Điểm yếu "chết người" của U22 Việt Nam dưới thời HLV Troussier

Trần Oánh Thứ năm, ngày 04/05/2023 08:10 AM (GMT+7)
Các cầu thủ U22 Việt Nam dường như đang có đủ, từ thể lực, nền tảng kỹ thuật, ý thức chiến thuật, nhưng thứ họ thiếu nhất chính là sự tự tin. Sự tự tin sẽ giúp họ phát huy được các thế mạnh vốn có của mình. Chắc chắn nếu giải quyết được vấn đề này, các cầu thủ U22 Việt Nam sẽ thi đấu thanh thoát hơn nhiều.
Bình luận 0

Đúng như nhận định, gặp U22 Việt Nam, đội U22 Singapore đã chơi theo đúng lối đá truyền thống của họ. Phòng ngự nửa sân, dùng nhiều các đường chuyền bóng bổng và dài. Trận này, thế trận của các cầu thủ U22 Việt Nam thuận lợi hơn hẳn so với trận gặp U22 Lào. Việc không phải chịu sức ép của lối đá pressing khó chịu như đội U22 Lào, cầm bóng thoải mái hơn, dễ dàng thực hiện các pha phối hợp tấn công từ khu vực giữa sân, đặc biệt là đã có 1 chiến thắng ở vòng đấu trước làm cho các cầu thủ U22 Việt Nam dễ đá hơn. Chiến thắng 3 – 1 trước U22 Singapore thể hiện đúng cục diện của trận đấu. U22 Việt Nam kiểm soát bóng vượt trội. Tổ chức nhiều đợt tấn công hơn, đã có nhiều hơn những pha phối hợp nhỏ khoét vào điểm yếu của hàng phòng ngự U22 Singapore, vốn khá vụng về trong các pha bọc lót chống phối hợp nhỏ trước khu vực 16m50. Chứng kiến chiến thắng này của đội nhà, người hâm mộ chắc chắn cũng cảm thấy hài lòng hơn, yên tâm hơn về đội bóng.

Điểm yếu "chết người" của U22 Việt Nam dưới thời HLV Troussier - Ảnh 1.

U22 Việt Nam có chiến thắng 3-1 trước U22 Singapore. Ảnh: Cao Oanh.

Mặc dù đã có chiến thắng quan trọng, nhưng U22 Việt Nam vẫn bộc lộ những điểm yếu cần khắc phục nếu muốn có mặt ở vòng đấu sau.

Đầu tiên, đó là các vấn đề của hàng phòng ngự. Thủ môn Quan Văn Chuẩn vẫn chơi rất ổn định, nhưng trong trận này, không kể pha đốt lưới nhà của Vũ Tiến Long, hàng phòng ngự của U22 Việt Nam có 3 tình huống sai lầm nghiêm trọng có thể dẫn đến bàn thua. Đó là sau pha cầu thủ U22 Singapore ném biên thẳng về phía cầu môn, các trung vệ U22 Việt Nam đã không hiểu ý nhau trong phối hợp bắt người, để tiền đạo U22 Singapore nhận bóng ngay trước cầu môn của Văn Chuẩn. May là cú dứt điểm quá hiền. Cũng hiệp 1, cầu thủ Lê Văn Đô đã chuyền hỏng ngay trên sân nhà, bóng lại vào xà ngang sau pha dứt điểm của tiền đạo U22 Singapore. Hay ở hiệp 2, việc tổ chức chống bóng bổng của đội bóng cũng bộc lộ sơ hở, để ngay trước cầu môn của Văn Chuẩn, tiền đạo U22 Singapore đã dứt điểm trượt bóng khi không có ai kèm. Có một lý do dẫn đến sự thiếu ổn định này của hàng phòng ngự U22 Việt Nam, đó chính là HLV Troussier bắt buộc phải xoay tua cầu thủ để phục vụ cho cả quãng đường dài của giải. Chính vì vậy, các cầu thủ trung vệ dễ xảy ra các tình huống không hiểu ý nhau hơn, thiếu ăn ý dẫn đến các sai sót trong phối hợp bọc lót. Hy vọng điểm yếu nghiêm trọng này sẽ được khắc phục ở những trận đấu sau.

Điểm yếu "chết người" của U22 Việt Nam dưới thời HLV Troussier - Ảnh 2.

Hàng phòng ngự U22 Việt Nam tiếp tục mắc nhiều sai sót. Ảnh: Cao Oanh.

Trong kiểm soát bóng, các cầu thủ U22 Việt Nam tỏ ra chưa tự tin khi phối hợp. Thể hiện ở việc có rất ít các động tác qua người mặc dù trong nhiều trường hợp đó là phương án tốt nhất, hoàn toàn thuận lợi và nằm trong khả năng kỹ thuật của các cầu thủ. Họ máy móc thực hiện các đường chuyền cho dù không thực sự thuận lợi. Một động tác lắc bóng qua người đơn giản, hợp lý ở thời điểm phù hợp, có thể giúp đội bóng điều chỉnh được nhịp tấn công hay có thể phá được thế pressing của đối phương, giống như các tình huống xử lý bóng của Nguyễn Hoàng Đức vẫn thường thực hiện ở ĐT Việt Nam vậy.

Một biểu hiện của việc chưa tự tin nữa đó là các pha phối hợp nhỏ vẫn sử dụng nhiều chạm, vẫn mất 1 hay vài nhịp khống chế bóng trước khi chuyền. Giải pháp này có vẻ chắc chắn hơn cho cầu thủ cầm bóng, nhưng lại làm chậm nhịp tấn công hoặc làm cho cơ hội nhận bóng tốt nhất của đồng đội qua đi. Ta hoàn toàn không thấy những động tác kỹ thuật thể hiện sự tự tin của cầu thủ, kiểu như đánh gót hay sử dụng các động tác giả, đảo người đột phá vào trung lộ trong cả 2 trận đấu vừa qua của U22 Việt Nam.

Điểm yếu "chết người" của U22 Việt Nam dưới thời HLV Troussier - Ảnh 3.

U22 Việt Nam vẫn thiếu những pha xử lý mang tính cá nhân. Ảnh: Cao Oanh.

Điểm yếu trong phối hợp tấn công của U22 Việt Nam, đó là mặc dù cầm bóng nhiều, tung ra nhiều đường chuyền, nhưng các đường chuyền quyết định dẫn đến tình huống dứt điểm không nhiều. Các pha phối hợp nhỏ để đưa bóng vào trong vạch 16m50 cũng không nhiều và không gây ra đột biến. Có thể đó vẫn là hậu quả của việc thiếu tự tin. Nếu không có các tình huống qua người, kiểu như của Nguyễn Quốc Việt thực hiện ở cánh trái khi được đưa vào sân cuối hiệp 2, hoặc thiếu vắng các pha bật tường 1 chạm đánh vào trung lộ. Nếu các cầu thủ tấn công cẩn trọng dùng 1 đến 2 nhịp để chỉnh bóng thì rất khó để tạo ra đột biến trong các pha phối hợp nhỏ, đưa được bóng áp sát khung thành đối phương.

Các cầu thủ U22 Việt Nam dường như đang có đủ, từ thể lực, nền tảng kỹ thuật, ý thức chiến thuật, nhưng thứ họ thiếu nhất chính là sự tự tin. Sự tự tin sẽ giúp họ phát huy được các thế mạnh của mình. Chắc chắn nếu giải quyết dược vấn đề này, các cầu thủ U22 Việt Nam sẽ thi đấu thanh thoát hơn nhiều.

Điểm yếu "chết người" của U22 Việt Nam dưới thời HLV Troussier - Ảnh 4.

Phía trước U22 Việt Nam sẽ là trận đấu với U22 Malaysia. Ảnh: Cao Oanh.

Hẳn ông HLV Troussier và BHL của đội bóng cũng đã nhận diện được các điểm yếu của đội bóng để đưa ra các giải pháp khắc phục. Trong đó, khôi phục sự tự tin trong tâm lý thi đấu cho các cầu thủ trẻ chắc chắn là yếu tố quan trọng nhất. Chúng ta cùng chờ xem các giải pháp đó là gì trong trận đấu tiếp theo của U22 Việt Nam trước đối thủ U22 Malaysia mạnh mẽ và quyết liệt. Đây sẽ là trận đấu mang tính quyết định cho mục tiêu lọt vào vòng sau giải đấu của U22 Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem