Lễ hội chạy khỏa thân ở Tây Ban Nha
Được khởi xướng bởi các nhà hoạt động bảo vệ động vật của tổ chức PETA, sự kiện độc đáo này diễn ra vào ngày 4.7 hàng năm và kéo dài suốt 9 ngày ở San Fermin, thành phố Pamplona, Tây Ban Nha. Lễ hội tràn ngập màu sơn đỏ. Những người tham gia trút bỏ quần áo, đội chiếc sừng bò bằng nhựa lên đầu và chạy trên quãng đường gần 1 km từ bãi Santo Domingo đến Plaza de Toros.
Sự kiện được tổ chức nhằm phản đối sự tàn ác của các trận đấu bò tót. Nó bắt đầu từ năm 2002 sau khi 25 nhà hoạt động về quyền động vật chạy khỏa thân qua Pamplona để kêu gọi một sự thay thế, ít bạo lực hơn với môn thể thao máu khét tiếng ở quốc gia này.
Ban đầu, cư dân địa phương lo lắng về những kẻ côn đồ hoặc yêu râu xanh trà trộn trong lễ hội. Tuy nhiên, sau đó, sự kiện trở nên nổi tiếng và giúp thúc đẩy phát triển kinh tế cho người dân trong thị trấn. Các nhóm bảo vệ động vật ở Bắc Mỹ và châu Âu cũng khuyến khích tổ chức lễ hội, đồng thời hỗ trợ các vận động viên về chi phí và chỗ ở.
Lễ hội khỏa thân sinh viên ở Philippines
Còn được gọi với tên khác là “điệu nhảy nghi lễ của những người dũng cảm”, cuộc chạy bộ Oblation Run là sự kiện hàng năm được khởi xướng bởi tổ chức sinh viên lớn nhất Philippines là Alpha Phi Omega (APO). Một nhóm nam sinh viên (gần đây có nữ tham gia) trần truồng, chỉ đeo mỗi mặt nạ để giấu danh tính, chạy quanh khuôn viên trường vào trao bông hồng cho khán giả nữ.
Theo trang web của APO, sự kiện lấy tên từ một bức tượng người đàn ông khỏa thân được đặt tại hầu hết khuôn viên trường đại học ở Philippines. Lễ hội bắt đầu từ năm 1977 khi một thành viên của APO khỏa thân chạy quanh trường để quảng bá cho một vở kịch.
Mặc dù vấp phải nhiều chỉ trích bởi sự khoe thân táo bạo và coi thường quy tắc xã hội, lễ hội vẫn được tổ chức vào ngày 16.12 hàng năm.
Lễ hội khỏa thân Hadaka Matsuri, Nhật Bản
Hadaka Matsuri, hay được gọi đơn giản là “lễ hội khỏa thân” được tổ chức tại nhiều thành phố trên khắp nước Nhật, nhưng nổi tiếng nhất là ở Okayama. Vào ngày thứ 7 thứ ba của tháng 2, hàng nghìn người khỏa thân hoặc đóng khố sẽ tập trung ở đền Saidaiji-naka.
Sau đó, một nhà sư trong đền xuất hiện và ném cặp gậy thiêng vào đám đông. Những người đàn ông này phải tranh giành quyết liệt để sở hữu cây gậy và bỏ vào hộp gỗ với mong muốn có một năm may mắn, hạnh phúc.
Thông thường, khoảng 9.000 người tham gia lễ hội. Các tín đồ tranh nhau nhận những lá bùa giấy từ nhà sư để mong may mắn suốt năm. Sự kiện này đã tồn tại khoảng 500 năm và không ai biết rõ tại sao người tham gia phải khỏa thân. Một số nguồn tin cho rằng, theo truyền thống Nhật Bản, người đàn ông khỏa thân có sức mạnh lấy đi hết những điều xấu xa trong xã hội.
Lễ hội vẽ trên cơ thể ở Áo
Được khởi sướng bởi một cơ quan du lịch phụ trách tổ chức sự kiện mùa hè mới ở Seeboden, Áo năm 1998, lễ hội vẽ nghệ thuật trên cơ thể (body painting) trở thành một sự kiện lớn thu hút sự tham gia của hàng chục nghìn người và các nghệ sỹ bodypaint từ khắp nơi trên thế giới.
