T-62 là xe tăng chủ lực hiện đại nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện nay. Mẫu tăng này hiện cũng sở hữu khẩu pháo lớn nhất trong lực lượng xe tăng Việt Nam, lên tới 115mm. Ảnh: Xe tăng T-62 được giới thiệu với đoàn cán bộ cấp cao Binh chủng Tăng – Thiết giáp. Nguồn ảnh: Báo QĐND.
Khác với pháo D-10T hay D-10T2S trên T-54/55, pháo 115mm của xe tăng T-62 được thiết kế bọng hút khói ở 2/3 thân nòng giúp xả khói thuốc phóng ra ngoài thay vì bị đẩy ngược vào trong (như trên T-54/55) sau khi khai hỏa. Ngoài ra, T-62 còn có hệ thống đẩy vỏ thuốc phóng sau khi bắn ra ngoài.
Xe tăng T-62 của Việt Nam được xem là loại xe tăng đầu tiên trên thế giới được trang bị pháo nòng trơn – khẩu U-5TS 115mm (tên mã thiết kế là 2A20) ra đời từ cuối những năm 1950 cùng với chương trình phát triển T-62.
Khẩu pháo nòng trơn U-5TS 115mm nặng 2,38 tấn, tốc độ bắn ước tính đạt 6-10 phát/phút.
Sự cải tiến có ý nghĩa nhất so với nòng D-10T của T-54/55 là pháo U-5TS có khả năng bắn loại đạn xuyên giáp sử dụng thanh xuyên có cánh định hướng APFSDS, sơ tốc đầu nòng cao khoảng 1,6km/s. Loại đạn này có đạn đạo rất ổn định nên tầm hiệu quả tối đa vào khoảng 1,6 km.
Kho đạn trên xe tăng T-62 gồm 40 viên: 12 viên đạn xuyên giáp APFSDS kiểu BM-3; 6 đạn nổ chống tăng HEAT kiểu BK-4, BK-4M và 22 đạn nổ phá HE OF-18.
Đặc biệt, pháo chính U-5TS có thể tích hợp phóng tên lửa chống tăng qua nòng, có ít nhất ba loại tên lửa ATGM được thiết kế cho xe tăng T-62, gồm: 9M117 Bastion xuyên giáp đồng nhất dày 550mm sau gạch phản ứng nổ ERA; 9M117M Kan xuyên giáp đồng nhất dày 600mm sau ERA và 9M1117M1 Arkan xuyên giáp dày 850mm sau ERA, tầm bắn 100-6.000m.
Pháo 115mm nòng trơn được đánh giá là mạnh hơn 30% so với pháo 100mm của T-54/55 và mạnh hơn 20% so với pháo 105mm trang bị trên xe tăng M60 Patton của Mỹ, đem lại cho T-62 sức mạnh hỏa lực trội hơn các đối thủ cùng thời.
Với hệ ổn định hai trục Meteor, xe tăng T-62 có thể vừa di chuyển vừa khai hỏa chính xác. Giới quân sự Mỹ từng thử nghiệm T-62 cho biết rằng, phát bắn đầu tiên của U-5TS đạt độ chính xác 70% với mục tiêu di chuyển cách 1.000m trong khi xe tăng di chuyển với tốc độ 20km/h.
Tuy nhiên hệ thống hỏa lực của xe tăng T-62 không phải là không có điểm yếu. T-62 được các chuyên gia đánh giá rằng nó mắc phải điểm yếu chung của dòng họ tăng Nga: góc hạ nòng súng thấp, khoang điều khiển chật hẹp.
Hệ thống tự động hất vỏ đạn cũng gây nên sự rò rỉ ngược khí carbonic và gây thương tổn vật lý khi vỏ đạn văng ra khỏi nòng cho thành viên tổ lái, thêm vào đó, lỗ hất vỏ đạn là một khe hở chết người của hệ thống NBC. Mỗi khi bắn, khẩu pháo phải nằm đúng vị trí khe hất vỏ đạn, đồng thời tháp pháo cũng không thể quay khi đang thao tác nạp đạn. Mặc dù xa trưởng có khả năng chiếm quyền của pháo thủ và quay tháp pháo nhưng anh ta không thể bắn từ vị trí chỉ huy vì không có tầm quan sát.
Việc quay tháp pháo bằng tay (tất nhiên pháo cũng có hệ thống quay điện) có tốc độc khá chậm (cần 20 giây để tháp pháo quay được 1 vòng, chậm hơn 5 giây so với M60 của Mỹ).
Chiến Xa (Kiến Thức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.