Đình chỉ công tác cán bộ Nhà nước căn cứ theo quy định nào?
Đình chỉ công tác cán bộ Nhà nước trong trường hợp nào?
PV
Thứ tư, ngày 12/08/2020 08:02 AM (GMT+7)
Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tham nhũng có nêu căn cứ ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác.
Như Dân Việt đưa tin, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 1223/QĐ-TTg tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Quyết định nêu rõ, tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan của ông Nguyễn Đức Chung trong một số vụ án theo quy định của pháp luật.
Thời hạn tạm đình chỉ công tác là 90 ngày, kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ công tác.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, Điều 43 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tham nhũng có nêu căn cứ ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác.
Cụ thể, việc quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người có chức vụ, quyền hạn chỉ được thực hiện khi có căn cứ cho rằng người đó có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng và có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý nếu vẫn tiếp tục làm việc.
Căn cứ cho rằng người có chức vụ, quyền hạn có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng khi thuộc một trong các trường hợp dưới đây.
Có văn bản yêu cầu của Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân.
Qua xác minh, làm rõ nội dung theo đơn tố cáo phát hiện người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng.
Qua công tác tự kiểm tra trong cơ quan, tổ chức, đơn vị phát hiện người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng.
Qua công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phát hiện người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Bên cạnh đó, người có chức vụ, quyền hạn được coi là có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi người đó có một trong các hành vi sau.
Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cung cấp thông tin, tài liệu không đầy đủ, sai sự thật.
Cố ý trì hoãn, trốn tránh không thực hiện yêu cầu của người có thẩm quyền trong quá trình xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng.
Tự ý tháo gỡ niêm phong tài liệu, tiêu hủy thông tin, tài liệu, chứng cứ; tẩu tán tài sản có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình, của người khác hoặc dùng hình thức khác để che giấu hành vi vi phạm pháp luật, gây khó khăn cho việc xác minh, làm rõ.
Trong một diễn biến có liên quan, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an đã xác nhận, việc ông Nguyễn Đức Chung bị đình chỉ sinh hoạt các chức vụ Đảng và bị tạm đình chỉ Chủ tịch UBND TP.Hà Nội 90 ngày để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan trong một số vụ án.
Thứ nhất, vụ án "Buôn lậu", "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", "Rửa tiền", "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và một số đơn vị liên quan.
Thứ hai, vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại thành phố Hà Nội.
Thứ ba là vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.