Chính quyền Kiev đang cố gắng thuyết phục Mỹ chấp nhận Ukraine vào NATO với điều kiện ký kết hòa bình với Nga. Các lãnh đạo liên minh cho rằng điều này chỉ làm gia tăng xung đột, nhưng đội ngũ của Zelensky vẫn cứng rắn. Họ đang hy vọng gì?
Cuộc hành quân xuyên Đại Tây Dương
Tuần trước, phái đoàn do người đứng đầu văn phòng Tổng thống Ukraine, Andrei Yermak, dẫn đầu đã gặp gỡ đại diện của ông Donald Trump - theo Reuters và The Wall Street Journal. cuộc đàm phán diễn ra tại Washington.
Tham gia từ phía đội ngũ của Tổng thống đắc cử Mỹ có Keith Kellogg - người có thể sẽ được chỉ định làm đặc phái viên về Ukraine, Mike Waltz - cố vấn an ninh quốc gia tương lai của Nhà Trắng, và Phó Tổng thống đắc cử Mỹ JD Vance.
The Wall Street Journal (WSJ) cho biết, Kellogg đã ủng hộ quyết định của Tổng thống Joe Biden sắp mãn nhiệm về việc gửi nhiều vũ khí hơn cho Ukraine. Ông cho rằng điều này sẽ tạo ra một công cụ gây sức ép lên Moscow. Tuy nhiên, ý tưởng về việc khẩn trương đưa Ukraine gia nhập NATO không được Mỹ đón nhận một cách nhiệt tình.
Trong khi đó, Yermak đã ám chỉ rằng Kiev sẵn sàng cho hòa bình, nhưng chỉ khi đó là "hòa bình bền vững". "Hòa bình không ổn định, tạm thời - không đáp ứng được lợi ích của Mỹ và Ukraine," — một nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán cho biết với WSJ.
Truyền thông phương Tây trước đó đã viết rằng đội ngũ của ông Trump có ít nhất ba kế hoạch để giải quyết xung đột. Một trong số đó là buộc Moscow tham gia đàm phán với Kiev, đe dọa tăng cường viện trợ quân sự cho quân đội Ukraine.
Tuy nhiên, mục tiêu tối thiểu là đóng băng tiền tuyến và không kết nạp Ukraine vào NATO. Đây là lập trường của ông Kellogg.
Phó Tổng thống tương lai Vance cũng muốn điều tương tự, nhưng thêm vào đó là việc thiết lập một khu vực phi quân sự.
Cựu giám đốc tình báo Mỹ Richard Grenell, người được cho là sẽ được bổ nhiệm làm đại sứ hòa bình giữa Nga và Ukraine, cũng nói về các "vùng tự trị" nào đó.
Dù thế nào đi nữa, ông Zelensky, người trước đây đã từ chối bất kỳ nhượng bộ lãnh thổ nào và kêu gọi khôi phục toàn bộ lãnh thổ Ukraine theo biên giới năm 1991, gần đây không loại trừ khả năng sẽ giải quyết vấn đề này tại bàn đàm phán. Nhưng ông yêu cầu được gia nhập NATO. Tất cả các bảo đảm an ninh khác đều bị từ chối.
Mọi thứ đều bằng 0
Nhân dịp 30 năm ký kết Hiệp định Budapest, Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết, thỏa thuận này, vốn được cho là nền tảng của hệ thống an ninh quốc tế, đã không ngăn được sự khởi đầu của cuộc chiến Ukraine. Các quan chức cho rằng văn kiện này là "tượng đài của sự thiếu tầm nhìn". Và hông thể có một kiến trúc an ninh châu Âu mới mà không tính đến lợi ích của Kiev.
"Với kinh nghiệm cay đắng từ Hiệp định Budapest, chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ sự thay thế nào, dù là phụ lục hay các giải pháp thay thế cho tư cách thành viên đầy đủ của Ukraine trong NATO" - tuyên bố chính thức của Bộ Ngoại giao Ukraine nêu rõ.
Kiev đã tăng mức độ yêu cầu lên rất nhiều. Trước đây, phương án chính được đề xuất là cung cấp các bảo đảm quốc tế về bảo vệ chống lại sự xâm lược. Kể từ năm 2022, hàng chục thỏa thuận như vậy đã được ký kết với các quốc gia NATO. Tuy nhiên, việc gửi quân đội vào Ukraine vẫn không được đề cập đến. Và Hiến chương của NATO thực sự có thể dẫn đến việc gia nhập cuộc chiến.
Vì vậy, sự hoài nghi của người Mỹ là điều dễ hiểu. Kiev không cảm thấy bất ngờ về điều này. "Vấn đề chủ yếu nằm ở Mỹ và Đức. Chúng tôi chỉ có thể suy đoán về điều gì làm họ lo lắng nhất, nhưng việc Ukraine gia nhập NATO không phải là vấn đề chính trong chương trình nghị sự" - đài truyền hình công cộng quốc gia Ukraine thừa nhận.
Trong khi đó, các đồng minh đã bắt đầu nói về việc công nhận thất bại của Ukraine, nhưng lại trình bày đó như là một chiến thắng. Cụ thể, cựu chỉ huy NATO James Stavridis cho rằng, việc Kiev mất 20% lãnh thổ là một kết quả không tồi, vì độc lập của Ukraine vẫn sẽ được giữ.
Cựu chủ tịch Ủy ban Quân sự của Liên minh Bắc Đại Tây Dương, Tổng thống Cộng hòa Czech Petr Pavel, cũng nhận định rằng tình hình hiện nay đang có lợi cho Moscow. Theo ông, ông Trump sẽ không thể kết thúc cuộc xung đột trong 24 giờ như đã hứa trong chiến dịch tranh cử.
Hơn nữa, thỏa thuận mà ông Trump sẽ thúc đẩy "khó có thể phù hợp với lợi ích của Ukraine hoặc châu Âu", vì có thể sẽ bao gồm những nhượng bộ lãnh thổ và việc hoãn lại việc gia nhập NATO của Ukraine ít nhất 20 năm.
Kỳ vọng và thực tế
Bộ Ngoại giao Nga sẵn sàng lắng nghe đề xuất của ong Trump. Nhưng Điện Kremlin sẽ không quên những nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột Nga - Ukraine - cuộc đảo chính năm 2014 và chính sách bài Nga của chính quyền mới ở Kiev.
"Nếu có bất kỳ tín hiệu nào từ phía Mỹ về những ý tưởng đi theo hướng giải quyết xung đột, thay vì tiếp tục đổ dồn mọi loại viện trợ vào chế độ Kiev với hy vọng cuối cùng sẽ dẫn đến thất bại chiến lược của Moscow, thì chắc chắn chúng tôi sẽ cố gắng tối đa để phân tích và đưa ra phản hồi" - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói.
Theo ông, "Không thể có một giải pháp đơn giản cho vấn đề này hay các vấn đề liên quan đến những gì đang xảy ra ở Ukraine và xung quanh", vì vậy các tuyên bố của ôngTrump "về việc giải quyết siêu nhanh chóng tình hình Ukraine chỉ là lời nói suông".
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã nêu rõ trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Mỹ Tucker Carlson những gì Moscow mong muốn. "Chúng tôi mong muốn một giải pháp hòa bình thông qua đàm phán dựa trên sự tôn trọng các lợi ích an ninh hợp pháp của Nga, tôn trọng người dân Nga sinh sống ở Ukraine, các quyền cơ bản, quyền ngôn ngữ và tôn giáo của họ đã bị phá hủy bởi một số luật được Quốc hội Ukraine thông qua... Chúng tôi sẵn sàng đàm phán trên cơ sở các nguyên tắc đã được thống nhất ở Istanbul... Không có căn cứ quân sự, các cuộc tập trận trên đất Ukraine với sự tham gia của quân đội nước ngoài... Chúng tôi sẽ phải tính đến thực tế trên thực địa" - ông Lavrov nói.
"Và đó không chỉ là tuyến tiếp xúc mà còn là những thay đổi trong Hiến pháp Liên bang Nga sau cuộc trưng cầu dân ý ở các nước cộng hòa Donetsk và Lugansk, các vùng Kherson và Zaporozhye. Giờ đây, chúng đã là một phần của Nga theo Hiến pháp của chúng tôi. Đây là thực tế. Chúng ta không thể chấp nhận tình trạng mà luật pháp Ukraine vẫn duy trì việc cấm ngôn ngữ Nga, truyền thông Nga, văn hóa Nga và Giáo hội Chính thống Ukraine. Đây là sự vi phạm các nghĩa vụ của Ukraine theo Hiến chương Liên Hợp Quốc. Cần phải làm gì đó về vấn đề này" - ông nhấn mạnh.
Cựu nhà ngoại giao Ukraine Rostislav Ishchenko giải thích với RIA Novosti: Kyiv không muốn đàm phán với Moscow nên đưa ra những yêu cầu rõ ràng là phi thực tế.
"Ban đầu Zelensky nói rằng ông cần các bảo đảm an ninh từ phương Tây, giờ lại yêu cầu gia nhập NATO. Như vậy, ông ta đang chặn mọi đề nghị đàm phán" - ông nói.
"Trong khi chiến sự vẫn tiếp diễn, Zelensky không phải lo lắng gì. Ngay cả khi quân đội Nga tiến vào Lviv, ông ta sẽ bay sang London, nơi ông ta sẽ lãnh đạo chính phủ lưu vong và tiếp tục sống cuộc sống không lo nghĩ. Nếu chiến sự dừng lại, ông ta sẽ phải tổ chức bầu cử tổng thống và chính quyền mới có thể tuyên bố ông ta là tội phạm vì đã phá hủy đất nước của mình. Lúc đó, việc trốn ở London sẽ khó khăn hơn nhiều" - nhà cựu ngoại giao bình luận.
Nhà khoa học chính trị Alexander Dudchak tin rằng ông Zelensky, bằng cách yêu cầu gia nhập NATO, đang chuẩn bị một cái cớ cho thất bại quân sự không thể tránh khỏi. Chuyên gia này lưu ý trong một cuộc phỏng vấn với RIA: "Ông ấy sẽ sớm nói rằng Kiev thua vì các đối tác của ông ấy từ chối chấp nhận ông ấy vào liên minh. Nếu ông ấy không nói gì với đồng bào của mình, mọi chuyện có thể kết thúc rất tồi tệ đối với ông ấy".
Các nhà phân tích tin rằng sau lễ nhậm chức của ông Trump, tình hình về cơ bản sẽ không thay đổi. Trên thực tế, mọi ý tưởng của Tổng thống đắc cử Mỹ đều nhằm mục đích đóng băng xung đột và không loại trừ việc Kievv gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Moscow sẽ không đồng ý với bất kỳ điều nào trong đó.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.