Theo trình bày của Giang Kim Đạt ở giai đoạn điều tra và tại phiên toà sơ thẩm vụ án tham nhũng xảy ra ở Tổng công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương (Vinashinlines), trước khi vào làm việc ở Vinashinlines, bị cáo làm việc cho một công ty của người bạn từ năm 2005, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực môi giới hàng hải và vận tải hàng hóa.
Từ hoạt động trên, Giang Kim Đạt đã quen biết với bị cáo Trần Văn Liêm – nguyên Tổng GĐ Vinashinlines (người bị đề nghị mức án chung thân vì tội Tham ô tài sản).
Bị cáo Giang Kim Đạt (đứng trên nhất) – người bị đề nghị mức án tử hình về tội Tham ô tài sản.
Sau vài lần gọi điện và trao đổi, bị cáo Liêm nói với Giang Kim Đạt là Vinashinlines có nhu cầu tuyển người, đề nghị về làm cùng. Đến tháng 5.2006, Trần Văn Liêm ký quyết định chính thức tiếp nhận Đạt vào làm việc tại Vinashinlines.
Trong Quyết định số 11 ngày 18.6.2016, Viện KSND Tối cao đã yêu cầu làm rõ các vấn đề liên quan đến Giang Kim Đạt về thời gian làm việc, chức năng, nhiệm vụ được phân công tại Vinashinlines.
Văn bản số 422 ngày 8.7.2015, Vinashinlines cho biết lúc mới vào Vinashinlines (tháng 5.2006), Giang Kim Đạt là cán bộ, làm việc tại Phòng khai thác 2. Khi Vinashinlines thành lập Phòng kinh doanh và quan hệ quốc tế vào tháng 8.2006, Giang Kim Đạt được bổ nhiệm giữ chức vụ Quyền Trưởng phòng.
Đến tháng 10.2006 khi sáp nhập Phòng khai thác 2 và Phòng kinh doanh & quan hệ quốc tế thành Phòng kinh doanh, Giang Kim Đạt được bổ nhiệm Quyền Trưởng phòng. Một năm sau đó, vào tháng 10.2007, Vinashinlines chấm dứt hợp đồng lao động với Giang Kim Đạt.
Đến ngày 3.4.2008 Vinashinlines tiếp nhận lại Giang Kim Đạt về làm cố vấn cao cấp cho Tổng Giám đốc về kinh doanh quốc tế. Tuy nhiên, chưa đầy 10 ngày sau, hợp đồng lao động giữa Giang Kim Đạt và Vinashinlines đã bị chấm dứt (11.4.2008).
Chỉ một tháng sau đó, đến ngày 10.5.2008 Giang Kim Đạt lại được tiếp nhận vào Vinashinlines và được bổ nhiệm làm Quyền Trưởng phòng kinh doanh. Tuy nhiên chỉ 40 ngày sau, đến 20.6.2008, Vinashinlines chấm dứt hợp đồng lao động với Giang Kim Đạt. Như vậy chỉ trong 3 năm, Giang Kim Đạt đã 3 lần ra vào Vinashinlines.
Trong bài bào chữa kéo dài hơn một giờ đồng hồ vào chiều 18.2, Luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn luật sư TP. HCM – bào chữa cho Giang Kim Đạt) đã nói, không thấy trong hồ sơ vụ án các hợp đồng lao động từ lần thứ nhất đến lần thứ ba như văn bản Vinashinlines đã nêu.
Tại phiên toà, Giang Kim Đạt khẳng định không ký hợp đồng lao động nào với Vinashinlines, vì chưa có bằng đại học, nên không được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
Trong bài bào chữa luật sư Phan Trung Hoài cũng nêu: “Theo Quy chế của Vinashinlines, thẩm quyền tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức thuộc về ông Trần Văn Liêm – lúc đó là Tổng GĐ, nhưng tính hợp pháp, hợp lệ của một số quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm, cử đi công tác… được thu thập trong hồ sơ vụ án cần phải được xem xét lại. Lý do, một số quyết định chỉ có chữ ký mà không đóng dấu của Vinashinlines như tại bút lục số 12823, 12831, 12832, 12859, 12860”.
Vào chiều 18.2, phiên tòa sơ thẩm vụ án Giang Kim Đạt và đồng phạm kết thúc ngày làm việc thứ ba. Tại ngày xử thứ ba, đại diện Viện KS đã đề nghị các mức án dành cho 4 bị cáo.
Bị cáo Trần Văn Liêm - nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) bị đề nghị mức án chung thân vì tội Tham ô tài sản, với số tiền chiếm đoạt 3,1 tỷ đồng.
Bị cáo Giang Kim Đạt (SN 1977, ở Bình Thạnh, TP.HCM) - nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh Vinashinlines - bị đề nghị mức án tử hình vì tội Tham ô tài sản, với số tiền chiếm đoạt hơn 255 tỷ đồng.
Bị cáo Trần Văn Khương (SN 1950, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) - nguyên Kế toán trưởng Vinashinlines - bị đề nghị mức án 20 năm tù vì tội Tham ô tài sản, với số tiền chiếm đoạt 110 nghìn USD.
Bị cáo Giang Văn Hiển (bố của Giang Kim Đạt) bị đề nghị 8-9 năm tù về tội Rửa tiền.
Đại diện Viện KS cho rằng, có đủ căn cứ xác định, trong quá trình thực hiện dự án mua tàu và khai thác, kinh doanh cho thuê tàu biển, các bị cáo Liêm, Đạt và Khương đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt Vinashinlines tổng số tiền hơn 260 tỷ đồng. Trong đó, bị can Liêm chiếm đoạt 3,1 tỷ đồng, bị can Đạt chiếm đoạt hơn 255 tỷ đồng, bị can Khương chiếm đoạt 110.000USD.
Để che giấu nguồn tiền bất chính, bị cáo Đạt nhờ bố là Giang Văn Hiển mở nhiều tài khoản ngân hàng để rút ngoại tệ, mua 40 bất động sản gồm nhà ở, biệt thự, đất đai ở TP.HCM, Hà Nội, TP.Nha Trang (Khánh Hòa)… cùng 13 ô tô đứng tên ông Hiển và người thân trong gia đình.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.