Địa điểm tổ chức sau đó được chuyển đến Pörtschach am Wörthersee ở phía nam nước Áo cho phù hợp với lượng người tham gia và được tổ chức vào cuối tháng 6 hàng năm.
Lễ hội kéo dài suốt một tuần. Trong 4 ngày đầu tiên, mọi người vẽ lên cơ thể và tham gia các hội thảo về nghệ thuật. 3 ngày sau đó, sự kiện được mở cửa cho tất cả mọi người tham gia, cùng những buổi hòa nhạc sôi động và các điểm tham quan thú vị.
Đạp xe khỏa thân
Năm 2003, sau khi tổ chức vài cuộc đạp xe khỏa thân cho các nghệ sỹ và nhà hoạt động hòa bình nhằm phản đối chiến tranh, nhà hoạt động xã hội ở Vancouver là Conrad Schmidt đã bật ra ý tưởng tổ chức ngày đạp xe khỏa thân toàn thế giới (WNBR).
Thông điệp đầu tiên của sự kiện này là phản đối sự phụ thuộc của nhân loại vào xăng dầu và vận động việc tăng cường sức khỏe cũng như sự an toàn của người đi xe đạp trên đường phố. Mặc dù sự kiện thu hút nhiều người sẵn sàng khỏa thân trước “bàn dân thiên hạ”, nhà tổ chức vẫn nhấn mạnh rằng người tham gia có thể không cần trút bỏ hoàn toàn quần áo nếu họ muốn.
WNBR diễn ra ở nhiều thành phố trên thế giới. Các khu vực ở Nam bán cầu thường tổ chức vào giữa tháng 3 trong khi ở các nơi ở Bắc bán cầu tổ chức vào ngày thứ 7 thứ hai của tháng 6.
Khỏa thân giữa sa mạc trong lễ hội Burning Man, Nevada, Mỹ
Sự kiện kéo dài 1 tuần và được tổ chức hàng năm tại sa mạc Black Rock ở phía bắc Nevada, bắt đầu từ thứ hai và kết thúc vào ngày lễ Lao động của Mỹ (thứ hai đầu tiên của tháng 9).
Sự kiện bắt đầu từ mùa hè năm 1986 khi Larry Harvey, Jerry James và khoảng 18 người bạn khác đốt cháy một hình nộm bằng gỗ ở bãi biển Baker, San Francisco. Họ quyết định tạo ra một sự kiện thường niên và sau đó thu hút hàng chục nghìn người tham gia.
Mọi người có thể mặc bất kỳ loại trang phục kỳ quái nào, thậm chí khỏa thân. Trong những năm gần đây, Burning Man nổi tiếng tới mức những người muốn tham gia phải bỏ 300 USD để mua vé trước qua mạng.
Chạy khỏa thân Roskilde ở Đan Mạch
Lễ hội Roskilde kéo dài trong 4 ngày tại thị trấn Roskilde, Đan Mạch. Đây là lễ hội văn hóa và âm nhạc lớn nhất ở Bắc Âu với hơn 180 ban nhạc và hơn 100.000 khán giả.
Được khởi xướng từ năm 1971 bởi hai học sinh trung học, sự kiện ban đầu chỉ phổ biến với những người được cho là lập dị. Sau đó, nó thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Lễ hội được tổ chức vào cuối tháng 6. Hàng trăm người trần truồng, mình sơn vẽ đủ hình thù, màu sắc sẽ tỏa ra khắp nơi, trên diện tích khu vực tổ chức rộng 80 ha. Người chiến thắng sẽ giành vé tham gia lễ hội miễn phí vào năm sau. Vé được rao bán trên trang web chính thức khoảng 230 Euro.
Đạp xe khỏa thân ở Washington
Lễ hội Fremont Solstice Parade diễn ra hàng năm tại khu phố Fremont, gần Seattle, Washington, Mỹ vào ngày thứ 7 gần ngày hạ chí nhất. Sự kiện bắt đầu từ năm 1989 bởi Barbara Luecke và Peter Toms, thu hút hàng chục nghìn khán giả ở hội chợ Fremont. Những người tham gia khoả thân (không bắt buộc), vẽ sơn đầy mình và cùng đạp xe diễu hành khắp các con phố.
Xem thêm: "Bỏng mắt" với những bãi biển khỏa thân nổi tiếng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.