Điểm chuẩn ĐH tăng vọt, chuyên gia nhận định xu hướng chọn ngành dễ xin việc và lương cao
Điểm chuẩn đại học tăng vọt, chuyên gia nhận định "đang có xu hướng chọn ngành dễ xin việc, lương cao"
Tào Nga
Thứ năm, ngày 16/09/2021 14:07 PM (GMT+7)
Từ điểm chuẩn đại học năm nay cho thấy, các thí sinh hiện nay đang có xu hướng chọn trường đại học, ngành học dễ xin việc và mức lương cao sau khi ra trường, ít nhất là sau 4-5 năm nữa có thể vẫn "hot".
Tối 15/9, các trường đại học bắt đầu công bố điểm chuẩn dựa theo phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Năm nay, điểm chuẩn đại học hầu hết các ngành đều tăng, thậm chí có ngành tăng đến gần 9 điểm/môn khiến nhiều thí sinh bị trượt ngỡ ngàng.
Là người có nhiều năm theo dõi tuyển sinh đại học, chị Nguyễn Thị Thanh Hải, tác giả sách "Cùng con bước qua các kỳ thi" đã chia sẻ nhận định của mình với PV báo Dân Việt về điểm thi cũng như xu hướng chọn ngành năm nay.
Có 3 lý do khiến điểm chuẩn đại học cao
"Theo tôi có 3 lý do quan trọng nhất khiến điểm chuẩn đại học năm nay cao nhưng không quá bất ngờ. Thứ nhất, tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến cho kỳ thi tốt nghiệp diễn ra trong hồi hộp và căng thẳng nên đa số phụ huynh và học sinh đều thận trọng trong việc chọn nguyện vọng thi vào đại học chứ không quyết định một cách dễ dàng như những năm trước.
Thứ hai, ngay sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra với đề thi dễ hơn các năm trước, độ phân hóa không cao dẫn đến phổ điểm thi tốt nghiệp tăng. Nhiều người cũng đã dự đoán điểm chuẩn năm nay tăng.
Thứ ba, cách đổi mới tuyển sinh đại học trong mấy năm qua, đặc biệt trong 2 năm học ảnh hưởng Covid-19 là 2020 và 2021. Nhiều trường đại học có thêm nhiều phương thức xét tuyển, ưu tiên học sinh đạt giải các kỳ thi học sinh giỏi các cấp, học sinh các trường chuyên và học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS, SAT. Vì vậy chỉ tiêu còn lại các trường dành cho phương thức này giảm một nửa so với năm 2020.
Một nguyên nhân nhỏ khác cũng góp phần tăng mạnh điểm chuẩn các ngành có xét điểm ngoại ngữ. Năm nay số thí sinh giỏi ngoại ngữ có mong muốn đi du học nhưng do dịch Covid-19 nên hiện đã chọn xét tuyển đại học trong nước khiến điểm thi tốt nghiệp THPT tăng cạnh tranh.
Ngành nào có xu hướng cạnh tranh lớn?
Ngành học dẫn đầu xu hướng điểm cao năm nay thuộc về khối ngành Công nghệ thông tin, Kinh tế, Ngân hàng, Tài chính. Bên cạnh đó ngành Sư phạm cũng "hot" và điểm chuẩn tăng cao ở hầu hết các khoa.
Lý do là nhiều gia đình đang có xu hướng chọn các trường đại học, các ngành học dễ xin việc và có mức lương cao sau khi ra trường, ít nhất là sau 4-5 năm nữa có thể vẫn "hot". Ngành Công nghệ thông tin và Kinh tế tài chính có số lượng thí sinh đăng ký nhiều và điểm chuẩn cao nhất do qua gần 2 năm dịch Covid-19 càn quét, nhiều phụ huynh và học sinh đã thấy, chỉ có các ngành này kinh tế vẫn "vững". Đặc biệt các ngành về Công nghệ thông tin, nhiều tập đoàn, công ty trong và ngoài nước liên tục tuyển nhân sự với mức lương ngày càng cao.
Cụ thể, điểm trúng tuyển ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thấp nhất là 27,19 điểm và cao nhất là 28,43 (ngành Khoa học máy tính). Ở Trường ĐH Bách khoa TP.HCM và ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, mức điểm chuẩn cao nhất cũng thuộc về ngành Khoa học máy tính với 28 điểm.
Trong khi đó, ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) lấy điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin tới 28,75 điểm. Còn tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin (miễn học phí) cũng ở mức từ 28,25 với khối A00 và 28,75 điểm với khối A01, D01, D90.
Với các trường đào tạo kinh tế, điểm chuẩn vào Trường ĐH Ngoại thương năm 2021 ở trụ sở Hà Nội và TP.HCM đều ở mức trên 28 điểm. Trong đó, cao nhất là điểm chuẩn ngành Kinh tế, Quản trị Kinh doanh (tổ hợp khối A00, trụ sở TP.HCM) với 28,55 điểm.
Tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cao nhất là điểm chuẩn ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng với 28,3 điểm. Điểm chuẩn các ngành Kinh tế quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Thương mại điện tử, Quan hệ công chúng, Marketing, Kiểm toán đều trên 28 điểm.
Các ngành Sư phạm năm nay điểm chuẩn tăng cao nhất, có khoa tăng 9 điểm so với năm trước.
Nếu so với điểm chuẩn của năm ngoái, ngành Giáo dục chính trị có điểm chuẩn tăng đột biến tới tận 9 điểm. Ngành Giáo dục công dân (mã 7140204B) cũng tăng đến 6,75 điểm do số thí sinh có nguyện vọng vào trường năm nay tăng so với năm ngoái, đặc biệt với ngành Giáo dục tiểu học. Đáng chú ý là tại Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), điểm chuẩn các nhóm ngành đã tăng từ 2,3 đến 5,8 điểm so với năm 2020. Ngành học từng bị cho là "ế ẩm", quá ít thí sinh đăng ký những năm trước như ngành học Giáo dục mầm non có mức điểm chuẩn lên tới 25,05 điểm (năm ngoái 19,25 điểm).
Lãnh đạo 3 trường đào tạo sư phạm lớn đều cho rằng, Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm chắc chắn đã có tác động tích cực tới gia đình và thí sinh trong việc quyết định nguyện vọng. Theo Nghị định này, ngoài được miễn học phí, sinh viên còn được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng tiền sinh hoạt phí, cao hơn cả mức lương khởi điểm của một công chức nhà nước.
Trong khi rất nhiều ngành nghề như du lịch, dịch vụ, hàng không thì ngày một khó xin việc, tỷ lệ sa thải nhân viên cao trong giai đoạn này và dự báo khó tăng trưởng bền vững cả sau 3-5 năm nữa.
Kinh nghiệm nào cho học sinh 2k4 tăng khả năng đỗ đại học đúng nguyện vọng?
Hãy nghiên cứu kỹ xu hướng tuyển sinh đại học của các trường và có các bước chuẩn bị phù hợp nhất. Dù mỗi năm, các trường lại có một chính sách tuyển sinh riêng nhưng thường là kế thừa những điều kiện xét tuyển phổ biến của các năm trước, ứng dụng cho năm sau nên việc tham khảo kỹ các phương thức tuyển sinh giúp thí sinh tăng khả năng dự đoán, chuẩn bị kỹ lưỡng để có chiến lược học và thi phù hợp trong suốt 3 năm học THPT, đặt biệt là năm lớp 12 cuối cấp.
Lựa chọn ngành thi càng sớm càng tốt để tập trung cho mục tiêu sớm, không để cảnh "nước đến chân mới nhảy".
Tận dụng các cơ hội, trang bị cho mình học bạ đẹp với điểm số các môn càng cao càng tốt, nếu có các giải trong các kỳ thi học sinh giỏi càng tốt và hãy học tiếng Anh thật tốt để các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS, SAT để tăng cơ hội được xét tuyển vào các trường đại học, đặc biệt là các trường top đầu như ĐH Bách khoa HÀ Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Quốc gia Hà Nội…
Cuối cùng, lựa chọn nguyện vọng phù hợp và tăng số lượng nguyện vọng, nếu cách tuyển sinh vẫn như 2 năm 2020, 2021 để tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường và các ngành học mong muốn. Có nhiều thí sinh chỉ đăng ký 4-5 nguyện vọng năm nay và đã không may trượt hết, trong khi còn nhiều ngành học tương đương ở các trường ĐH khác đủ điểm mà không đạt do không đăng ký".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.