Đô thị Huế sẽ được mở rộng gấp 5 lần, nhập 13 xã vào thành phố?

Trần Hòe Thứ sáu, ngày 18/10/2019 10:24 AM (GMT+7)
Diện tích TP.Huế sau khi mở rộng sẽ lên khoảng 348,54km², gấp 5 lần diện tích hiện tại.
Bình luận 0

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức hội nghị thảo luận và cho ý kiến về Đề án xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030.

Theo ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, để bảo đảm các mục tiêu đề ra, căn cứ vào nguồn lực hiện có gắn với ổn định sản xuất và đời sống nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề xuất định hướng và phân chia Đề án xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030 làm 2 giai đoạn.

img

Định hướng phát triển không gian đô thị Huế (màu vàng) đến năm 2025.

Trong đó, giai đoạn 1 của Đề án (thực hiện từ 2020-2025) sẽ xây dựng, phát triển không gian đô thị Huế hướng biển, theo trục cảnh quan hai bờ sông Hương. Phạm vi nghiên cứu bao gồm khu vực TP.Huế hiện hữu và các xã, phường, thị trấn: Thủy Vân, Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy) Hương Hồ, Hương An, Hương Thọ, Hương Vinh, Hải Dương, Hương Phong (thị xã Hương Trà), Thuận An, Phú Thượng, Phú Mậu, Phú Dương, Phú Thanh (huyện Phú Vang).

Giai đoạn 2 của Đề án (2025-2030), trên cơ sở định hướng phát triển của giai đoạn 1, tiếp tục xây dựng, phát triển không gian đô thị Huế theo định hướng của đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên - Huế và quy hoạch chung TP.Huế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với vùng lõi đô thị có quy mô hơn 348km2, bao gồm TP.Huế mở rộng theo mô hình thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương và các thị xã Hương Thủy, Hương Trà.

img

Đô thị Huế nhìn từ trên cao. 

Ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế cho biết, việc lập đề án xây dựng và phát triển đô thị Huế là vấn đề cấp thiết hiện nay. Ông Lưu đề nghị đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh liên hệ với thực tiễn để cho ý kiến thêm về các nội dung cụ thể trong Đề án; phân tích rõ ưu điểm, nhược điểm, lựa chọn phương án tối ưu để hoàn thiện Đề án.

Trên cơ sở các nội dung của Đề án, hội nghị thống nhất chủ trương và định hướng phát triển không gian đô thị Huế đến năm 2030 theo 2 giai đoạn; bàn chủ trương xây dựng bộ tiêu chí đô thị di sản để Thường vụ Tỉnh ủy có cơ sở báo cáo Chính Phủ, Quốc hội; cho ý kiến về chủ trương xây dựng cơ chế chính sách đặc thù áp dụng tỉnh Thừa Thiên - Huế là “đô thị di sản - thành phố trực thuộc Trung ương”. 

Với diện tích hơn 348km2 sau khi mở rộng, diện tích TP.Huế sẽ gấp 5 lần hiện tại.   

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem