Điều gì đã khiến Mỹ thảm bại trước Phát xít Nhật trong hải chiến 1942?

PV (Theo WATM) Thứ hai, ngày 30/08/2021 20:30 PM (GMT+7)
Hàng loạt sai lầm về chiến thuật và chỉ huy khiến Mỹ chịu thiệt hại nặng trước phát xít Nhật trong trận hải chiến chớp nhoáng gần đảo Savo năm 1942.
Bình luận 0

Vùng biển Ironbottom Sound gần quần đảo Solomon trên Thái Bình Dương được coi là một trong những nấm mồ tàu chiến lớn nhất thế giới, bởi nó đã chôn vùi khoảng 50 chiến hạm trong Thế chiến II. Một trong những sự kiện khiến vùng biển này trở nên nổi tiếng như vậy là hải chiến ngoài khơi đảo Savo năm 1942, nơi hải quân Mỹ hứng chịu thất bại nặng nề nhất trong lịch sử.

Tháng 8/1942, quân Đồng minh với nòng cốt là thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên đảo Guadalcanal, Tulagi và Nggela ở phía đông quần đảo Solomon nhằm cản bước quân Nhật, đồng thời khống chế tuyến đường hậu cần và liên lạc giữa Mỹ, Australia và New Zealand.

Điều gì đã khiến Mỹ thảm bại trước Phát xít Nhật trong hải chiến 1942? - Ảnh 1.

Đường di chuyển của nhóm tàu chiến Nhật để tiếp cận đảo Savo. Ảnh: Wikipedia.

Ngày 7/8, binh sĩ Đồng minh đổ bộ lên các đảo dưới sự yểm trợ của tuần duyên Australia và lực lượng Mỹ với 8 tàu tuần dương và 15 tàu khu trục do chuẩn đô đốc Victor Crutchley chỉ huy. Nhật Bản khi đó đang xây dựng sân bay Henderson trên đảo Guadalcanal, việc Mỹ tăng cường quân trên đảo được coi là mối đe dọa trực tiếp với họ.

Hải quân Nhật Bản quyết định triển khai lực lượng đối phó gồm 7 tàu tuần dương và một tàu khu trục dưới sự chỉ huy của phó đô đốc Gunichi Mikawa. Ý định của Nhật là gây gián đoạn hoạt động đổ bộ bằng cách tấn công đội tàu hỗ trợ và chiến hạm cảnh giới. Các tàu chiến Nhật đi qua eo biển St. George để tiếp cận đảo Savo, nơi Mỹ đang phong tỏa tuyến đường biển dẫn đến bãi đổ bộ trên đảo Guadalcanal.

Ngày 8/8, tàu chiến Nhật ẩn náu gần đảo Bougainville và triển khai máy bay trinh sát, họ nhanh chóng phát hiện hạm đội Mỹ chia làm ba nhóm đóng quân gần quần đảo Solomon.

Phó đô đốc Gunichi Mikawa cho rằng quân Nhật có thể diệt gọn một nhóm tàu chiến trước khi phần còn lại của hạm đội Mỹ có thể hỗ trợ. Mục tiêu được chọn là nhóm tàu ở đảo Savo. Ngày 9/8, tàu chiến Nhật lợi dụng đêm tối để di chuyển và phát động tấn công.

Hạm đội Mỹ trước đó được cảnh báo rằng tàu chiến Nhật đang hiện diện trong khu vực. Tàu ngầm và trinh sát cơ Đồng minh phát hiện đối phương nhưng phát cảnh báo muộn, khiến các chỉ huy đánh giá sai về thông tin tình báo. Tệ hơn nữa, chỉ huy lực lượng cảnh giới trực tiếp đi báo cáo tại sở chỉ huy mà không cử người phụ trách thay thế.

1h42 ngày 9/8, quân Nhật bắt đầu tấn công. Lính gác trên các tàu Nhật đã phát hiện, xác định số lượng tàu Mỹ và cung cấp dữ liệu cho hệ thống điều khiển hỏa lực. Ngay trước khi pháo sáng Nhật Bản rọi xuống khu vực, khu trục hạm Patterson của Mỹ đã phát hiện kẻ địch và phát báo động.

USS Patterson đuổi theo nhóm tàu đối phương, bắn một số phát pháo trúng đích nhưng không thể phóng ngư lôi.

Đến lúc này, các tàu chiến Nhật đã ngắm chuẩn vào mục tiêu và di chuyển từ những hướng mà hải quân Mỹ không ngờ tới, bắt đầu nã đạn vào chiến hạm Mỹ ở khoảng cách chỉ vài km. Ngư lôi được quân Nhật phóng ra, đánh trúng đích trước cả khi thủy thủ đoàn các tàu chiến Mỹ và Australia kịp đến vị trí chiến đấu.

Hạm trưởng HMS Canberra của Australia thiệt mạng ngay trong loạt đạn đầu tiên, con tàu cũng mất khả năng chiến đấu ngay sau đó.

Tuần dương hạm USS Chicago trúng một quả ngư lôi và phần mũi tàu gần như bị thổi bay hoàn toàn. Tuy nhiên, pháo thủ trên tàu vẫn liên tục nã đạn vào hai mục tiêu trong đêm tối, một trong đó có thể là tàu Nhật.

Điều gì đã khiến Mỹ thảm bại trước Phát xít Nhật trong hải chiến 1942? - Ảnh 2.

Vị trí nhóm tàu chiến Nhật (trái) và ba nhóm tàu chiến Mỹ rạng sáng 9/8/1942. Đồ họa: Wikipedia.

Nhóm tàu chiến Nhật kết thúc giao tranh lúc 1h44, chỉ hai phút sau khi họ khai hỏa. Họ không chịu thiệt hại nặng nào, vô hiệu hóa được hai tàu tuần dương và làm hỏng một tàu khu trục đối phương. Phần còn lại của hạm đội Mỹ vẫn chưa biết về trận đánh, trong khi nhóm tàu Nhật tiếp tục hướng tới mục tiêu tiếp theo ở phía bắc quần đảo Solomon.

Quá trình hiệp đồng cơ động của hạm đội Nhật không ăn khớp, cho phép lực lượng Mỹ ở phía bắc nắm tình hình về trận đánh. Điều này khiến nhóm tác chiến Nhật mất yếu tố bất ngờ, nhưng liên lạc gián đoạn khiến quân Mỹ không biết đối phương đã chia làm hai mũi, chiếm vị trí thuận lợi để tung ra đòn tấn công bằng pháo và ngư lôi.

Lúc 1h50, tuần dương hạm hạng nặng USS Vincennes phát hiện mục tiêu khi tuần tra nhưng vẫn chưa thể xác định rõ danh tính đối phương. Đội pháo thủ xin phép bắn vào tàu rọi đèn pha của Nhật nhưng bị bác bỏ do cấp trên cho rằng đó có thể là tàu Mỹ.

Các tuần dương hạm Nhật Bản nã pháo vào mạn trái tàu Vincennes, các quả đạn xuyên thủng vỏ giáp, phá hủy một máy bay và gây cháy trong thân. Ngọn lửa dữ dội gây khó khăn cho công tác chữa cháy, cũng như nguy cơ cháy nổ đạn pháo, thuốc súng và bom chìm cất trong thân tàu. Sau nhiều lần trúng đạn, Vincennes bốc cháy và chìm xuống biển lúc 2h03. Thủy thủ đoàn nhảy xuống biển thoát thân.

Cùng lúc tàu Vincennes đối đầu với hạm đội Nhật, tuần dương hạm hạng nặng USS Astoria cũng phát hiện chiến hạm Nhật và phát lệnh sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, nó bị trúng đạn khi thủy thủ đoàn chưa kịp vào vị trí. Hạm trưởng tin rằng đây là sự cố bắn nhầm của quân đồng minh và ra lệnh ngừng bắn cho đến 1h54.

Tuần dương hạm hạng nặng Chokai của Nhật liên tục nã pháo vào Astoria và đánh trúng đích ở loạt đạn thứ năm, xuyên thủng cấu trúc thượng tầng và đài chỉ huy. Tàu chiến Mỹ chỉ có thể bắn trúng Chokai một phát trước khi mất khả năng chiến đấu.

Điều gì đã khiến Mỹ thảm bại trước Phát xít Nhật trong hải chiến 1942? - Ảnh 3.

USS Quincy bị tàu chiến Nhật chiếu đèn và nã pháo cấp tập. Ảnh: Wikipedia.

Tuần dương hạm hạng nặng USS Quincy cũng bị tấn công và chịu thiệt hại nặng nhất trong trận đánh. Chỉ huy tàu lo rằng họ đang bị trúng hỏa lực đồng minh và ra lệnh ngừng bắn, bật đèn nhận dạng. Đạn pháo của Nhật nhanh chóng xuyên thủng nhà chứa máy bay và đốt cháy một phi cơ bên trong. Ngọn lửa quá nóng khiến thủy thủ đoàn không thể tiếp cận để đẩy máy bay xuống biển, khiến nó trở thành bia ngắm chuẩn cho các tàu chiến Nhật.

Nhóm tàu chiến Nhật chỉ dừng tấn công và rút lui lúc 2h15. Nhật Bản đánh chìm ba tàu chiến Mỹ, một tàu Australia và khiến hơn 1.100 thủy thủ thiệt mạng, trong khi chỉ tổn thất 129 binh sĩ và không mất tàu nào.

Thất bại này khiến thủy quân lục chiến Mỹ trên đảo Guadalcanal không được tiếp tế trong vòng ba tháng dù chiếm được sân bay Henderson. Dù vậy, quân Đồng minh cuối cùng cũng chiến thắng trong trận Guadalcanal, bước quan trọng dẫn đến thất bại cuối cùng của Nhật Bản.

Trận hải chiến đảo Savo chỉ kéo dài tổng cộng 37 phút, nhưng được coi là thất bại tồi tệ nhất trong lịch sử hải quân Mỹ, xếp trên cả trận tập kích Trân Châu Cảng cuối năm 1941. Một bài phân tích chiến thuật và chiến lược được hải quân Mỹ công bố năm 1950 đã ca ngợi tài cầm quân của đô đốc Gunichi Mikawa trong chiến thắng này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem