Điểm mặt nhiều con suối “chết người” ở Đồng Nai

Nha Mẫn Thứ ba, ngày 31/05/2022 19:00 PM (GMT+7)
Một số con suối tại TP.Biên Hòa, Đồng Nai đã trở thành nỗi ám ảnh lưu thông vào mỗi mùa mưa của người dân vì sợ mất an toàn, bị nước lũ cuốn trôi.
Bình luận 0

Ám ảnh dòng suối dữ

Nhiều năm trở lại đây, một số suối lớn ở các phường của TP.Biên Hòa Đồng Nai đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân vào mùa mưa lũ. 

Bởi sau những cơn mưa kéo dài khoảng 2-3 giờ đồng hồ, suối bị tắc, nước thoát không kịp gây ngập nặng dẫn đến nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra. 

Điểm mặt nhiều con suối “chết người” ở Đồng Nai - Ảnh 1.

Hầu hết các cây cầu dân sinh bắc qua suối đều bị ngập khi mưa lớn nước suối dâng. Ảnh: Nha Mẫn

Trước tình trạng nguy hiểm từ những con suối, suốt 1 thập kỷ qua ngành chức năng TP.Biên Hòa và tỉnh Đồng Nai đã đưa ra nhiều phương án như cải tạo, mở rộng, nạo vét suối, lắp thanh chắn, barie,… để hạn chế tối đa thiệt hại về người và của nhưng đến nay tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, suối vẫn ngập nặng khi mưa lũ.

Về nguyên nhân ngập nặng, Phòng quản lý đô thị TP.Biên Hòa cho rằng các con suối đã bị bồi lấp nhiều, đồng thời còn bị lấn chiếm bằng những công trình trái phép nên dòng chảy bị thu hẹp, khó tiêu thoát nước dẫn đến ngập nặng.

Điểm mặt nhiều con suối “chết người” ở Đồng Nai - Ảnh 2.

Nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra trên suối Bà Lúa. Ảnh: Nha Mẫn

Theo ghi nhận, tại suối Bà Lúa (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa), một con suối có nhiều cầu, đường dân sinh ngang qua và mỗi ngày có lưu lượng phương tiện qua lại rất đông. 

Đây là con suối gây ám ảnh nhất cho người đi đường bởi cứ mưa là ngập và liên tục có nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra trên con suối này. 

Vào tháng 5/2019, có 3 người, trong đó 2 học sinh lớp 10 trên đường về nhà qua khúc cua ven suối đã bị rơi xuống suối. Tuy nhiên chỉ có người thanh niên may mắn sống sót còn 2 em học sinh lớp 10 đã bị nước cuốn tử vong. 

Điểm mặt nhiều con suối “chết người” ở Đồng Nai - Ảnh 3.

Sau những lần mất tích vì nước cuốn những cuộc tìm kiếm đã diễn ra trên suối. Ảnh: Nha Mẫn

Không lâu sau đó vào giữa tháng 9/2019 một người đàn ông tên C.S. (50 tuổi) cũng bị nước lũ cuốn trôi khi băng qua cầu dân sinh ngang suối. Thương tâm thay, ông S. đi làm thợ hồ về trễ nên dù nước ngập sâu, chảy xiết trên cầu dân sinh nhưng ông vẫn cố băng qua và hậu quả đã thiệt mạng.

Ông Phan Văn Vinh (người dân ngụ gần suối Bà Lúa) nói rằng khu vực cầu dân sinh trên suối Bà Lúa mỗi khi mưa lớn là nước từ thượng lưu đổ về rất nhanh, tràn qua mặt cầu và chảy rất mạnh nên đi lại rất nguy hiểm. 

"Mỗi khi mưa chúng tôi đều phải ra cổng khuyên người dân tạm thời dừng xe trú mưa chờ nước rút rồi hãy về nhà. Nhiều người do vội vẫn bấp chấp đi nên bị nước cuốn, có người may mắn được cứu, có người thì không”, ông Vinh nói.

Cũng theo ông Vinh, các cầu dân sinh bắc qua suối Bà Lúa không rộng, lại còn nằm ở chỗ thấp, trũng nên nước dâng qua khỏi thành cầu tạo thành những vùng xoáy nước vô cùng nguy hiểm.

Điểm mặt nhiều con suối “chết người” ở Đồng Nai - Ảnh 4.

