Ông đánh giá thế nào về kết quả công khai giá thành sản xuất điện vừa được EVN công bố?
- Việc tính đúng, tính đủ các chi phí để đưa vào giá thành là cần thiết vì nền kinh tế chúng ta đang hướng đến vận hành theo cơ chế thị truờng. Nhưng khi đã tính đúng, tính đủ thì việc EVN lỗ 10.000 tỷ đồng hay bao nhiêu đó phải kiểm tra lại; những chi phí nào liên quan đến việc phát điện mà trước đó chưa tính hết thì phải tính vào.
|
Việc thất thoát điện lớn có nguyên nhân hạ tầng cũ, quản lý yếu kém... |
Nếu tính vào mà giá thành cao hơn hiện nay thì phải chấp nhận tăng giá, nếu không doanh nghiệp lấy gì để bù lỗ? Nhưng đơn vị kiểm toán cần lưu ý, khi tính toán giá thành điện, những chi phí nào không phục vụ cho việc phát điện thì phải triệt để loại ra ngoài. Giả sử, những khoản đầu tư ngoài ngành của EVN chẳng hạn, nếu không phục vụ cho việc phát điện thì không được đưa vào giá thành.
Người dân đang lo lắng về việc tăng giá điện. Giờ thêm thông tin EVN sẽ đưa khoản lỗ hơn 10.000 tỷ đồng vào giá thành thì càng đáng lo hơn?
- Tâm lý chung thì bất cứ một doanh nghiệp, người dân nào sử dụng điện cũng không muốn tăng giá điện. Kể cả giá điện hiện nay, người sử dụng điện vẫn cho là cao, họ muốn giá phải thấp hơn. Nhưng chúng ta vận hành theo cơ chế thị trường thì mọi chi phí phải tính đúng, tính đủ.
Khi đã tính đúng, tính đủ mà giá thành bắt buộc cao hơn hiện nay thì cũng phải chấp nhận, đừng vì sức ép phải kiềm chế lạm phát mà không tăng giá điện thì sẽ làm méo mó giá thành, méo mó thị trường, vì lâu nay Nhà nước can thiệp quá nhiều. Chúng ta tăng giá điện hợp lý thì cũng có tác dụng để người sử dụng phải có ý thức tiết kiệm năng lượng.
Việc ngành điện kêu lỗ, nhiều ý kiến cho rằng là do ngành điện quản lý không tốt, dẫn đến thất thoát điện rất nhiều? Ông nghĩ sao?
- Theo tôi, nếu quản lý tốt thì tỷ lệ thất thoát điện năm sau phải thấp hơn năm trước. Ngành điện luôn phải đặt mục tiêu để tỷ lệ thất thoát ngày càng giảm, nếu ngược lại thì phải xem lại trách nhiệm của EVN.
Về nguyên tắc, người dân không phải chịu trách nhiệm về sự thất thoát đó của ngành điện. Sự quản lý yếu kém, kết cấu hạ tầng của ngành điện đã cũ, yếu kém dẫn đến thất thoát điện lớn. Đây là điều mà ngành điện phải kiểm tra lại. Có ý kiến đã cho rằng nên quy định mức trần thất thoát của ngành điện.
Hồ Thường (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.