Ông Lý Trường Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Bến xe Hà Nội cho biết, đến sáng ngày hôm nay (24.4), Công ty đã nhận được thông báo tăng giá cước của 18 đơn vị vận tải chạy trên 37 tuyến xe khách liên tỉnh với giá cước tăng cao nhất lên tới 50% trong dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia giao thông và cơ quan quản lý bến xe, doanh nghiệp vận tải tăng giá cước là hoàn toàn hợp lý và không có gì bất thường để bù lỗ chi phí hoạt động trong khi giá xăng dầu liên tục có sự điều chỉnh.
|
Giá cước vận tải đồng loạt tăng cao trên nhiều tuyến dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Giá vé tăng tới 50%
Theo ông Sơn, các đơn vị vận tải tăng giá vé chủ yếu tập trung ở các tuyến có cự ly ngắn và xen kẽ một số nhà xe có hành trình đi các tỉnh Nghệ An, Lai Châu, Hà Giang.
Tại Bến xe Mỹ Đình, 12 doanh nghiệp vận tải hoạt động trên 33 tuyến đã chính thức công bố điều chỉnh giá vé mới trong dịp nghỉ lễ này với mức tăng từ 7 - 50%.
Cụ thể, tuyến xe Mỹ Đình về Sơn La của Công ty Vận tải Hưng Thành có mức tăng từ 180.000 - 220.000 đồng (tăng 22%); Công ty vận tải ôtô Ninh Bình chạy hành trình Mỹ Đình về Kim Sơn đã điều chỉnh vé từ 75.000 - 90.000 đồng (tăng 20%).
Cá biệt, một doanh nghiệp đã chính thức "áp" mức tăng giá vé dịp 30/4 lên 50%. Cụ thể, giá vé từ Bến xe Mỹ Đình về Trực Ninh (Nam Định) của Công ty Vận tải Nam Trực trước kia có giá 40.000 đồng thì nay tăng tới 60.000 đồng.
Tại Bến xe Giáp Bát, giá vé của Xí nghiệp Vận tải Tiến bộ với hành trình từ Giáp Bát - Kiến Xương, Thái Thụy có mức tăng thấp nhất là 7% (75.000 - 80.000 đồng/chặng); Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Lý Thảo là đơn vị tăng giá vé cao nhất tại bến này cũng chỉ nâng tới mức 20% so với giá niêm yết vé trước đây.
Ông Sơn cũng cho hay, từ nay đến dịp nghỉ lễ, bến xe vẫn không thể biết được còn doanh nghiệp nào đề xuất tăng giá vé nữa, bởi việc này nằm ngoài khả năng của bến.
"Bến xe chỉ có trách nhiệm niêm yết công khai bảng giá vé. Doanh nghiệp vận tải được điều chỉnh giá cước khi sau khi đã kê khai với Sở Tài chính và Sở Giao thông Vận tải, Chi cục Thuế và thực hiện theo Thông tư liên tịch số 129 ban hành năm 2010 giữa Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính. Sau 3 ngày, cơ quan chức năng không có phản hồi thì doanh nghiệp được quyền áp dụng giá cước mới," ông Sơn lý giải rõ hơn.
Giá cước tăng không có gì bất thường
Đa số các đơn vị vận tải cho rằng, giá xăng dầu thời gian qua giảm qua 2 lần cũng chỉ gần 1.000 đồng và chưa bằng mức tăng 1.400 đồng/lít vào ngày 28.3. Hơn nữa, qua các đợt tăng giá vừa qua, các nhà xe cũng chưa điều chỉnh giá vé. Để không phải bù lỗ, các doanh nghiệp vận tải buộc phải tăng giá vé nhằm bù đắp các chi phí.
Đề cập đến việc giá cước vận tải tăng vào đúng dịp nghỉ lễ khi mà nhu cầu đi lại cao, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, doanh nghiệp tăng giá vào kỳ nghỉ lễ là không hay lắm nhưng bản thân họ cũng không còn chịu được khi giá xăng dầu liên tục "nhảy múa".
"Suốt một thời gian dài giá xăng dầu tăng nhưng các đơn vị vận tải do ít khách nên không tăng giá vé, chịu thua lỗ. Nay tăng giá vé để bù lỗ thời gian vừa qua," ông Liên nhìn nhận thực tế.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết, tuyến Hà Nội - Trực Ninh xuất phát từ Bến xe Mỹ Đình tuy đợt này tăng 50% lên 60.000 đồng/lượt, nhưng so với cự ly các tuyến đi Nghĩa Hưng hay Nam Trực là tương đương cả về giá và quãng đường.
Giải thích rõ hơn, ông Tuấn cho rằng, đơn vị trên nâng cước vận tải đến 50% bởi khi giá xăng dầu tăng, hãng xe này không tăng giá vé tuyến đường này, đến nay mới tăng lên một thể. Nhìn chung, giá cước lại không cao so với các đơn vị khác.
"Qua xem xét cho thấy, việc tăng 50% giá vé của doanh nghiệp vận tải đối với tuyến Hà Nội- Trực Ninh trong đợt này là không có gì bất thường, hoàn toàn hợp lý," ông Tuấn khẳng định.
Cũng theo ông Tuấn, để góp phần bình ổn giá cước vận tải, Bến xe Mỹ Đình đã khuyến cáo các hãng xe tạm ngừng điều chỉnh giá vé.
Theo đó, hết ngày 20.4, bến xe đã không chấp nhận thêm trường hợp nào thông báo tăng cước.
Tuy nhiên, cũng theo ông Tuấn, sau đợt tăng giá này, có thể giá cước vận tải sẽ giảm vì sau kỳ nghỉ lễ 30.4 và 1.5 sẽ là thời điểm vắng khắc, các doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc.
Còn đối với các hãng taxi, sau đợt tăng giá xăng vừa qua, đã có 2 đơn vị taxi Mai Linh và Group điều chỉnh giá cước tăng từ 500 - 1.000 đồng/ km.
Theo ông Liên, các hãng taxi nên thận trọng trong việc tăng, giảm giá đồng hồ cước bởi xăng dầu có nhiều biến động. Hơn nữa, đơn vị taxi tăng giá cước lại dễ hơn giảm vì nhiều trường hợp, các hãng khi giảm giá cước taxi đã bị lái xe phản đối.
Đồng tình quan điểm đó, ông Tuấn cũng bày tỏ quan điểm, doanh nghiệp vận tải muốn tăng giá cước thì thủ tục cũng mất khá nhiều thời gian, ngược lại, khi muốn giảm giá cũng vậy. Bao giờ, giá cước cũng có độ trễ so với thị trường xăng dầu và không thể điều chỉnh linh hoạt như giá xăng dầu.
Thông tin từ Ga Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, Ga đã không còn vé giường nằm mà chỉ còn ghế ngồi mềm điều hòa và ghế cứng trên các tuyến có nhiều địa điểm du lịch như Lào Cai, Huế, Đồng Hới.
Để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao dịp nghỉ lễ, các tuyến Hà Nội-Sài Gòn sẽ được lập thêm tàu HN1, HN2; tuyến Hà Nội-Vinh lập thêm các tàu NA3, 7, 9, 4, 6, 8 và 12; tuyến Hà Nội-Lào Cai thêm tàu SP5, 7, 9 và LC10 từ ngày 25.4 - 1.5.
Cụ thể, chiều đi từ Hà Nội đến các tỉnh Lào Cai, Nghệ An, Huế sẽ được lập thêm từ 2 đến 4 đôi tàu trong các ngày 25 - 27.4.
Sau dịp nghỉ lễ, người dân các tỉnh đổ xô về thủ đô làm việc, Ga Hà Nội cũng đã lên phương án lập 4 đôi tàu từ các tỉnh Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An.
Theo Vietnam+
Vui lòng nhập nội dung bình luận.