Các bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Bãi Cháy vừa thực hiện thành công phẫu thuật nội soi ổ bụng khâu gấp nếp điều trị nhão cơ hoành cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh bị bỏng điện di chứng sẹo co kéo vùng cổ - ngực - bụng nhiều năm.
Đây là bệnh lý hiếm gặp có thể gây suy hấp và ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân nếu không được chẩn đoán, điều trị tận gốc.
Khó thở, đau tức ngực vì nhão cơ hoành
Bệnh nhân Phạm H T (60 tuổi, trú tại TP Hạ Long, Quảng Ninh) có tiền sử tăng huyết áp, bỏng điện di chứng sẹo co kéo vùng cổ -ngực - bụng hơn 30 năm.
Cách đây khoảng 1 năm, bệnh nhân biểu hiện triệu chứng như: đau tức ngực, hạ sườn bên trái, kèm theo ợ hơi, ợ chua, tăng lên khi ăn no, nuốt cảm giác vướng nghẹn, không khó thở, chưa điều trị gì.
Đến khám tại Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Bãi Cháy, bệnh nhân được thực hiện các xét nghiệm cần thiết như X-quang ngực, siêu âm ổ bụng, điện tim, đo chức năng hô hấp, xét nghiệm máu…và các xét nghiệm kỹ thuật cao như cắt lớp vi tính lồng ngực, nội soi dạ dày…
Qua thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, hội chẩn chuyên môn, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhão cơ hoành trái theo dõi do liệt dây thần kinh hoành trái trên nền tăng huyết áp, bỏng điện di chứng sẹo co kéo vùng cổ - ngực - bụng và chỉ định phẫu thuật nội soi ổ bụng khâu gấp nếp điều trị nhão cơ hoành trái.
Ca phẫu thuật do ekip của bác sĩ Dương Xuân Hiệp - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, bác sĩ Nguyễn Thanh Hưng, bác sĩ Tăng Văn Huy thực hiện thành công.
Sau phẫu thuật 3 ngày, bệnh nhân ổn định sức khỏe, ăn ngủ được, không khó thở, không đau ngực, phổi hai bên thông khí tốt. Dự kiến bệnh nhân được xuất viện trong vài ngày tới.
Nhão cơ hoành là bệnh gì?
Theo bác sĩ Tăng Văn Huy, khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Bãi Cháy, cơ hoành là phần cơ hình vòm, ngăn cách giữa khoang ngực (chứa tim, phổi) và khoang bụng (chứa các cơ quan trong ổ bụng).
Đây là cơ chủ yếu của hệ hô hấp, giúp con người có thể hít thở bình thường. Bệnh lý nhão cơ hoành là kết quả của sự ngừng xung động thần kinh đi xuống qua dây thần kinh hoành, làm cho cơ hoành mất trương lực và không vận động, co giãn được.
Có nhiều nguyên nhân gây nhão cơ hoành như bẩm sinh hoặc mắc phải (do chấn thương, do khối u xâm lấn – chèn ép, nhiễm độc thần kinh…). Bệnh tương đối ít gặp và các triệu chứng thường không điển hình.
Bác sĩ Huy cho biết: “Nhão cơ hoành (trái) có nhiều điểm khác với nhão cơ hoành (phải) như: đau vùng mũi ức hay hạ sườn (trái), ợ hơi, buồn nôn… nhất là sau ăn no (do cơ hoành mất trương lực dâng lên cao làm dạ dày và thực quản gấp khúc, gây ứ đọng thức ăn..).
Chụp X-quang ngực thẳng đặc trưng bởi hình ảnh vòm hoành (trái) lên cao (có khi tới liên sườn II), di động vòm hoành giảm hoặc có thể ngược chiều với vòm hoành (phải).
Phẫu thuật luôn là lựa chọn đầu tiên trong điều trị nhão cơ hoành, các phương pháp khác chỉ làm giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh. Trong đó, phẫu thuật nội soi qua vết mổ nhỏ giúp bệnh nhân ít mất máu, hồi phục nhanh, thời gian nằm viện ngắn, chất lượng về sau của người bệnh tốt hơn”.
Theo bác sĩ Huy, nhão cơ hoành là bệnh lý hiếm gặp, khó phát hiện và dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như: nang thùy dưới phổi, viêm phổi, bệnh phổi biệt lập,… do các triệu chứng không đặc trưng, thường được phát hiện tình cờ khi chụp X-quang phổi.
Dù không phải là bệnh cấp cứu nguy hiểm, tuy nhiên nhão cơ hoành có thể là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý khác như: khó thở kéo dài dẫn đến suy hô hấp, viêm phổi, rối loạn tiêu hóa. Nếu không phát hiện đúng bệnh mà chỉ điều trị triệu chứng, người bệnh dễ bị tái đi tái lại nhiều lần, cơn đau dai dẳng gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
"Người dân nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện các bệnh lý nếu có và điều trị kịp thời. Trường hợp phát hiện mắc bệnh lý nhão cơ hoành, bệnh nhân cần lựa chọn nơi điều trị có chuyên khoa sâu về lồng ngực.
Tránh để lâu gây ra nguy cơ biến chứng có thể gặp trong và sau phẫu thuật như chảy máu, nhiễm trùng, tràn máu tràn khí màng phổi, tái phát bệnh, suy hô hấp phải nằm thở máy lâu dài", bác sĩ Huy khuyến cáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.