Xây dựng quy chế, kế hoạch đến tận cơ sở
Huyện Kỳ Anh là địa bàn rộng với 33 xã, thị trấn, trong đó có gần một nửa số xã nằm ở vùng núi, số còn lại nằm ở vùng ven biển. Từ thực tế đó, Trung tâm Y tế Dự phòng Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã triển khai xây dựng kế hoạch cụ thể đến từng xã, thị trấn nhằm chủ động thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong vùng.
|
Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng Kỳ Anh phun thuốc phòng chống dịch bệnh đến từng hộ dân. |
Ông Lê Văn Xuân - bác sĩ CK II, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng huyện Kỳ Anh cho biết: Hàng năm, thực hiện chủ trương chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân hướng về cộng đồng, Ban Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Kỳ Anh đã triển khai đồng bộ các quy định, quy chế làm việc, kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch chỉ đạo tuyến đến tận cơ sở, lịch giám sát hỗ trợ các trạm y tế trong huyện cụ thể rõ ràng.
Nhờ Trung tâm đã triển khai hiệu quả công tác phòng chống dịch, thảm hoạ và thiên tai thông qua việc tham mưu kịp thời cho Ban chỉ đạo huyện triển khai kế hoạch và các phương án khẩn cấp phòng, chống dịch tiêu chảy cấp, cúm A/H1N1, sốt xuất huyết… từ huyện đến xã.
Theo ông Xuân, hiện nay Trung tâm Y tế dự phòng Kỳ Anh có trên 40 cán bộ, nhân viên, trong đó 1 bác sĩ sau đại học và 5 bác sĩ có trình độ đại học. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng Trung tâm không ngừng tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ nhân viên, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, đóng góp vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Phòng chống dịch bệnh đặt lên hàng đầu
Như đã nói ở trên, Kỳ Anh là địa phương có diện tích rộng, dân số đông lại có cảng biển nước sâu Vũng Áng tấp nập du khách và giao thương, do đó hàng năm nhiệm vụ quan trọng được Trung tâm tập trung cao là công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế.
Từ đầu năm đến nay trên địa bàn không có vụ dịch ở người xảy ra, chủ yếu phát hiện các ca bệnh gây dịch đã xử lý kịp thời như: Cảm cúm 5.439 ca, thủy đậu 145 ca, quai bị 5 ca, tiêu chảy thường 532 ca, hội chứng lỵ 279 ca, lỵ trực trùng 75 ca, lỵ A míp 89 ca, bệnh nghi dại 102ca, Rubenla 1 ca, viêm não virus 1 ca… Trung tâm đã tổ chức tập huấn công tác quản lý bệnh truyền nhiễm cho 4 lớp cán bộ y tế xã, thôn và y tế dự phòng với trên 126.252 lượt người tham gia; Triển khai kế hoạch phòng chống thảm hoạ thiên tai đến tận trạm y tế xã;
Thành lập các đội lưu động sẵn sàng ứng cứu kịp thời cho các địa bàn khi có thảm hoạ thiên tai xảy ra. Năm nào trên địa bàn cũng xảy ra mưa lũ, do đó Trung tâm tập trung nhân lực vào việc xử lý môi trường, nước sinh hoạt nhằm khống chế không để dịch bệnh bùng phát và lây lan, đảm bảo cuộc sống cho người dân vùng lũ.
Bên cạnh đó, Trung tâm còn triển khai nhiều chương trình như phòng, chống sốt rét, tiêm chủng mở rộng. Riêng 6 tháng đầu năm đã khám phát thuốc thiết yếu cho trên 69.348 lượt bệnh nhân, cấp phát thuốc đầy đủ kinh phí, vật tư, ấn phẩm cho trạm y tế xã, thị trấn không có PUST, khám, chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh tiểu học được uống thuốc tẩy giun đạt tỷ lệ 100%.
Ngoài ra còn nhiều chương trình được thực hiện có hiệu quả như: Chương trình bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm; Chương trình phòng chống HIV/AIDS; Chương trình phòng chống bệnh lao, phong – da liễu, tâm thần – động kinh dựa vào cộng đồng…
Đông Miên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.