Giết hổ cứu người
|
Chiếc rựa đỏ rực lửa mới trui từ trong bếp ra được Đinh Mỳ dùng hàm răng ngậm chặt và thè lưỡi liếm. |
Nhiều lần bị từ chối, cuối cùng chúng tôi cũng nhận được cái gật đầu đồng ý dẫn đường vào rừng của anh bạn người bản địa có tên là Vĩnh Quý. Từ đường mòn Hồ Chí Minh, phải mất hai ngày đi bộ hơn 100km đường rừng, vượt qua 12 con suối nước chảy xiết chúng tôi mới đến được xã Thượng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình.
Là địa bàn miền núi, nhà này cách nhà kia cả quả đồi, thế nhưng khi hỏi thăm nhà ông Đinh Mỳ, ngay từ đầu xã ai cũng biết. Họ nói về ông đầy tự hào và tôn kính.
Ông Đinh Hợp, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch, người tự nguyện đưa đường giúp chúng tôi thỉnh thoảng ngoái đầu lại nói: “Bằng khả năng kỳ bí, phi thường của mình, Đinh Mỳ đã làm được những chuyện “động trời” mà người thường tưởng chừng như không thể làm nổi. Ông được người dân xã Thượng Trạch gọi bằng cái tên là “thầy phù thủy có phép lạ” hay “kỳ nhân mình đồng da sắt” bởi ông có khả năng giết hổ, nuốt lửa và ngậm cả lưỡi rựa đang đỏ hừng hực vào miệng”.
Từ trung tâm xã Thượng Trạch, leo qua ba quả núi dựng đứng, trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa thung lũng Trường Sơn. Biết có khách dưới xuôi lên chơi, bà Y Eeng (vợ ông Đinh Mỳ) tất tả chạy ra sau vườn gọi chồng vào tiếp chuyện.
Rót xong bát chè mời khách, Đinh Mỳ trầm ngâm kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện giết hổ dữ mà lâu nay người dân trong và ngoài tỉnh Quảng Bình vẫn đồn đại.
|
Đinh Mỳ nuốt lửa |
Những năm sau chiến tranh, trên dãy núi Trường Sơn rậm rạp (nơi giáp ranh giữa H. Bố Trạch với nước bạn Lào) có một đàn hổ lớn rất hung dữ. Chúng đã từng bắt nhiều người dân ở các bản làng vùng biên để ăn thịt. Đặc biệt vào tháng 8-1978, trong lúc đang khai hoang phát rẫy, 9 người dân ở xã Thượng Trạch đã bị một con hổ lớn cụt đuôi vồ chết. Nó ăn thịt 1 người còn 8 người khác bị tha đi nhiều nơi.
Trước nạn hổ dữ, chính quyền địa phương cùng với bộ đội biên phòng vừa ra sức tuyên truyền, khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, vừa tìm mọi cách diệt hổ. Nhiều thanh niên trai tráng trong các bản làng vùng biên đã phối hợp với lực lượng vũ trang dùng súng, cung bắn tên gây mê ngày đêm mai phục hổ dữ nhưng đều bị thất bại.
Hưởng ứng lời kêu gọi “giết hổ dữ cứu người” của lãnh đạo huyện Bố Trạch, Đinh Mỳ đã nhập cuộc và được cấp một khẩu súng săn cùng 16 viên đạn.
Một ngày cuối tháng 12-1978, trong lúc đang ngồi rình hổ thì Đinh Mỳ chợt nghe tiếng chó săn sủa loạn xạ, kèm theo đó là tiếng chim kêu rít lên từng hồi. Theo kinh nghiệm của một thợ săn lành nghề, Đinh Mỳ biết ngay đó là dấu hiệu có hổ dữ xuất hiện nên bò lại gần và đưa súng vào tầm ngắm. Dưới ánh sáng ban chiều, Đinh Mỳ vẫn nhận ra trước mắt mình là một con hổ đực to bằng con bò đang ở trạng thái no mồi nằm ngủ.
Sau khi lấy lại bình tĩnh, nhắm nòng súng vào trúng đầu hổ dữ, Đinh Mỳ bắn liền hai phát súng. Tiếng nổ vang cả núi rừng vùng biên, kèm theo đó là tiếng gầm rú, quằn quại vì trọng thương của hổ dữ. Chạy được khoảng 300m, con hổ đổ ập xuống, nằm giãy giụa trong vũng máu. Khi biết chắc chắn hổ đã chết, Đinh Mỳ mới xách súng quay trở về báo cho 8 thanh niên trai tráng trong làng ra khiêng xác hổ.
Tháng 1-1979, với thành tích trên Đinh Mỳ đã được bộ đội Đồn Biên phòng 593 và lãnh đạo UBND huyện Bố Trạch biểu dương khen ngợi và trao tặng ba tạ gạo. Từ đây biệt danh “Đinh Mỳ giết hổ dữ” vang xa khắp các bản làng vùng biên ải.
Kỳ nhân nuốt lửa
Đinh Mỳ trong con mắt của người dân vùng biên không chỉ là một “Võ Tòng” đả hổ mà còn là một kỳ nhân “mình đồng da sắt”. Trong chuyến tác nghiệp lần này, chúng tôi may mắn được chứng kiến ông Mỳ “trổ tài nghệ”.
Sau khi làm xong “thủ tục” cúng Giàng, Đinh Mỳ uống một ngụm rượu cần rồi lấy một chiếc rựa sắt dài 50cm, bản rộng 4cm, dày 1cm bỏ vào lò than đang cháy hồng và bắt đầu rì rầm khấn vái.
Khoảng 30 phút sau, Đinh Mỳ thắp lên một ngọn lửa (được đốt bằng sáp ong rừng) và ngửa mặt trầm ngâm, từ từ đưa thẳng vào miệng “nuốt”.
Để chứng tỏ khả năng kỳ bí của mình và giúp chúng tôi chụp hình đầy đủ hơn, Đinh Mỳ không ngần ngại “diễn” lại gần 10 lần “động tác” nuốt lửa.
Bước sang “chiêu” thứ hai, Đinh Mỳ thò tay lấy từ trong bếp ra một chiếc rựa sắt đã nung đỏ lửa rồi bỏ vào miệng “ngậm” chặt giữa hai hàm răng. Chừng ba phút sau, ông tiếp tục thè lưỡi liếm trên bản rựa đỏ rực lửa rồi đưa xuống lòng bàn tay, bàn chân, lỗ rốn chà đi chà lại nhiều lần.
Tận mắt chứng kiến kỳ nhân Đinh Mỳ “đùa với lửa”, đã không ít người xung quanh chúng tôi sợ hãi đến toát mồ hôi, không dám nhìn thẳng hoặc phải bỏ chạy ra ngoài. Làm xong “công việc”, Đinh Mỳ nhổ bọt miếng lên lưỡi rựa, những âm thanh xèo xèo réo lên và kèm theo đó là muội than bắn tung tóe khắp sàn nhà trước sự hiếu kỳ và vỗ tay thán phục của người chứng kiến.
Theo lời kể của một số người dân sống cạnh nhà Đinh Mỳ, ông Mỳ còn có thể “tắm nước đang sôi sùng sục”(?); hoặc bằng cách ngậm sắt nung đỏ lửa hoặc ngồi “tắm sôi” rồi đặt tay lên vết thương, kỳ nhân Đinh Mỳ đã cứu sống được hàng chục người ở xã Thượng Trạch không may bị rắn độc cắn (?).
Trước lúc chia tay, Đinh Mỳ chỉ “bật mí” rằng: “Đó là bí quyết của người Ma Coong mà chỉ một mình tôi biết được”(?!).
Theo CAĐN
Vui lòng nhập nội dung bình luận.