Nhiều đoạn suối bị bồi lấp, ngập rác. Ảnh: Nha Mẫn

“Người dân trong khu vực đều biết nguy hiểm nên không dám qua lại khu vực này khi nước ngập nhưng đôi khi vội quá họ chủ quan đi qua bị nước cuốn mất tích. Vì vậy chúng tôi mong các cơ quan chức năng sớm làm cầu mới, lớn hơn, cao hơn và nhanh chóng hoàn thành các dự án chống ngập để bảo đảm an toàn cho học sinh và người dân đi lại mỗi khi bước vào mùa mưa”, ông Vinh nói thêm.

Tương tự, suối Săn Máu tại TP.Biên Hòa cũng là một con suối đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân trong suốt nhiều năm qua. 

Suối Săn Máu được xem là “rốn lũ” của TP.Biên Hòa vì mỗi khi mưa lớn nước từ thượng nguồn chảy ồ ạt xuống suối, nhấn chìm các cây cầu dân sinh như cầu Kim Bích, cầu Lộc Lâm, cầu Sắt, cầu Tổ 15,… và nhiều con đường ven suối nên việc lưu thông qua khu vực ngang suối, gần suối rất nguy hiểm. 

Đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra gây thiệt hại lớn về người và tài sản khiến cho ngành chức năng địa phương rất lo lắng.

Cụ thể, gần đây nhất là có vụ một chiếc ô tô du lịch đã bất chấp dòng nước xiết cố đi qua cầu Kim Bích (khu phố 5, phường Trảng Dài) đã gặp nạn. Chiếc xe đã bị trôi thẳng xuống suối Săn Máu nhưng những người này đã may mắn được lực lượng cứu hộ đưa ra ngoài kịp thời. 

Còn ở cầu dân sinh tổ 15, khu phố 5, phường Trảng Dài (nối phường Trảng Dài với phường Hố Nai), người dân địa phương cũng liên tục ngăn phương tiện như ô tô, xe máy và thường xuyên cứu người gặp nạn bị trôi xuống suối.

Điểm mặt nhiều con suối “chết người” ở Đồng Nai - Ảnh 5.

Ô tô bị rơi xuống suối Săn Máu. Ảnh: Tuệ Mẫn

Ông Hoàng Văn Tư, (ngụ phường Trảng Dài, nhà ở gần cầu Kim Bích) cho biết cầu Kim Bích nằm ở vùng trũng sâu nên mỗi lần mưa lớn, nước suối đều dâng ngập, tràn hết cầu. Nước từ suối tràn lên khiến các con đường dân sinh dẫn ra cầu Kim Bích và nhà dân ngập sâu hơn 1m.

Những người quen khu vực sẽ sợ hãi không dám qua cầu nhưng nhiều người từ nơi khác đến, không lường được nguy hiểm nên vẫn cố qua cầu dù đã được cảnh báo. 

"Đôi lúc họ vội quá lại không lường được nguy hiểm nên vẫn cố qua cầu. Có người may mắn thoát chết, có người lại phải bỏ mạng dưới dòng nước lũ. Hiện nay cầu có barie chắn mỗi khi nước dâng nên cũng phần nào đỡ nguy hiểm hơn”, ông Tư chia sẻ.

Cũng theo ông Tư, từ khi ông ở khu vực này đã nhiều lần chứng kiến những vụ tai nạn thương tâm. Trong đó năm 2017 có vụ anh Nguyễn Tấn P. cùng xe máy khi qua cầu Kim Bích, suối Săn Máu gặp mưa ngập nhưng vẫn cố đi qua nên bị nước cuốn xuống suốt mất tích, mấy ngày sau mới tìm được. 

Điểm mặt nhiều con suối “chết người” ở Đồng Nai - Ảnh 6.

Một số đoạn suối hẹp, nhiều rác. Ảnh: Nha Mẫn

Thương tâm nhất có vụ cháu bé Nguyễn Tấn T. (11 tuổi, ngụ ấp Ông Hường, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) trên đường đi học về cũng đã bị lũ cuốn xuống suối. Thi thể cháu T. được tìm thấy gần lối ra sông Đồng Nai, cách nơi cháu rơi xuống tận hơn 10 km.

Bà Mai Thị Tình, ngụ khu phố 2, phường Trảng Dài cho hay là cả trên chục năm nay bà và người nhà thường xuyên sống trong cảnh ngập úng. Mỗi lần mưa lớn thì ngập năm sau càng nặng hơn năm trước dù ngành chức năng đã cố gắng tìm nhiều giải pháp. 

Bà Tình nói rằng ngã ba Trảng Dài giao giữa đường Đồng Khởi và Bùi Trọng Nghĩa chỉ cách suối Săn Máu khoảng 50 m, mưa lớn nước đổ xuống đường cuồn cuộn tạo nên những vòng xoáy nước.

Điểm mặt nhiều con suối “chết người” ở Đồng Nai - Ảnh 7.

Nhiều đoạn suối không có lan can. Ảnh: Tuệ Mẫn

Người dân lưu thông qua đây không cẩn thận có thể bị nước cuốn trôi xuống suối Săn Máu và đã có nhiều trường hợp bị nước cuốn té ngã.

 “Chúng tôi chỉ mong nhà nước đưa ra phương án để giảm triệt để tình trạng ngập úng để người dân được an toàn trên đường về nhà”, bà Tình bày tỏ.

Về vấn đề này ông Võ Trường Hải, Chủ tịch UBND phường Trảng Dài cho biết địa bàn phường Trảng Dài rất rộng và có nhiều điểm ngập, nhiều cầu nhỏ bắc qua suối. 

Vì vậy, từ khi bước vào mùa mưa, địa phương đã yêu cầu lực lượng công an, quân sự phải luôn túc trực sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn. 

uĐặc biệt khi xảy ra ngập nặng các tổ trưởng tổ nhân dân hoặc trưởng khu phố sẽ báo cáo nhanh cho lãnh đạo địa phương nắm để có phương án xử lý, hạn chế thiệt hại về người và tài sản.

Ngoài suối Bà Lúa, suối Săn Máu thì còn có suối Linh, suối Cầu Quan cũng là những con suối nguy hiểm tại TP.Biên Hòa. Ông Nguyễn Văn Nam, người dân phường Long Bình gần suối Cầu Quan chia sẻ là trước đây khu vực gần suối Cầu Quan mật độ dân cư ít, có các bãi đất trống, suối nhỏ để tiêu thoát nước. Nhưng những năm qua, các hộ dân chuyển về sinh sống ngày càng đông, xây dựng các công trình, lấn chiếm gần hết dòng chảy gây tắc nghẽn suối. Ngoài ra việc họp chợ tự phát cũng tạo ra một khối lượng rác lớn vứt tràn lan ra đường, bịt kín hết nắp thoát nước nên mỗi khi có mưa trở thành vật cản, hạn chế việc thoát nước, gây ngập nên nguy hiểm cho người đi đường khi mưa lũ.

Cố gắng hạn chế thiệt hại về người và tài sản

Theo ghi nhận, những khu vực xảy ra tai nạn nước cuốn trôi người chủ yếu là con đường dân sinh do người dân tự làm. Ven suối lại không có hàng rào chắn kiên cố cũng như không có biển cảnh báo nguy hiểm cho người dân khi qua lại khu vực. Khi mưa lớn, dòng chảy hẹp, nước không kịp thoát nên tràn lên mặt đường gây ngập nặng. Các cây cầu bắc qua suối, nước chảy rất mạnh, nếu không may bị trượt ngã, nạn nhân có thể bị nước cuốn trôi rất nhanh, khó ứng cứu kịp.

Điểm mặt nhiều con suối “chết người” ở Đồng Nai - Ảnh 8.

Nhiều đoạn suối bị các công trình dân sinh lấn chiếm. Ảnh: Nha Mẫn

Trước những nguy hiểm có thể xảy ra trong mùa mưa này, ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó Chủ tịch UBND TP.Biên Hoà cho biết lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các địa phương rà soát, nắm chắc các khu vực thường xảy ra ngập nước khi có mưa, các vùng bờ sông, suối để cảnh báo người dân. Một số đoạn đường qua Suối Linh, Suối Săn Máu được đặt các thanh barie để chủ động khoá lối lưu thông ngang suối khi mưa lũ lớn, tránh trường hợp người dân gặp phải dòng nước chảy xiết, bị nước lũ cuốn trôi. Ngoài ra lực lượng chức năng cũng đến nhiều vị trí, đặt các biển cảnh báo, phân công nhiệm vụ cho các ban điều hành khu phố, cảnh sát khu vực trong việc báo cáo tình hình ngập cho lãnh đạo địa phương để ứng phó kịp thời.

Giám đốc Sở GT-VT, Phó trưởng ban thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai, ông Lê Quang Bình đã yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không xả rác trên mặt đường, tại chân các dải phân cách, các vị trí hố ga thu nước, lưới chắn rác… Lực lượng công an các phường, xã thường xuyên theo dõi, có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp đổ rác không đúng nơi quy định, gây mất an toàn giao thông, gây ngập úng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem