Diễn viên Mạnh Trường: “Không thời gian không chỉ là chuyện của riêng người lính”
Diễn viên Mạnh Trường: “Không thời gian không chỉ là chuyện của riêng người lính”
Theo Nguyên Lê
Chủ nhật, ngày 05/01/2025 10:20 AM (GMT+7)
Bước đi đĩnh đạc, gương mặt cương trực, ánh mắt chân tình, khóe miệng quả quyết... - ngoại hình “lương thiện” cùng nét diễn chân thực, không lên gân của Mạnh Trường đã khiến vai diễn người lính thời bình của anh, với những câu thoại rất dễ bị cho là “cứng” bỗng trở nên thật đời và mềm mại.
Thêm lần nữa mặc áo lính, sau tròn 10 năm vào vai anh lính trẻ trong phim "Đường lên Điện Biên" và lần này là "Không thời gian", liệu thời gian đã kịp đặt vào hành trang của anh những gì?
- Thời gian đã trao cho tôi vốn sống và trường quan sát rộng hơn và cũng sâu hơn cho vai diễn người lính của mình. Thuộc về thế hệ 8X ra đời sau chiến tranh, chúng tôi phần lớn chỉ quen được nghe kể về sự hy sinh của những người lính trong thời chiến mà hơn hết là sự hy sinh cả mạng sống của mình. "Đường lên Điện Biên" là một cơ hội để tôi được cảm nhận rõ hơn sự hy sinh đó qua vai diễn anh lính trẻ trên đường ra trận.
Tới "Không thời gian", sau tròn 10 năm, giờ đây tôi lại được biết thêm sự hy sinh của người lính trong thời bình - điều mà phần nhiều chúng ta không cảm thấy rõ hay thực sự thấu cảm. Bản thân tôi trước khi tham gia bộ phim này cũng từng nghĩ lính thời bình chắc... nhàn.
Nhưng có đi thực tế và trực tiếp tiếp xúc với anh em bộ đội ở các đồn biên phòng cửa khẩu, trò chuyện chân tình với họ, mới biết đằng sau đó có biết bao sự hy sinh thầm lặng, trong đó có cả sự yên ấm của gia đình bởi nỗi "xa mặt cách lòng": Vợ chồng lục đục, có anh còn bị vợ bỏ; lại có người khổ nỗi con hư vì người bố rất ít khi được về nhà, không có thời gian kèm cặp con chu đáo...
Cứu hộ cứu nạn giúp dân lúc thiên tai bão lũ dù vất vả cam go nhưng cũng vẫn mới chỉ là phần bề nổi mà thôi, sâu thẳm trong họ còn những cơn bão lòng khác nữa.... Đó cũng là lý do khiến tôi thích vai diễn của mình ở phần sau hơn vì có cơ hội đào sâu tâm lý nhân vật hơn.
Sở trường dạng vai "soái ca" nhờ ngoại hình bắt mắt, phong thái "chất chơi"..., liệu có khó để Mạnh Trường hóa thân vào một vai diễn phong trần như trung đoàn trưởng Lê Nguyên Đại trong phim "Không thời gian"?
- Thật ra thì bên cạnh các vai "mượt mà" như "soái ca", tôi cũng đã từng có cơ hội thử sức các vai diễn kịch tính, gai góc, chẳng hạn như trong "Hồ sơ cá sấu" (vai diễn từng mang về cho Mạnh Trường Giải thưởng Nam diễn viên chính xuất sắc nhất phim truyện truyền hình tại Cánh Diều Vàng 2020 - P.V) hay "Sinh tử"... Nhưng đúng là để được nhận một vai diễn như trung tá Đại trong "Không thời gian" thì quả là một cơ hội hiếm trong đời diễn xuất. Vì thế khi được mời tham gia, tôi đã ngay lập tức đồng ý khiến đạo diễn Nguyễn Danh Dũng khá bất ngờ vì làm phim này biết trước là vất vả, xa nhà lâu, mà tôi thì lại đang vướng con nhỏ...
Với vai diễn này tôi cũng nhận được khá nhiều trợ lực từ bộ phận cố vấn là các anh bên quân đội sát cánh đi theo đoàn - điều không có ở "Đường lên Điện Biên". Nhờ có các anh kiểm soát giúp lời thoại, uốn nắn cho từng tác phong đi đứng ăn nói, thao tác cứu hộ... thì nhiều trường đoạn diễn mới ra đúng chất lính như vậy. Chẳng hạn như có phân đoạn Trung tá Đại mắng một anh lính trẻ, thường thì trong tình huống đó chỉ cần nhắc nhẹ thôi, làm gì mà căng, nhưng vì kỷ luật quân đội là rất khắt khe nên tôi được các anh xui là... đoạn này Trường cần làm quá lên một chút, trong quân ngũ mắng thế là thường.
Một cảnh trong bộ phim "Không thời gian". Ảnh: Nhân vật cung cấp
Lần đầu nếm vị phim trường tựa thao trường, vị mặn của diễn xuất đã được làm từ những giọt mồ hôi nào?
- Nó là mồ hôi của toàn bộ êkíp, thực sự là một bộ phim rất vất vả (phần sau thì đỡ hơn), phải nói là vất vả gấp nhiều lần so với một phim truyền hình thông thường về đề tài gia đình. Nếu như "Hương vị tình thân" chẳng hạn, trung bình mỗi tập phim 25 phút chỉ cần quay 1 ngày rưỡi hoặc cùng lắm là 2 ngày thì riêng tập 1 của "Không thời gian", bộ phận sản xuất tính nhẩm ra đã quay tới 15 - 20 ngày, trong đó cảnh ngập lụt tuy lên phim chớp nhoáng nhưng phải quay tới gần 10 ngày, bộ phận bối cảnh, quay phim có ngày phải ngâm nước nguyên ngày, từ 5 - 6h sáng... Cảnh sạt lở quay tại Sơn La cũng lại chọn điểm sạt lở nặng nhất, làm đi làm lại, hết múc đất ra rồi lại đổ lại..., sao cho bối cảnh hiện ra chân thật nhất.
Tháng 9 năm ngoái, khi lũ lụt sạt lở càn quét các tỉnh Tây Bắc, anh và gia đình đã chung tay ủng hộ bà con 100 triệu đồng. Tới khi được trực tiếp chứng kiến những cảnh tượng sạt lở tại hiện trường và cũng là phim trường, cảm xúc của anh thêm lần nữa bị rúng động thế nào?
- Từ lúc đọc báo, xem tivi, lướt mạng..., trước những cảnh tượng tang thương của đồng bào, mình đã thấy sức mạnh thiên tai thật khủng khiếp và có những chuyện khiến mình rơi nước mắt vì thương xót. Tới khi ra hiện trường, trước những khung cảnh được tái hiện lại và mình được hóa thân vào bối cảnh đó: Những ngọn đồi sạt lở; những cánh tay chới với qua mái nhà; những bước chân chạy rầm rập, chạy đua với thời gian để kịp cứu người; cảnh cây cối chỏng chơ, nhà cửa hoang tàn đổ nát... thật sự là có những lúc trái tim tôi như bị bóp nghẹt.
Cái chân thật của bối cảnh, cộng hưởng với những xúc cảm sẵn có trước đó, đã giúp tôi có được những trường đoạn diễn mà như không diễn vì cảm xúc rất tự nhiên, rất người và rất đời trong mình lúc đó. Không phải chỉ với diễn viên chuyên nghiệp thôi đâu, ngay cả với diễn viên quần chúng, các cụ già, em bé cũng hóa thân rất "ngọt" vì tất cả đều cùng chung cảm nhận chua xót trước đau thương mất mát.
Với cácphim truyền hình dài tập, thường ra, diễn viên sẽ phải mất 1 - 2 ngày đầu diễn chưa thật là nhập tâm và cần "đề - pa", nhưng riêng phim này, ngay từ tập đầu, ai nấy đều đã ngấm trọn và nhập cuộc rất nhanh vì cảm xúc tự nó đã dâng đầy từ lúc nào.
Đã đến lúc từ giã những vai diễn "soái ca"?
Trong phim "Chúng ta của 8 năm sau", với vai "soái ca", anh đã luôn xuất hiện đúng lúc "nàng thơ" của mình gặp nạn, đúng... công thức phim Hàn. Còn với những cảnh cứu dân trong "Không thời gian", anh không có "công thức" nào cả?
