Điểm nhấn trong 18 tháng của Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa

Vinh Hải - Thành An Thứ tư, ngày 25/10/2017 12:15 PM (GMT+7)
Ông Trương Quang Nghĩa đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Bộ GTVT trong 18 tháng trước khi làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Trên “ghế nóng”, ông Nghĩa đã làm được những gì?
Bình luận 0

Chiều nay (25.10), Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Giao thông Vận tải với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng thanh tra Chính phủ của ông Phan Văn Sáu. Ông Nghĩa bắt đầu đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT thay người tiền nhiệm Đinh La Thăng từ tháng 4.2016. Trong 18 tháng vừa qua, ông Nghĩa cho thấy mình là một người khá kín tiếng trước dư luận.

Khó khăn về vốn

Một trong những thách thức lớn đối với ông Trương Quang Nghĩa khi ngồi “ghế nóng” của ngành vận tải là khó khăn về vốn. Trong khi ngành giao thông phải chuẩn bị để thực hiện những dự án quan trọng như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án cao tốc Bắc Nam hướng đông.

Khi nhận nhiệm vụ, ông Trương Quang Nghĩa nêu nguyên tắc: “Chi tiêu một đồng tiền của nhân dân đều phải cân nhắc, có trách nhiệm, bảo đảm chất lượng, hiệu quả”.

Trong khoảng thời gian ông Trương Quang Nghĩa làm Bộ trưởng, Bộ GTVT không khởi công dự án giao thông nào được coi là “trọng điểm”.

Khắc phục sự cố “tê liệt” đường sắt Bắc – Nam

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ tại Bộ GTVT tháng 4.2016,  ông Trương Quang Nghĩa đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo khắc phục sự cố cầu Ghềnh (Đồng Nai). Trước đó, cầu Ghềnh đã bị sà lan đâm sập, khiến tuyến đường sắt Bắc Nam bị đứt đoạn.

img

Ông Trương Quang Nghĩa kiểm tra công trường khắc phục sự cố cầu Ghềnh. Ảnh Tạp chí Giao thông vận tải. 

Ngày 2.7.2016, cầu Ghềnh mới có tổng vốn đầu tư 298 tỷ đồng đã được hoàn thành, nối lại tuyến đường sắt Bắc Nam.

Ông Trương Quang Nghĩa đánh giá để khắc phục sự cố, toàn thể cán bộ công nhân viên của ngành đã làm việc với trách nhiệm cao và tốc độ nhanh nhất có thể để hoàn thành công trình trước thời hạn.

Lo hàng không “vét” khách đường sắt

Báo cáo trước Quốc hội vào cuối tháng 5, ông Nghĩa nhìn nhận, đường sắt Việt Nam đi từ hiện đại xuống lạc hậu.

Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị cần có chính sách đầu tư cần cụ thể hơn, như quy định mức tối thiểu đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt và giao Chính phủ căn cứ tình hình thực tế, quyết định tỷ trọng đầu tư xây dựng đường sắt trong tổng mức đầu tư công cho ngành giao thông vận tải.


img

Ông Trương Quang Nghĩa đánh giá đường sắt Việt Nam "lạc hậu". Ảnh Báo Giao thông. 

Trước đó, ngày 30.11.2016, tại cuộc họp thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia ông Trương Quang Nghĩa đã phát biểu về việc hàng không “vét” khách của đường sắt.

“Chuyện hàng không “vét” hết khách của đường sắt thì chỉ có ở Việt Nam, nhiều khi chúng ta cứ coi trọng thành tích nên mới bị lệch lạc đi. Trong giai đoạn Tết này, cần điều tiết các phương thức vận tải khác nhau chứ không phải cơ hội cho hàng không tăng chuyến, còn các loại hình vận tải khác có khả năng nhưng khó khăn về lượng khách”, ông Nghĩa nói.

“Giải cứu” sân bay Tân Sơn Nhất

Trước nhiều ý kiến cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải, trong khi cạnh đó còn có sân golf, tháng 6.2017, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc là không khả thi với lý do chi phí giải phóng mặt bằng, ô nhiễm tiếng ồn và nhiều vấn đề khác.

img

Sân bay Tân Sơn Nhất hiện đang trong tình trạng quá tải. IT

Trước đó, ông Trương Quang Nghĩa đã yêu cầu Cục Hàng không siết lại việc cấp phép các chuyến bay. “Công suất thiết kế sân bay Tân Sơn Nhất là 25 triệu hành khách nhưng nay đã tăng lên 32 triệu, trong 32 triệu lượt khách này có câu chuyện cấp phép bay, cấp chuyến bay. Không thể để các hãng muốn tăng chuyến là cho tăng, đừng thấy tăng trưởng như thế là vỗ tay theo”, ông Nghĩa nói.

Trình phương án làm 713km cao tốc Bắc - Nam

Một trong những việc quan trọng cuối cùng ông Trương Quang Nghĩa thực hiện trước khi rời ghế Bộ trưởng Bộ GTVT là ký trình Quốc hội “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020”.


img

Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017 - 2020 sẽ do Bộ trưởng Bộ GTVT mới trình bày trước Quốc hội. Ảnh Báo Giao thông. 

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, phạm vi đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 (dài 713km) có quy mô rất lớn nên không khả thi để kêu gọi đầu tư, ngoài ra mỗi dự án thành phần có nhu cầu vận tải, phương án tài chính, tiến độ chuẩn bị đầu tư, quy mô đầu tư khác nhau.

Tại kỳ họp Quốc hội lần này, Bộ trưởng Giao thông thừa uỷ quyền của Thủ tướng trình Quốc hội dự án cao tốc Bắc Nam. Tuy nhiên, ông Nghĩa sẽ rời ngành giao thông từ hôm nay nên việc trình dự án sẽ được chuyển giao cho Bộ trưởng mới.

Lùm xùm dự án BOT

Trong khoảng thời gian trước khi chuyển vào làm việc tại Đà Nẵng, ông Trương Quang Nghĩa phải giải quyết nhiều vụ “lùm xùm” về các dự án BOT.

img

Vụ việc tài xế trả tiền lẻ tại BOT Cai Lậy đã lan sang nhiều dự án BOT khác. Ảnh Zing.vn.

Sau khi tài xế trả tiền lẻ để phản đối trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang), người dân ở nhiều nơi khác cũng bày tỏ sự phản đối ở các trạm thu phí Cầu Rác, Bờ Đậu, Quốc lộ 5…

Sau đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã ban hành nhiều quyết định giảm phí tại các trạm thu phí BOT.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem