Bà Trần Thị Kết và ông Nguyễn Văn Quang chưa đăng ký kết hôn, ông bà có một người con. Sau đó, ông Quang hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, được công nhận là liệt sĩ. Bà Kết một mình nuôi dưỡng người con này, không kết hôn và không có thêm người con nào khác.
Gia đình ông Quang đã thừa nhận người cháu. Tuy nhiên, khi làm thủ tục hưởng chế độ con liệt sĩ cho cháu nội, gia đình ông Quang lại kê khai bà Kết đã tái giá.
Hiện nay con của ông Quang đang được hưởng chế độ đối với thân nhân liệt sĩ.
Vậy, trường hợp bà Kết có được xem xét để công nhận là vợ liệt sỹ không? Nếu được thì cần phải làm các giấy tờ gì, liên hệ với cơ quan nào?
Về trường hợp của bà Kết, Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Điều 14 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng quy định thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp "Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ" để hưởng các chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sĩ bao gồm:
- Cha đẻ, mẹ đẻ
- Vợ hoặc chồng
- Con
- Người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ.
Theo nội dung phản ánh, trường hợp như bà Kết là trường hợp ít gặp, pháp luật về ưu đãi đối với người có công với cách mạng chưa có quy định cụ thể.
Theo luật sư, để xác định bà Kết là vợ của ông Quang trong hôn nhân thực tế trước khi ông Quang hi sinh, cần có tài liệu, giấy tờ xác nhận của UBND cấp xã về các vấn đề sau:
- Thời gian ông Quang và bà Kết chung sống như vợ chồng hoặc có quan hệ tình cảm như vợ chồng.
- Bản sao Giấy khai sinh con liệt sĩ (để xác định cha, mẹ).
- Sau khi ông Quang hy sinh, một mình bà Kết nuôi dưỡng và chăm sóc con chung với liệt sĩ. Bà không kết hôn với người nào nữa, cũng không có thêm con ngoài giá thú.
- Gia đình, họ hàng liệt sĩ Quang có xác nhận con do bà Kết sinh ra là con của liệt sỹ Quang.
- Con chung của bà Kết và liệt sĩ Quang đã được Nhà nước công nhận là con liệt sĩ.
Thời điểm bà Kết sinh con chung với ông Quang và thời điểm ông Quang hi sinh xảy ra trước ngày 3.1.1986 (trước ngày Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 có hiệu lực thi hành). Theo luật sư, vận dụng điểm a, mục 3 Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 9.6.2000 của Quốc hội; điểm d mục 2 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 3.1.2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và điểm a, mục 1, Phần II Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16.4.2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, làm căn cứ xác định trường hợp bà Trần Thị Kết và ông Nguyễn Văn Quang có quan hệ hôn nhân thực tế, việc họ chung sống với nhau đã được người khác hay tổ chức chứng kiến, nhưng chưa đăng ký kết hôn.
Qua các tài liệu, giấy tờ xác nhận của UBND xã mà có cơ sở xác định bà Kết là vợ của liệt sỹ Quang, thì giải quyết chế độ ưu đãi thân nhân liệt sỹ đối với bà Kết theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
Hồ sơ, thủ tục hưởng chế độ
Căn cứ Điều 6, Điều 7 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15.5.2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân, hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi gồm:
- Giấy báo tử.
- Bản sao Bằng “Tổ quốc ghi công”.
- Bản khai tình hình thân nhân liệt sĩ (theo mẫu LS4).
Đại diện thân nhân liệt sĩ có trách nhiệm lập bản khai tình hình thân nhân kèm biên bản ủy quyền và bản sao Bằng “Tổ quốc ghi công” gửi UBND cấp xã.
UBND cấp xã trong thời gian 5 ngày kể từ ngày nhận được bản khai, có trách nhiệm chứng nhận bản khai tình hình thân nhân liệt sĩ; gửi các giấy tờ theo quy định nêu trên đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 5 ngày kể từ ngày nhận được giấy tờ, có trách nhiệm tổng hợp, lập danh sách, gửi các giấy tờ theo quy định nêu trên đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ hợp lệ, có trách nhiệm ra quyết định cấp giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ và trợ cấp hàng tháng hoặc quyết định trợ cấp một lần
Vui lòng nhập nội dung bình luận.