- Cảnh cứu dân đúng là nếu diễn xuất không chân thật sẽ rất dễ gồng và cứng, đòi hỏi diễn viên cần có những đào sâu về tâm lý nhân vật và sáng tạo hơn trong diễn xuất. Chẳng hạn như cảnh trung tá Đại cứu hai cháu bé mà bạn thấy trong poster phim, đó là một phân đoạn diễn mà tôi đã phải thêm nếm vào đó trải nghiệm của một ông bố ba con, khi phải đành lòng để lại người chị dưới chân con dốc trơn trượt để kịp cõng đứa em đang bị sốt li bì về doanh trại cấp cứu. Đoạn này trong kịch bản không mô tả chi tiết và đạo diễn cũng không yêu cầu nhấn nhá, nhưng tôi đã tự ý thêm vào một chi tiết diễn, đó là người lính khi leo tới giữa chừng con dốc đã ngoái lại nhìn người chị đầy ái ngại mà cũng vừa như trấn an cô bé hãy yên tâm ở lại, chờ đồng đội của anh đến đón sau... Đó là một cái ngoái nhìn rất người và rất đời, tự nó bật ra từ cảm xúc diễn đầy chân thật.
Đành rằng những trường đoạn "anh hùng cứu mỹ nhân" thường rất dễ hút fan, nhưng tôi tin có một điểm chạm còn lớn hơn nhiều với khán giả, đó chính là cứu dân, vì phần lớn người Việt mình đều sẵn có trong tim tinh thần đó: Lá lành đùm lá rách, tình đồng bào lúc hoạn nạn...
Soái ca, phong trần, gai góc, thậm chí cả "đa nhân cách"... - sau những vai diễn nhiều màu đó, giờ anh mong muốn sẽ có thêm cơ hội hóa thân nào khác? Đã là lúc ông bố 3 con phải từ giã những vai diễn soái ca chưa?
- Mọi người ở hãng phim vẫn hay trêu tôi, nếu Trường chưa có vợ, lại còn có tới 3 con, hoặc "giấu nhẹm" được chuyện đó, chắc vẫn còn đóng được vai soái ca dài dài. Nhưng vì "trót lộ" rồi, nên hồi đóng "Đừng nói khi yêu", rồi sau đó là "Hương vị tình thân", "Chúng ta của 8 năm sau"... là đã bắt đầu hơi "cấn cá" rồi.
Mạnh Trường và vợ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Giờ thật ra tiêu chí nhận phim của tôi cũng khác trước nhiều. Nếu như 5 - 10 năm trước, thường tôi thích nhận những vai dễ viral, "chắc thắng", nhưng giờ tôi muốn ưu tiên những vai diễn mà ở đó mình phô diễn được nhiều nhất năng lực biến hóa của mình, như từng có cơ hội trong "Hồ sơ cá sấu", "Tình yêu và tham vọng"... Trước, từng mong được vào vai giang hồ, cho khác hẳn vai thư sinh, giờ lại chỉ thích những vai sâu lắng. Một ông bố có vẻ ngoài xù xì khắc khổ lam lũ, và sâu thẳm trong đó là một trái tim tan nát vì bị phản bội, nhiều thua thiệt ẩn ức, nhưng lại luôn tràn ngập tình yêu thương và đức bao dung... chẳng hạn.
Người đóng "Không thời gian" có thấy thiếu thời gian dành cho gia đình?
- Tác phong làm việc của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng vốn dĩ rất nhanh, thường một bộ phim 50 - 60 tập (25 phút/ tập), anh ấy chỉ quay trong 5 - 6 tháng là xong, vậy mà với "Không thời gian", quay 5 tháng mới được có nửa phim. giờ quay đến gần 6 tháng mới được nửa phim. Lúc đi hứa với vợ quay chừng 3 - 4 tháng là về, vậy mà giờ chỉ dám hy vọng kịp về ăn Tết với vợ con.
Nhưng nhìn chung, nghề diễn viên vẫn là một nghề tương đối thuận lợi để song hành cùng đời sống gia đình vì sau những đợt đi phim dài, lại có những quãng nghỉ chừng 1 - 2 tháng để mình hồi lại và lui về chăm lo tổ ấm của mình, vun xới cho những khoảng lặng cần có trong cuộc sống. Giờ phần nhiều chúng ta đều vội vì cứ bị guồng quay công việc nó cuốn đi, hầu hết ai cũng hiểu điều đó và muốn kiểm soát nó tốt nhất có thể nhưng để cưỡng lại nó quả là không dễ dàng, "Không thời gian" vì vậy không chỉ là câu chuyện của riêng người lính mà còn với mỗi chúng ta khi nhìn sâu vào cuộc sống của mình...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.