nhưng xui là chưa đọc Gatsby. Đấy là chưa nói đến vấn đề có tính hệ thống, liệu nền giáo dục nặng thành tích và chương trình cồng kềnh, tại một đất nước đông dân số năm sáu chục em một lớp này có khuyến khích và tạo không gian cho các thầy cô đọc sách hay không? Nếu họ đã kiệt sức vì đủ các loại áp lực thì họ đọc sách vào lúc nào?

Như tôi, ngoài những cuốn sách phải biên tập mà do đó được đọc luôn, thì còn lại thời gian đọc khá hạn chế. Tôi thường làm việc đêm, đọc hoặc viết sau 10 giờ 30 khi trẻ con đã ngủ, đến tầm khoảng 1 rưỡi sáng, nhưng thường phải thức đêm cách hôm vì nếu không sẽ rất mệt. Như vậy tối đa cũng chỉ có 6-7 tiếng đọc sách mỗi tuần mà thôi.

Và việc học sinh đọc những thứ ngoài sự biết của giáo viên cũng là chuyện bình thường chứ nhỉ? Ok cứ cho Gatsby là tác phẩm kinh điển đi, nhưng nếu cô bé lấy một ví dụ nào đó của tác giả mới tác phẩm mới hoặc loại hiếm không phổ biến mà cứ bắt thầy cô phải biết thì có quá không?

Thứ nữa, tôi đoán là cô bé chỉ nhớ láng máng rồi "đá" vài câu liên hệ Gatsby vào cho lạ, chứ nếu nhớ kỹ thì cô bé không thể phiên Gatsby sang chủ đề “đất nước của nhân dân được” vì nội dung rất lệch pha, tức là liều lượng Gatsby trong bài văn khá thấp, vài câu trên khoảng mươi trang giấy thì thầy cô có lẽ cũng lướt qua, mà tập trung hơn vào lập luận, văn chương của cô bé.

Tôi thấy khá thương cô bé An Giang khi phải chịu những thị phi. Không nói đến việc nhầm lẫn Gatsby, em hãy cứ giữ tình yêu với sách.

Trở lại câu chuyện tại sao điểm 10 toán thì thấy bình thường mà điểm 10 văn thì cả xã hội lại ồ à lên như vậy? Thời học phổ thông mình duy nhất được hai điểm 9 văn, chưa từng có 10. Và trong trí nhớ của mình thì chưa có đứa bạn nào, dù giỏi hơn mình, mà được điểm 10. Trong khi bọn học chuyên toán cứ học giỏi là điểm chín phẩy trở lên, thì bọn học văn vật vã cũng chỉ được hơn tám phẩy là cùng. Tại sao lại làm cho môn văn thành ra xa lạ và sang chảnh đến vậy? Tại sao việc chấm điểm môn văn không thể cho nhiều 10 hơn, nếu có một bảng tiêu chí rõ ràng vừa tầm học sinh phổ thông rồi cứ theo đó mà cho điểm, đây là giáo dục phổ thông cơ mà? Thực sự tôi cũng không hiểu lý do ở đây là gì - “một câu hỏi lớn không lời đáp, cho đến bây giờ mặt vẫn chau”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem