Diện mạo mới của thị xã Chí Linh

Việt Tùng Thứ tư, ngày 30/12/2015 08:23 AM (GMT+7)
Sau 5 năm lên thị xã, với sự phát triển vượt bậc cả về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của người dân, vừa qua thị xã Chí Linh (Hải Dương) đã được công nhận là đô thị loại III.
Bình luận 0

Cơ sở hạ tầng đồng bộ

Thị xã Chí Linh có diện tích tự nhiên 28,202km2, với 20 đơn vị hành chính gồm 8 phường và 12 xã, dân số 175.000 người. Chỉ sau 5 năm lên thị xã, thị xã Chí Linh đã bước thay đổi vượt bậc. Nếu trước đây, hệ thống đường sá còn nhỏ hẹp, nhà cửa thò ra thụt vào, thì nay hầu hết hệ thống giao thông đã được cải thiệt nâng cấp, vỉa hè đã được lát gạch sạch đẹp. Đặc biệt, việc xây dựng nhà cửa đã được thị xã đặc biệt chú ý, hầu hết các công trình xây dựng đều tuân theo quy hoạch đô thị của thị xã, xây đúng chỉ giới, do đó không gian phố xá ngày càng khang trang sạch đẹp.

img

Một góc sân golf Chí Linh - công trình góp phần đưa thị xã Chí Linh trở thành đô thị loại III. Ảnh:   V.T

Ông Nguyễn Đức Hóa – Chủ tịch UBND thị xã Chí Linh cho biết, xác định xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội là khâu quan trọng, do đó thị xã đã có nhiều biện pháp tích cực nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư, từng bước nâng cấp, đổi mới bộ mặt đô thị. Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng của thị xã đã được nâng cấp, đồng bộ, từng bước hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh việc chỉnh trang, nâng cấp các tuyến đường, khu phố cũ, thị xã đã xây mới hàng chục khu đô thị như: Khu đô thị mới Hồ Mật Sơn, Trường Linh, Chúc Cương, thị xã Chí Linh, dự án khu dân cư phía đông đường Yết Kiêu, cụm du lịch biệt thự nhà vườn Côn Sơn - Kiếp Bạc, khu sinh thái Phú Gia…

Bên cạnh đó, để phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân, cũng như để thay đổi diện mạo, thị xã đã tập trung xây dựng nhiều công trình công cộng như khu công viên hồ Mật Sơn, công viên hồ Bến Tắm, công viên Phượng Hoàng, quảng trường, sân vận động thị xã và hàng chục sân vận động tại các phường, xã phục vụ người dân.

“Trong 5 năm qua, thị xã đã đầu tư gần 7.000 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng như: Đường giao thông, xử lý môi trường, hệ thống cây xanh, công viên, nâng cấp các điểm du lịch tâm linh, hệ thống cung cấp nước sạch... nhờ đó diện mạo, cũng như đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Trong thời gian tới, thị xã tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất, mặt khác đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp sạch, công nghệ cao, nhằm nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của người dân” – ông Hóa cho hay.

Phát triển công – nông nghiệp hài hòa

Không chỉ dừng lại ở việc phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng xứng tầm với đô thị loại III, thị xã Chí Linh đã và đang từng bước hoàn thành quy hoạch và xây dựng lộ trình, theo đó đến năm 2020 thị xã sẽ phấn đấu lên thành phố và năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.

Theo đó, thị xã đã xác định và quy hoạch lấy trục Đông – Tây theo trục Quốc lộ 18 làm trọng tâm. Tại đây sẽ phát triển thành tâm du lịch, thương mại và dịch vụ, công nghiệp, đào tạo và cũng chính là trung tâm văn hoá, du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí mang tầm quốc gia và quốc tế.

Ông Hóa cho biết, mặc dù thị xã ưu tiên phát triển công nghiệp, song sẽ không vì thế mà “nới lỏng” vấn đề bảo vệ môi trường. Mà ngược lại việc bảo vệ môi trường sẽ được đưa lên hàng đầu, nhằm tránh đi theo “vết xe đổ” của nhiều địa phương khác, khi đẩy mạnh phát triển công nghiệp, song lại không giải quyết được vấn đề môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống của người dân. 

Song song với phát triển công nghiệp, dịch vụ, thị xã sẽ ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng sạch, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Trong đó, ưu tiên phát triển cây vải thiều và na dai, nhằm tạo thành vùng hàng hóa chất lượng, vừa kết hợp với làm du lịch nhà vườn và tâm linh… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem